Tuyên Quang: Chi, tổ hội nghề nghiệp phát huy hiệu quả nguồn vốn vay ưu đãi
Có thể nói, việc hình thành các chi, tổ hội nghề nghiệp trên địa bàn huyện Yên Sơn - huyện miền núi ở Tuyên Quang, trong đó dân tộc thiểu số chiếm 52% dân số - đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực, giúp nông dân từng bước chuyển đổi phương thức sản xuất truyền thống, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.
Giúp nông dân gắn kết trong sản xuất, làm ăn
Những năm qua, nhằm hỗ trợ hội viên nông dân (HVND) phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, các cấp Hội Nông dân (ND) trên địa bàn huyện Yên Sơn đã thường xuyên quan tâm triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực hiệu quả. Đặc biệt, Hội đã tìm nhiều giải pháp tăng thêm nguồn vốn tín dụng và tăng trưởng tín dụng, nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên nông dân, nhất là các HVND tham gia các chi hội, tổ hội nghề nghiệp. Đến nay, huyện đã hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, gắn với liên kết, tiêu thụ sản phẩm; hình thành các mô hình, dự án nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao như: Vùng sản xuất chè theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Mỹ Bằng, mô hình ghép cải tạo và chăm sóc vườn nhãn chất lượng cao xã Thái Bình, vùng trồng nhãn tập trung với trên 140ha trong đó gần 100ha nhãn đang cho thu hoạch.
Cùng với vai trò cầu nối giúp các HVND tiếp cận nguồn vốn 1 cách nhanh nhất, các cấp Hội còn xây dựng mô hình kinh tế có hiệu quả để học tập kinh nghiệm và nhân rộng, phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT cho nông dân, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, giúp cho sản phẩm nông nghiệp dần có thương hiệu và chỗ đứng trên thị trường.
Hội ND huyện cũng phối hợp với Ngân hàng Agribank chi nhánh huyện Yên Sơn tổ chức giao ban giữa lãnh đạo chi nhánh, các phòng giao dịch với Chủ tịch Hội ND các xã, thị trấn mỗi tháng một lần để thông tin, bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn trong quá trình vay vốn và sử dụng nguồn vốn. Thông qua đó, các cấp Hội trong huyện đã góp phần nâng cao tín dụng, tăng trưởng tín dụng trên địa bàn, ngày càng nhiều HVND tiếp cận được các nguồn vốn vay ưu đãi.
Ông Hoàng Văn Sinh, Chủ tịch Hội ND xã Công Đa cho biết, xã được tiếp cận 2 nguồn vốn từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) và Ngân hàng Chính sách xã hội, tổng dư nợ 2 nguồn vốn là 50 tỉ đồng. Nguồn vốn của 2 ngân hàng đã mang lại hiệu quả rất thiết thực cho người dân trong xã, có nguồn vốn để phát triển chăn nuôi, trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi...
Vợ chồng anh Hoàng Văn Tĩnh ở thôn Nà Ho, xã Trung Sơn phấn khởi cho biết: Năm 2020, được sự hướng dẫn của Hội ND xã và Tổ trưởng tổ vay vốn thôn Nà Ho, gia đình anh đã được vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng Agribank để trồng 500 gốc cam. Đến nay, vườn cam của vợ chồng anh chị đang đến tuổi thu hoạch. Năm 2023, gia đình anh chị thu được trên 10 tấn quả. Nhờ nguồn vốn tiếp sức kịp thời, gia đình anh chị đã có nguồn thu để phát triển sản xuất và mua thêm đất trồng rừng, chăn nuôi gà thịt. Hiện gia đình anh chị đã trả hết nợ, thoát nghèo và có thu nhập ổn định từ mô hình kinh tế tổng hợp.
Đến nay, tổng dư nợ của Tổ vay vốn thôn Nà Ho đạt gần 4,4 tỷ đồng, với 57 thành viên vay vốn. Hiện Tổ không có nợ xấu, nợ quá hạn. Để có được kết quả đó, hằng tháng, thông qua các cuộc họp thôn, họp tổ, Hội đều tuyên truyền, vận động các hộ về mục đích sử dụng vốn, theo dõi, nhắc nhở kịp thời các hộ vay về các khoản nợ sắp đến hạn. Việc cho vay qua tổ đã tạo điều kiện thuận lợi cho HVND tiếp cận nguồn vốn vay của ngân hàng để đầu tư vào sản xuất kinh doanh, trồng rừng và phát triển chăn nuôi.
Được hỗ trợ vay 300 triệu đồng, Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản xã Trung Môn có thêm điều kiện phát triển kinh tế. Trên diện tích mặt nước lớn, người dân ở xã lựa chọn nuôi các loại đặc sản như cá, ốc nhồi, ba ba. Trong quá trình thực hiện, các thành viên trong chi hội được học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, giúp nhau về khoa học kỹ thuật, áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả.
Bà Phạm Thị Chính, Chi hội trưởng Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản xã Trung Môn thông tin, Chi hội đã được thành lập gần 2 năm, gồm 31 thành viên. Anh chị em trong chi hội luôn kết hợp, bảo ban nhau cách nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi sản xuất và đạt kết quả tốt.
Góp phần phát triển nông nghiệp bền vững và xây dựng nông thôn mới
Ông Nguyễn Huy Quân, Chủ tịch Hội ND xã Trung Sơn cho biết, được sự chỉ đạo của Hội ND cấp trên, xã Trung Sơn đã thành lập được 2 chi hội nghề nghiệp và 1 tổ hội nghề nghiệp. Trong quá trình hoạt động, chi hội và tổ hội đều được Hội ND xã hướng dẫn kỹ thuật, đưa các tổ viên đi tập huấn. Với Chi hội nghề nghiệp chăn nuôi thủy sản, Hội ND đã xin được nguồn vốn từ Hội ND tỉnh là 300 triệu đồng cho bà con vay. Song song với đó, Hội cũng đang tìm kiếm các nguồn vốn từ ngân hàng Agribank Yên Sơn và các ngân hàng khác để hỗ trợ HVND vay. Đẩy mạnh và phát triển chi hội, tổ hội nghề nghiệp là cách mà các cấp Hội ND trong huyện đang chú trọng thực hiện, nhằm tạo điều kiện cho HVND có cơ hội phát triển sản xuất, nâng cao giá trị sản phẩm, đem lại hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập hộ gia đình.
Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội trong huyện đã thu hút được trên 300 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn huyện lên trên 24.700 người. Năm 2024 có trên 13.000 hộ đang ký đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp. Thông qua hoạt động của hơn 100 HTX và 46 chi hội nông dân nghề nghiệp, người nông dân được trang bị khoa học kỹ thuật, vay vốn để đầu tư liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm giúp tăng năng suất và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Cùng với việc tăng cường tuyên truyền về xây dựng chi, tổ hội nghề nghiệp, Hội ND huyện còn hỗ trợ pháp lý cho các chi, tổ hội trong việc đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm. Đồng thời, Hội tổ chức tập huấn về kỹ thuật sản xuất, tăng cường liên kết, hợp tác trong sản xuất nông nghiệp, nhất là sản xuất nông sản sạch theo hướng hữu cơ; phối hợp với các ngân hàng, giúp các chi, tổ hội tiếp cận thêm nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh.
Trao đổi thêm về nội dung này, ông Trần Hữu Hùng, Chủ tịch Hội ND huyện Yên Sơn cho biết: Đồng hành, hỗ trợ HVND phát triển kinh tế là nhiệm vụ quan trọng của Hội ND huyện, đặc biệt là hỗ trợ vốn, kiến thức cho hội viên. Song song với việc khai thác các nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội, nguồn vốn Quỹ HTND..., các cấp Hội ND trong huyện chủ động phối hợp với Ngân hàng Agribank Yên Sơn để nâng cao chất lượng và tăng trưởng tín dụng. Các cấp Hội nắm bắt nhu cầu vốn, tiếp cận thông tin, hướng dẫn hội viên hoàn chỉnh hồ sơ vay vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế./.
- Nông dân Hà Nội sử dụng nguồn vốn vay hiệu quả, góp sức xây dựng nền nông nghiệp Thủ đô hiện đại
- Bà Rịa – Vũng Tàu: Triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững
- Nông dân Tam Đường mở rộng sản xuất nhờ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
- Kênh dẫn vốn, giúp nông dân yên tâm mở rộng sản xuất và làm giàu