Những "lỗ hổng" và hệ lụy trong quản lý đất đai ở huyện Thường Tín, TP. Hà Nội
Bài 1: Một gia đình xây 4 ngôi nhà kiên cố trên đất công, đất nông nghiệp
Từ năm 2004 đến nay, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh, ở xóm 3, thôn Văn Trai, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã tự ý xây dựng 4 ngôi nhà kiên cố trên đất nông nghiệp, đất công do UBND xã Văn Phú quản lý. Mặc dù đã được người dân phản ánh, tố cáo, nhưng UBND xã Văn Phú vẫn chưa xử lý dứt điểm khiến nhiều người dân địa phương bức xúc.
72m2 đất ghi trong "Sổ đỏ" đã đi đâu?
Trong quá trình tác nghiệp, tìm hiểu về công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Thường Tín, TP. Hà Nội, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã dành nhiều thời gian để tìm hiểu về tình hình sử dụng và công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp ở một số xã thuộc địa phương này. Qua tìm hiểu, phóng viên nhận thấy công tác quản lý đất công, đất nông nghiệp ở huyện Thường Tín nói chung, ở xã Văn Phú nói riêng, còn rất nhiều "lỗ hổng", gây hệ lụy, tạo tiền lệ xấu trong quản lý đất đai, cần phải nghiêm túc, kịp thời chấn chỉnh.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Tiến và con gái là Nguyễn Thị Khuê ở xóm 3, thôn Văn Trai, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội đã nhiều lần gửi đơn lên UBND xã Văn Phú, UBND huyện Thường Tín để kiến nghị việc gia đình ông nhận thấy gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh đã tự ý xây dựng nhà 3 tầng kiên cố trên diện tích 36m2 đất nông nghiệp của gia đình mình tại thửa đất số 82/41, tờ bản đồ năm 1992 và thửa đất nông nghiệp 36m2 tại thửa đất số 72/41, tờ bản đồ năm 1992.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang ký hiệu CH681524 được UBND huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cấp cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ngày 30/12/2016.
Ông Tiến cho biết, năm 2016, sau khi thực hiện dồn điền đổi thửa, gia đình ông được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy chứng nhận) số CH681524, với diện tích là 507,9m2 và CH681525, diện tích là 856,7m2, tổng 1.373,6m2, do UBND huyện Thường Tín cấp ngày 30/12/2016.
“Khi được chỉ dẫn thửa đất số 82/41 thuộc Giấy chứng nhận số CH681525 thửa đất được mô tả: Bên phải giáp hộ gia đình ông Tấn, bên trái giáp hộ ông Tầm - Hiến (nay ông Tầm đã bán cho gia đình ông Mạnh), phía trước là mương nước. Quá trình gia đình ông Mạnh sinh sống có chăn nuôi gà và chó, nên gia đình tôi không trồng được hoa màu gì, phần đất này phải bỏ không vì không thể làm được vì gà, chó phá. Còn mảnh đất 36m2 tại thửa đất số 72/41, bản đồ năm 1992 được miêu tả là sau nhà ông Mạnh” – ông Tiến cho biết.
Theo lời kể của chị Khuê, năm 2024, ông Mạnh xây dựng ngôi nhà kiên cố 3 tầng trên chính thừa đất mà gia đình chị được cấp nằm trong Giấy chứng nhận số CH681525, thuộc tờ bản đồ số III, thửa đất 82/41. Sau khi phát hiện, gia đình chị đã yêu cầu ông Mạnh dừng lại từ lúc làm móng, đồng thời báo cáo lên UBND xã Văn Phú. Nhưng cũng theo chị Khuê, lãnh đạo UBND xã Văn Phú đã không xử lý dứt điểm, dẫn đến gia đình ông Mạnh tiếp tục xây dựng và hiện đã hoàn thiện phần thô 3 tầng.
Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang ký hiệu CH681525 được UBND huyện Thường Tín, TP. Hà Nội cấp cho gia đình ông Nguyễn Văn Tiến ngày 30/12/2016.
Mới đây, ngày 3/7/2024, tại Thông báo số 56/TB-UBND của UBND xã Văn Phú “Về việc trả lời đơn Kiến nghị của công dân Nguyễn Văn Tiến và tại Thông báo số 59/TB-UBND về việc "Trả lời đơn Kiến nghị của công dân Nguyễn Thị Khuê, cùng ở xóm 3, thôn Văn Trai, xã Văn Phú, huyện Thường Tín, TP. Hà Nội” của UBND xã Văn Phú đã khẳng định rằng: Diện tích gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh xây dựng nhà 3 tầng không nằm trên diện tích 36m2 đất nông nghiệp của gia đình ông Tiến trong Giấy chứng nhận số CH681525, thuộc tờ bản đồ số III, thửa đất 82/41. Nhưng UBND xã Văn Phú không giải thích diện tích 36m2 thuộc thửa đất 82/41 và diện tích 36m2, thuộc thửa đất số 72/41 trong Giấy chứng nhận số CH681525, thuộc tờ bản đồ số III của gia đình ông Nguyễn Văn Tiến hiện nằm ở vị trí nào, khiến gia đình ông Tiến không đồng ý với nội dung trả lời của UBND xã Văn Phú, do đó tiếp tục kiến nghị lên cấp trên để được làm rõ…!
“72m2 đất của gia đình tôi không cánh mà bay, gia đình tôi có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mảnh đất này, nhưng trên thực địa lại mất. Hỏi UBND xã, được trả lời đây là việc của huyện. Lên UBND huyện, huyện lại trả lời giao cho xã. Chúng tôi là người dân không biết tin, trông cậy hỏi ai bây giờ. Chẳng lẽ mảnh đất tôi được nhà nước cấp có cánh bay sao!?” – ông Nguyễn Văn Tiến lo lắng.
Xây 4 ngôi nhà kiên cố trên đất công, nông nghiệp
Tại mục 3, Thông báo số 59/TB-UBND viết: Tổng diện tích sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh là 223m2, trong đó cụ thể như sau: Diện tích 131m2 là đất thuê thầu của thôn năm 1996; diện tích 56m2 xử lý đất lấn chiếm năm 2007, diện tích 36m2 ông Mạnh cho là đổi đất Nguyễn Văn Tầm ngày 23/10/2002. Qua báo cáo của ông Nguyễn Minh Thắng (cán bộ địa chính xã Văn Phú) báo cáo tại các thửa đất trên không chia cho hộ gia đình năm 1993, khi thực hiện dồn điền đổi thửa năm 2013 cũng không chia cho các hộ gia đình. Vậy diện tích đất 36m2 là lấn, chiếm đất công thuộc một phần diện tích thửa 93, bản đồ năm 1992, thời điểm lấn chiếm trước năm 2013.
Chị Nguyễn Thị Khuê cho biết, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh không chỉ xây dựng nhà kiên cố trên đất nông nghiệp của gia đình chị, mà ông Mạnh còn xây dựng trái phép trên đất công của xã, do thôn Văn Trai giao thầu sai quy định, với thời gian thầu lên đến 20 năm. Điều này đã được UBND xã Văn Phú thể hiện rõ trong Thông báo số 59/TB-UBND như sau:
Vị trí thứ nhất, năm 2023 xây dựng một nhà 3 tầng với diện tích 72m2 xây dựng xong năm 2023, con ông Mạnh là Nguyễn Hạnh Phúc đang sử dụng nhà hướng Tây, vị trí trên thuộc đất thuê thầu của thôn năm 1995. Vị trí diện tích công trình có nguồn gốc thuộc tờ bản số III, năm 1992 thuộc một phần thửa đất số thửa số 95; diện tích 208m2, loại đất: Hố; chủ sử dụng hợp tác xã nông nghiệp (HTXNN). Và một phần thửa đất thửa số 94, diện tích 298m2, loại đất: Mạ (được hiểu là đất trồng lúa - đất nông nghiệp), chủ sử dụng là Hợp tác xã nông nghiệp.
Vị trí thứ hai, xây dựng nhà 3 tầng đầu năm 2024 diện tích 45m2 (hiện trạng xong phần thô công trình UBND xã đã yêu cầu ngưng thi công xây dựng để giải quyết theo đơn của công dân) là đất thuê thầu của thôn năm 1995 và diện tích lấn, chiếm đất thuộc một phần diện tích thửa 93, bản đồ năm 1992. Vị trí diện tích công trình có nguồn gốc thuộc tờ bản số III, năm 1992 thuộc một phần thừa đất số 94, diện tích 298m2, loại đất: Mạ; chủ sử dụng HTXNN, thuộc một phần thừa đất số 93, diện tích 400m2, loại đất: Mạ, chủ sử dụng HTXNN.
Vị trí thứ ba, đất trống chưa xây dựng công trình diện tích 45m2 là đất thuê của thôn năm 1995. Có nguồn gốc thuộc tờ Bản đồ số III, năm 1992 thuộc một phần thửa đất số 94, diện tích 298m2. Loạt đất: Mạ, chủ sử dụng HTXNN.
Vị trí thứ tư, xây dựng nhà từ năm 2006 công trình nhà ở 2 tầng diện tích sử dụng 61m2 nhà hướng Nam, con ông Mạnh là Nguyễn Thanh Trung đang sử dụng. Vị trí công trình là đất lấn, chiếm năm 2007. Có nguồn gốc thuộc tờ bản số III, năm 1992, thuộc một phần thừa đất số thừa số 95: Diện tích 208m2, loại đất: Hồ, chủ sử dụng HTXNN; thuộc một phần thửa số 96, diện tích 80m2, loại đất: Gò, chủ sử dụng HTXNN; thuộc một phần thừa số 94, diện tích 298m2; loại đất: Mạ; chủ sử dụng HTXNN; thuộc một phần thừa thừa số 93, diện tích 400m2. Loại đất: Mạ; chủ sử dụng HTXNN. (Các thửa đất trên là đất công do UBND xã Văn Phú quản lý).
Theo nội dung Thông báo số 59/TB-UBND như đã dẫn ở trên, thì gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh đã tự ý xây dựng nhà ở kiên cố trên đất công, đất nông nghiệp. Tuy nhiên, đến nay UBND xã Văn Phú vẫn chưa có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng trên.
Để có thông tin khách quan, hai chiều, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã đến Trụ sở UBND xã Văn Phú để gặp lãnh đạo xã nhằm tìm hiểu rõ về thực trạng nói trên. Tuy nhiên ông Lê Đình Huê - Chủ tịch UBND xã Văn Phú đã từ chối làm việc với phóng viên, vì bận nhiều việc khác.