Các quy định về bảo vệ môi trường làng nghề
Bạn đọc Trần Văn Đạt (Hà Nội): Làng nghề phải đáp ứng điều kiện gì về môi trường?
Điều 33 Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định, làng nghề được công nhận phải đáp ứng các yêu cầu quy định tại khoản 1 Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường. Cụ thể là:
Làng nghề phải có phương án bảo vệ môi trường, có tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường và hạ tầng bảo vệ môi trường. Hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề bao gồm:
Có hệ thống thu gom nước thải, nước mưa bảo đảm nhu cầu tiêu thoát nước của làng nghề;
Hệ thống thu gom, thoát nước và xử lý nước thải tập trung (nếu có) bảo đảm nước thải sau xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
Có điểm tập kết chất thải rắn đáp ứng yêu cầu kỹ thuật về bảo vệ môi trường; khu xử lý chất thải rắn (nếu có) cần bảo đảm quy định về quản lý chất thải rắn hoặc có phương án vận chuyển chất thải rắn đến khu xử lý chất thải rắn nằm ngoài địa bàn.
Bạn đọc Phạm Minh Giang (Vĩnh Phúc): Các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng những yêu cầu gì để bảo vệ môi trường?
Yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề được quy định tại Khoản 2, Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường 2020 và được quy định cụ thể tại Điều 34, nghị định số: 08/2022/NĐ-CP, Theo đó:
Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải thực hiện các quy định về đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường hoặc đăng ký môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Công trình bảo vệ môi trường của cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề phải đáp ứng các yêu cầu sau:
Có hệ thống thu gom, thoát nước mưa, nước thải theo quy định của chính quyền địa phương, bảo đảm phù hợp với hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề.
Có công trình xử lý nước thải hoặc công trình, thiết bị xử lý nước thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung.
Có công trình xử lý khí thải hoặc công trình, thiết bị xử lý khí thải tại chỗ đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường trong trường hợp có phát sinh khí thải phải xử lý theo quy định của pháp luật.
Thực hiện các giải pháp kỹ thuật để giảm thiểu tiếng ồn, độ rung, ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường xung quanh.
Có biện pháp, công trình thu gom, lưu giữ chất thải rắn theo quy định của pháp luật.
Bạn đọc Bùi Xuân Trường (Bình Định): UBND các cấp, đặc biệt là UBND xã có trách nhiệm thế nào để ngăn chặn tình trạng ô nhiễm môi trường do làng nghề gây ra?
Trách nhiệm của UBND các cấp trong việc bảo vệ môi trường làng nghề được quy định tại Khoản 4, Khoản 5, Khoản 6, Điều 56 Luật Bảo vệ môi trường.
Theo Khoản 4, Điều 56, Luật Bảo vệ môi trường thì UBND cấp xã có trách nhiệm như sau:
Lập, triển khai thực hiện phương án bảo vệ môi trường cho làng nghề trên địa bàn;
Hướng dẫn hoạt động của tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề.
Trách nhiệm trên của UBND cấp xã được quy định cụ thể tại Điều 33, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP, đó là:
UBND cấp xã xây dựng, trình UBND cấp huyện phê duyệt phương án bảo vệ môi trường làng nghề, bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương và kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề, kế hoạch di dời cơ sở, hộ gia đình ra khỏi làng nghề đã được UBND cấp tỉnh phê duyệt.
Tổ chức tự quản về bảo vệ môi trường làng nghề được UBND cấp xã thành lập; hoạt động theo quy chế do UBND cấp xã ban hành và có trách nhiệm sau đây: Tham gia quản lý, vận hành, duy tu, cải tạo các công trình thuộc hạ tầng bảo vệ môi trường của làng nghề theo phân công của UBND cấp xã; phổ biến, theo dõi, đôn đốc các cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thực hiện các quy định bảo vệ môi trường quy định tại Điều 34 Nghị định này;…
Tham gia xây dựng, tổ chức thực hiện phương án bảo vệ môi trường làng nghề; nội dung bảo vệ môi trường trong hương ước, quy ước của làng nghề; tuyên truyền, vận động nhân dân xóa bỏ các hủ tục, thói quen mất vệ sinh, có hại cho môi trường;
Bạn đọc Đoàn Hồng Phúc (Bắc Ninh): Việc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề được pháp luật quy định ra sao?
Việc di dời cơ sở, hộ gia đình sản xuất ra khỏi làng nghề và chuyển đổi ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề được quy định cụ thể tại Điều 35 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP. Theo đó:
1. Ngành, nghề sản xuất không khuyến khích phát triển tại làng nghề, bao gồm: Ngành, nghề sản xuất không thuộc ngành nghề nông thôn theo quy định của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn; ngành, nghề thuộc loại hình sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường quy định tại Phụ lục II ban hành kèm theo Nghị định này; …
2. Cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề thuộc ngành, nghề không khuyến khích phát triển tại làng nghề đó theo quy định tại khoản 1 Điều này có trách nhiệm thực hiện quy định tại Điều 34 Nghị định này và tuân thủ kế hoạch chuyển đổi ngành, nghề sản xuất hoặc di dời trong phương án bảo vệ môi trường làng nghề quy định tại điểm g khoản 3 Điều 33 Nghị định này.
3. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trong làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đến mức bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
4. Cơ sở gây ô nhiễm môi trường kéo dài trong làng nghề là cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong làng nghề có hành vi vi phạm quy định về xả nước thải, thải bụi, khí thải, gây ô nhiễm tiếng ồn, độ rung vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải hoặc chôn, lấp, đổ, thải chất thải rắn, chất thải nguy hại trái quy định về bảo vệ môi trường, đã bị xử phạt vi phạm hành chính mà tiếp tục tái phạm và hết thời hạn khắc phục hậu quả vi phạm vẫn chưa khắc phục được.
Lê Chiên (ghi)