Gói dịch vụ y tế cho người dân ở Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
Ngày 4 tháng 11 năm 2024 , Bộ Y tế ban hành Thông tư số 30/2024/TT-BYT “Quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện”, có hiệu lực thi hành từ ngày 19 tháng 12 năm 2024. Thông tư này quy định danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã, phường, thị trấn thực hiện phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, dự phòng và nâng cao sức khỏe nhân dân (sau đây gọi tắt là gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã thực hiện). Danh mục đó gồm 15 gói dịch vụ, được quy định chi tiết tại Phụ lục ban hành kèm theo Thông tư này gồm:
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em;
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ;
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi;
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người khuyết tật;
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe bằng y học cổ truyền;
+ Gói dịch vụ phòng, chống bệnh không lây nhiễm;
+ Gói dịch vụ phòng, chống bệnh truyền nhiễm và HIV/AIDS;
+ Gói dịch vụ xác định tình trạng nghiện ma túy;
+ Gói dịch vụ tiêm chủng;
+ Gói dịch vụ về dinh dưỡng;
+ Gói dịch vụ bảo đảm an toàn thực phẩm;
+ Gói dịch vụ về sức khỏe môi trường, phòng, chống tai nạn thương tích, sức khỏe lao động;
+ Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe trước khi kết hôn, dân số và kế hoạch hóa gia đình;
+ Gói dịch vụ về truyền thông y tế - dân số;
+ Gói dịch vụ về ứng dụng công nghệ thông tin.
Theo quy định tại khoản 2, Điều 2, Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8 tháng 12 năm 2014 thì: “Trạm Y tế xã có chức năng cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn xã.” và khoản 3, Điều 2 Nghị định này quy định về nhiệm vụ của Trạm Y tế xã. Nhìn vào danh mục các gói dịch vụ trên tôi cho rằng đã đáp ứng được điều kiện cần để Trạm Y tế xã thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình.
Tuy nhiên, danh mục các gói dịch vụ nêu trên không phải là bất biến. Khi kinh tế - xã hội phát triển, điều kiện sống, môi trường…thay đổi thì cơ cấu bệnh tật, hoạt động truyền thông, dân số… cũng thay đổi theo. Gói dịch vụ trên cũng cần phải thay đổi để đáp ứng với tình hình thực tiễn. Do vậy khoản 2, Điều 2, Thông tư số 30/2024/TT-BYT đã quy định: “Danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã thực hiện sẽ được Bộ Y tế cập nhật, điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn”.
Như vậy là người dân sẽ được hưởng đầy đủ các gói dịch vụ trên từ Trạm Y tế xã?
Khoản 3, Điều 3, Thông tư 30/2024/TT-BYT quy định: Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ danh mục, nội dung gói dịch vụ y tế cơ bản quy định tại Điều 2 Thông tư này, căn cứ mô hình bệnh tật, khả năng cung ứng dịch vụ của Trạm Y tế xã (trường hợp pháp luật quy định có điều kiện thực hiện đối với dịch vụ y tế thì Trạm Y tế xã chỉ được thực hiện khi đáp ứng đủ điều kiện), nguồn lực và tình hình thực tế của địa phương trong từng thời kỳ để xây dựng lộ trình thực hiện; quyết định chi tiết danh mục dịch vụ y tế cơ bản được triển khai tại địa phương. Trường hợp áp dụng phương thức Nhà nước đặt hàng, giao nhiệm vụ cho cơ sở y tế thực hiện gói dịch vụ y tế cơ bản thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 32/2019/nĐ-CP ngày 10 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cung cấp sản phẩm, dịch vụ công sử dụng ngân sách nhà nước từ nguồn kinh phí chi thường xuyên.
Thông tư trên quy định danh mục gói dịch vụ y tế cơ bản do Trạm Y tế xã thực hiện. Vậy cụ thể là thực hiện thế nào, thưa Tiến sĩ?
Mỗi gói dịch vụ có quy định chi tiết khác nhau nhưng đều có điểm chung là quy định: Địa điểm thực hiện dịch vụ; đối tượng áp dụng gói dịch vụ; tần suất, nội dung thực hiện; quy trình hướng dẫn triển khai. Những vấn đề này được quy định tại Phụ lục (Ban hành kèm theo Thông tư số 30/2024/TT-BYT ngày 04 tháng 11 năm 2024 của Bộ trưởng Bộ Y tế). Trong phạm vi bài viết, tôi không thể nêu hết được những quy định đó. Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Thông tư trên.
Gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em, được rất nhiều bậc phụ huynh quan tâm. Tiến sĩ có thể cho biết, theo quy định thì Trạm Y tế xã triển khai thực hiện gói này ra sao?
Theo Phụ lục nêu trên, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho trẻ em được chia làm 4 dịch vụ thành phần, gồm:
Dịch vụ 1: Tư vấn sàng lọc, lấy máu gót chân trẻ sơ sinh để sàng lọc (không bao gồm chi phí xét nghiệm)
Dịch vụ 2: Quản lý trường hợp nguy cơ cao sau sàng lọc sơ sinh
Dịch vụ 3: Khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho trẻ dưới 6 tuổi không đi học
Dịch vụ 4: Khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho học sinh
- Mỗi dịch vụ thành phần lại có quy định về nội dung, đối tượng,…khác nhau. Đơn cử “Dịch vụ 4: Khám, chăm sóc sức khỏe định kỳ cho học sinh” quy định thực hiện như sau:
- Địa điểm thực hiện: Tại Trạm Y tế xã hoặc tại cơ sở y tế hoặc tại các cơ sở giáo dục mầm non và cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn xã.
- Đối tượng: trẻ em ở các cơ sở giáo dục mầm non và học sinh ở các cơ sở giáo dục phổ thông.
- Tần suất thực hiện: 01 lần/01 năm.
- Nội dung:
+ Khám, kiểm tra sức khỏe cho trẻ em, học sinh bao gồm: thể lực, huyết áp, nhịp tim, thị lực, thính lực...; phát hiện các trường hợp suy dinh dưỡng, thừa cân béo phì, giảm thị lực, cong vẹo cột sống, bệnh răng miệng, rối loạn sức khỏe tâm thần và các bệnh tật khác tùy theo mỗi cấp học khác nhau;
+ Kiểm tra lịch tiêm chủng và tư vấn tiêm chủng;
+Tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng và vận động thể lực hợp lý cho trẻ em, học sinh và phụ huynh;
+ Cấp phát sản phẩm bổ sung các vi chất dinh dưỡng (nếu có) hoặc tư vấn, hướng dẫn cho cha mẹ sử dụng các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng cho trẻ từ 6 tháng đến dưới 36 tháng.
- Quy trình, hướng dẫn triển khai thực hiện theo: Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT...
Cảm ơn Tiến sĩ!
* THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 81/QĐ-TTG