Vụ việc xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm chưa bị xử lý ở Quảng Ngãi
Ý kiến luật sư: Cần khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm
Sau một số bài viết được đăng trên Tạp chí Nông thôn mới về tình trạng xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp nhiều năm chưa bị xử lý gây bức xúc trong dư luận, gây khiếu nại kéo dài ở Tổ dân phố Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi được dư luận chú ý và quan tâm, UBND huyện Sơn Hà đã có văn bản số 136/TB - UBND về việc “Thông báo kết luận của đồng chí Chủ tịch UBND huyện tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan đến việc tham mưu giải quyết nội dung liên quan đến báo chí (Tạp chí Nông thôn mới) phản ánh”.
Xử lý sai phạm như thế nào theo quy định của pháp luật?
Sau khi loạt bài phản ánh về tình trạng trên được đăng, nhiều bạn đọc đã gửi thông tin tới Tạp chí Nông thôn mới bày tỏ sự quan tâm về quy định hiện hành của Pháp luật Việt Nam khi xử lý hành vi xây dựng nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp.
Để làm rõ thêm vấn đề này, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có buổi làm việc với Luật sư Phạm Văn Lượng, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội.
Theo luật sư Phạm Văn Lượng, trong quá trình làm việc, phản ánh thông tin mà cơ quan báo chí cung cấp không có bất kỳ văn bản của cơ quan nhà nước cho phép xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp do UBND thị trấn Di Lăng quản lý. Như vậy, đồng nghĩa đây là hành vi chiếm đất được quy định tại Điểm a khoản 2 Điều 3 Nghị định 91/ 2019 NĐ-CP: “Tự ý sử dụng đất mà không được cơ quan quản lý nhà nước về đất đai cho phép”.
Đối với trường hợp này, người có thẩm quyền của UBND thị trấn Di Lăng cần lập biên bản vi phạm hành chính, trong thẩm quyền xử phạt (hoặc chuyển thẩm quyền theo khoản 3 Điều 58 của Luật Xử phạt vi phạm hành chính) để áp dụng điểm b khoản 2 Điều 4; Điều 9; khoản 5 Điều 14 và điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định 91/ 2019 NĐ-CP xử phạt: “Trường hợp lấn, chiếm đất chưa sử dụng, đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp (trừ trường hợp quy định tại khoản 6 Điều này) tại khu vực đô thị thì mức xử phạt bằng 2 lần mức xử phạt đối với loại đất tương ứng quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này.
Đồng thời cần áp dụng điểm a, khoản 5 Điều 9; điểm a khoản 7 Điều 14 Nghị định này áp dụng “Biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với các hành vi vi phạm tại các khoản 1, 2, 3, 4 và khoản 5 của Điều này và buộc trả lại đất đã lấn, chiếm; trừ trường hợp quy định tại điểm b và điểm c khoản này”.
Cũng theo Luật sư Phạm Văn Lượng, bên cạnh đó cần xem xét áp dụng điểm c, khoản 5 Điều 9: “Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này. Số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này”.
“Hành vi xây dựng trái phép công trình trên đất nông nghiệp đã và đang cản trở hoạt động đi lại, huỷ hoại quyền sử dụng đất, canh tác đất nông nghiệp của các hộ gia đình khác gây ra sự bức xúc tới bà con nhân dân địa phương, khiến bản thân tôi quan ngại, trăn trở cho một cơ quan đang nắm bắt và thực thi pháp luật như Uỷ ban Nhân dân thị trấn Di Lăng”, Luật sư Phạm Văn Lượng bày tỏ ý kiến.
Liệu có phù hợp quy hoạch và “hợp thức hóa sai phạm”?
Ông Võ Duy Tâm (Tổ dân phố Cà Đáo, thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà) đang rất băn khoăn liệu chính quyền địa phương có đang “hợp thức hóa” cho sai phạm của các trường hợp xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp kia bằng cách yêu cầu xử lý vi phạm hành chính và sau đó nộp nghĩa vụ tài chính với đất rồi hợp thức hóa bằng cách chuyển đổi đất vi phạm sang đất ở?.
Tuy nhiên, theo tìm hiểu của phóng viên, tại văn bản 837/QĐ – UBND ngày 15/9/2021 của UBND tỉnh Quảng Ngãi về việc phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 và Kế hoạch sử dụng đất năm đầu của quy hoạch sử dụng đất huyện Sơn Hà đã có những thông tin và hướng dẫn rất cụ thể về việc chuyển đổi và kế hoạch sử dụng đất tại địa phương như sau:
Cụ thể, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã lập phương án, phê duyệt Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030 của huyện Sơn Hà với những nội dung kèm theo các biểu như: Diện tích, cơ cấu các loại đất; Diện tích đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng và đặc biệt là Diện tích chuyển mục đích sử dụng đất.
Đồng thời cũng tại văn bản này, UBND tỉnh Quảng Ngãi cũng yêu cầu: “...Xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng đất vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết xử lý đối với Chủ tịch UBND các xã, thị trấn không ngăn chặn, xử lý kịp thời để xảy ra vi phạm quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất tại địa phương”.
Tại văn bản 837/QĐ – UBND Tỉnh Quảng Ngãi cũng có kèm theo Biểu số 2 hướng dẫn chi tiết Diện tích chuyển đổi mục đích sử dụng đất trong kỳ quy hoạch phân bổ đến từng đơn vị hành chính cấp xã của huyện Sơn Hà có ghi rõ về chỉ tiêu sử dụng đất phi nông nghiệp không phải là đất ở chuyển sang đất ở thì trên địa bàn huyện Sơn Hà được phép chuyển đổi tổng diện tích 4,22ha, phân bổ về nhiều xã trong huyện.
Theo văn bản trên, thị trấn Di Lăng không được phân bổ bất cứ một phần diện tích nào để chuyển đổi đất phi nông nghiệp hoặc đất nông nghiệp thành đất ở. Như vậy việc những băn khoăn, lo ngại của dư luận và bạn đọc về việc “hợp thức hóa” cho sai phạm tại địa phương là có căn cứ nhưng sẽ không có cơ sở để thực hiện theo quy định của pháp luật.