Xã hội

Các tỉnh khu vực Trung Trung Bộ khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 6

P.V - 15:40 28/10/2024 GMT+7
Sau khi bão số 6 suy yếu, các tỉnh Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam đang chịu ảnh hưởng mưa lớn kéo dài trên diện rộng kèm theo ngập lụt khu vực đồng bằng, nguy cơ sạt lở đất rất cao tại các địa phương vùng núi. Các tỉnh đang gấp rút chỉ đạo khôi phục hạ tầng điện, giao thông và sẵn sàng sơ tán, di dời người dân ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét.
TIN LIÊN QUAN

Thừa Thiên Huế: Kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Quý Phương đã đi kiểm tra tình hình sạt lở bờ biển khu vực giáp ranh xã Phú Thuận và thị trấn Thuận An; bờ biển Giang Hải – Vinh Hiền. Cùng đi còn có lãnh đạo các sở, ban, ngành và địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế kiểm tra sạt lở bờ biển khu bãi tắm phường Thuận An.

 

Do ảnh hưởng của cường suất mưa lớn vùng nội đồng kết hợp triều cường, nước dâng do bão nên nước trên các triền sông không chảy ra biển đã gây ngập lụt cho các khu vực ven biển, đầm phá và khu vực trũng thấp. 

Trước đó, UBND tỉnh đã ban Quyết định số 2740/QĐ-UBND ngày 22 tháng 10 năm 2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sạt lở bờ biển đoạn giáp ranh giữa xã Phú Thuận, huyện Phú Vang và phường Thuận An, thành phố Huế; chiều dài sạt lở gần 1.000m, trong đó sạt lở nặng 300m.

Để ngăn sạt lở, Văn phòng Ban Chỉ huy PCTT và TKCN tỉnh đã xuất 2.350m2 vải lọc, 700 m3 đá hộc xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển nêu trên. UBND huyện Phú Vang và UBND thành phố Huế địa phương đã xuất 5.000 cái bao tải, 200 cừ tràm và huy động lực lượng, phương tiện trên địa bàn phối hợp cán bộ, chiến sĩ Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tham gia xử lý khẩn cấp chống sạt lở bờ biển. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã kiểm tra đoạn bị sạt lở nặng dài khoảng 300m nằm giáp ranh giữa xã Phú Thuận và phường Thuận An.

Tuy nhiên, khi bão Trà Mi đổ bộ vào khu vực này đã đánh tan toàn bộ hệ thống kè vừa được xây dựng, cuốn trôi một đoạn đường phục vụ du lịch ra biển. Nhiều hàng quán ven biển bị gió làm siêu vẹo. Sau bão, sóng biển liên tục đánh vào bờ, ngoạm sâu vào đất liền, uy hiếp khu dân cư ở gần đó.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương bố trị nhân lực theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở.

Qua đi kiểm tra thực tế các điểm sạt lở, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương ghi nhận, đánh giá cao tinh thần chủ động, sẵn sàng ứng phó thiên tai của các lực lượng, người dân nhằm hạn chế việc ảnh hưởng nước biển xâm thực. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương yêu cầu các địa phương cử cán hộ theo dõi chặt chẽ diễn biến khu vực sạt lở, kịp thời báo cáo cấp có thẩm quyền có phương án xử lý. Đồng thời tổ chức rà soát các khu vực trọng điểm, xung yếu, xử lý kịp thời các sự cố công trình ngay từ đầu nhằm giảm thiểu đến mức thấp nhất nước biển xâm thực.

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Phương và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Hải Minh kiểm tra tình hình sạt lở ở bờ biển Giang Hải 

Chủ tịch UBND tỉnh giao UBND huyện Phú Vang, UBND thành phố Huế và UBND huyện Phú Lộc nghiên cứu, có giải pháp đồng bộ, tổng thể đối với việc phòng, chống sạt lở. Chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân ra khỏi các khu vực nguy hiểm, kiên quyết không để người dân ở lại khu vực nguy hiểm.

Đà Nẵng: Dốc toàn lực khắc phục hậu qua bão số 6

“Các lực lượng, sở, ban, ngành và địa phương, đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục thiệt hại do bão số 6 (bão Trà Mi), mưa lớn gây ra trên lĩnh vực, địa bàn phụ trách” - đó là yêu cầu của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng sáng 28/10. 

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng đề nghị Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng tiếp tục khẩn trương khôi phục trạm biến áp, cấp điện trở lại cho các khu vực bị mất điện trong thời gian sớm nhất. Các địa phương, đơn vị tổ chức dọn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải sau bão, lũ theo phương án, kế hoạch đã được duyệt. Đồng thời, triển khai công tác sửa chữa, khắc phục nhà cửa bị tốc mái, hư hỏng sớm ổn định đời sống cho cho nhân dân; tiếp tục thống kê thiệt hại trên các lĩnh vực, khẩn trương khắc phục các công trình, trụ sở, cơ sở hạ tầng,… bị hư hỏng.

Các lực lượng phường Nại Hiên Đông (quận Sơn Trà) xử lý cây xanh đô thị bị ngã đổ ra đường để bảo đảm giao thông. Ảnh: H.H

Theo báo cáo tổng hợp của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự thành phố Đà Nẵng, tính đến 7 giờ ngày 28/10, trên địa bàn thành phố có 51 nhà bị ngập tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang (do lũ quét trên sông Cu Đê, hiện lũ đã rút); 9 nhà bị tốc mái hoàn toàn (tại quận Cẩm Lệ: 1 nhà; quận Liên Chiểu: 2 nhà và Hòa Vang: 6 nhà); 53 nhà bị tốc mái một phần (quận Cẩm Lệ: 4 nhà; huyện Hòa Vang: 49 nhà).

Bão cũng làm tốc mái tại một số trung tâm y tế (tại Trung tâm Cấp cứu thành phố bị vỡ, tốc tấm ốp mái che ở tiền sảnh; tại Trung tâm Y tế quận Cẩm Lệ, mái tôn ở khu xét nghiệm bị tốc; tại Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn, hành lang khu khám bệnh bị rơi la-phông...)

Cây đổ dọc các trục đường chính qua xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) đã được UBND xã cùng các đơn vị liên quan dọn dẹp nhanh chóng trong chiều 27-10. Ảnh: NGUYỄN CẦU

Về nông nghiệp, bão làm thiệt hại 12ha hoa màu (vùng rau La Hường (Hòa Thọ Đông): 7ha, vùng rau Gò Soi (Hòa Thọ Tây): 5ha; có một ghe nhỏ bị chìm (của ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà). Có 909 cây xanh đô thị bị ngã, đổ (quận Hải Châu: 28 cây; Thanh Khê: 18 cây; Sơn Trà: 34 cây; Ngũ Hành Sơn: 84 cây; Liên Chiểu: 134 cây; Cẩm Lệ: 172 cây và huyện Hòa Vang: 439 cây). Về giao thông, đường Như Nguyệt (đoạn gần cầu Thuận Phước) bị nước sông dâng cao gây ngập mặt đường dài khoảng 150m; sóng lớn đánh gây hư hỏng, bong bật gạch vỉa hè nhiều vị trí; ngã trụ đèn trang trí phía sông và đất, cát tràn lên vỉa hè, lòng đường.

Quảng Nam: Rà soát điểm sạt lở, chủ động sơ tán dân

Sau bão, mưa lớn vẫn tiếp tục được ghi nhận tại các huyện miền núi tỉnh Quảng Nam. Để kịp thời ứng phó với diễn biến mưa lũ, ngăn ngừa rủi ro có thể xảy ra, cùng với công tác rà soát các điểm có nguy cơ sạt lở đất, nhiều địa phương miền núi trong tỉnh chủ động phương án sơ tán người dân, di dời nhà cửa, vật dụng cần thiết đến nơi an toàn.

899d9a6f2164993ac075(1).jpg

Các chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr'Hy sơ tán một bệnh nhân bị liệt nhiều năm ra khỏi khu vực có nguy cơ sạt lở. Ảnh: BIÊN THÙY

Vài ngày trước, huyện Tây Giang phát hiện có khoảng 6 - 7 đường nứt ngang trên đỉnh đồi tại khu dân cư H’juh (xã Ch’Ơm), đe doạ hàng chục người dân địa phương. Ngay lập tức, chính quyền sở tại thực hiện các biện pháp khẩn cấp nhằm chủ động ứng phó. Ông Arất Blúi - Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Giang cho biết, để chủ động ứng phó trước bão lũ, nhiều ngày qua, chính quyền địa phương thành lập 2 tổ công tác trực tiếp đi kiểm tra tình hình tại các xã, đặc biệt là 4 xã vùng cao Tr’Hy, A Xan, Ga Ry và Ch’Ơm - nơi thường xuyên xảy ra các vụ sạt lở đất nghiêm trọng những năm gần đây. Qua kiểm tra, ngoài khu dân cư H’juh, tổ công tác phát hiện thêm một số điểm có nguy cơ cao về sạt lở đất tại các khu dân cư thuộc xã Ga Ry, A Xan và Tr’Hy nên kịp thời chỉ đạo các địa phương khẩn trương triển khai phương án sơ tán người dân.

159e067a3e72862cdf63(1).jpg

Từ việc rà soát, Tây Giang kịp thời phát hiện các điểm sạt lở, hỗ trợ người dân sơ tán an toàn. Ảnh: BIÊN THÙY

“Chúng tôi cũng huy động lực lượng hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khẩn trương thu hoạch lúa mùa, khơi thông dòng chảy tại một số điểm xung yếu và kiểm tra các sườn đồi gần khu dân cư đề phòng sạt lở, lũ quét. Ngoài ra, lập phương án chỉ đạo ứng phó “4 tại chỗ”, đảm bảo lương thực dự trữ trong cộng đồng suốt 30 ngày” - ông Blúi cho biết.

Không chỉ Tây Giang, công tác rà soát điểm sạt lở luôn được các địa phương miền núi Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My, Hiệp Đức... chủ động triển khai, xem đó là phương án tối ưu để phòng ngừa hiểm họa. Từ việc chủ động rà soát này, thời gian qua, nhiều địa phương kịp thời phát hiện các vết nứt, sụt lún trên các sườn núi, đảm bảo công tác sơ tán người dân đến nơi an toàn.

bd616c281e22a67cff33.jpg

Bố trí điểm sơ tán người dân đảm bảo an toàn trước thiên tai, bão lũ. Ảnh: BIÊN THÙY

Theo ông Nguyễn Thành Liêm - Chủ tịch UBND xã Phước Gia (Hiệp Đức), qua rà soát, chiều 26/10, địa phương phát hiện vết nứt lớn tại khu vực đồi núi phía sau khu dân cư Nà Nổ (thôn Gia Cao, xã Phước Gia). Bên cạnh đặt biển cảnh báo, chính quyền địa phương huy động lực lượng hỗ trợ sơ tán người dân, di dời tài sản đến nơi an toàn. Nơi được bố trí ở tạm là Trường Tiểu học Kpa-Kơlơng trên địa bàn xã.

Mưa lớn tiếp tục xuất hiện tại các huyện miền núi. Những ngày qua, các lực lượng bộ đội, công an, biên phòng tuyến biên giới triển khai nhiệm vụ “hết công suất” giúp sơ tán hàng nghìn hộ dân nằm trong khu vực xung yếu, có nguy cơ sạt lở đất và lũ quét đến nơi an toàn. Các lực lượng cũng đồng thời vận chuyển vật dụng cần thiết, giúp dân thu hoạch lúa mùa, triển khai bố trí chỗ ở tạm đảm bảo an toàn.

img_20241026_104213(1).jpg

Cán bộ chiến sĩ Đồn Biên phòng Tr'Hy giúp dân thu hoạch lúa mùa trước cơn bão số 6. Ảnh: BIÊN THÙY

Thượng tá Bùi Văn Đức - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Tr’Hy (Tây Giang) cho biết, để chủ động ứng phó trước cơn bão Trà Mi, trong hai ngày 26&27/10, đơn vị cắt cử 2 tổ công tác gồm 50 lượt cán bộ chiến sĩ phối hợp với chính quyền địa phương các xã A Xan, Tr’Hy tham gia vận động, hỗ trợ sơ tán 176 hộ/818 nhân khẩu thuộc 8 thôn đến vị trí tránh trú bão an toàn. Nhiều người già và trẻ nhỏ không thể đi lại do ốm đau, đơn vị phân công cán bộ chiến sĩ hỗ trợ khiêng cõng, thậm chí trung chuyển bằng xe ô tô vượt qua thời tiết mưa lũ.

“Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, với phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, nhiều ngày qua chúng tôi tích cực triển khai công tác chằng chống nhà cửa, vận động sơ tán người dân, di dời nhiều tài sản tại các điểm khu dân cư có nguy cơ cao về sạt lở đất. Ngoài ra, đơn vị cũng duy trì lực lượng thường trực cơ động, sẵn sàng phối hợp với các địa phương thực hiện nhiệm vụ trong các tình huống xảy ra” - Thượng tá Bùi Văn Đức nói.

Song song với công tác chủ động rà soát phòng ngừa trước diễn biến mưa lũ, các địa phương Đông Giang, Nam Giang, Nam Trà My... lên “kịch bản” di dời nhà cửa và sơ tán hàng nghìn hộ dân tại các điểm bị ngập lụt, sạt lở đất, có nguy cơ lũ quét. Đi kèm với đó là công tác dự trữ lương thực, nhu yếu phẩm trong trường hợp bị cô lập dài ngày. Các điểm ở tạm của người dân đến sơ tán cũng được bố trí, đảm bảo tốt nhất có thể, tuyệt đối không để người dân quay trở lại khi chưa đảm bảo các điều kiện an toàn./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác