Thị trường

Quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ duy trì sự cân bằng và bổ sung lẫn nhau

Thanh Phong - 11:06 07/05/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong gần 25 năm qua, quan hệ thương mại song phương Việt Nam - Ấn Độ, cơ cấu hàng hóa duy trì được sự cân bằng và bổ sung lẫn nhau.

Số liệu từ Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ cho thấy, thương mại trong quan hệ song phương Việt Nam - Ấn Độ liên tục ghi nhận mức tăng trưởng qua các năm. Cụ thể, tính từ năm 2000, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước chỉ ở mức 200 triệu USD. Đến năm 2022, con số này đã là 15 tỷ USD, qua đó, Ấn Độ trở thành 1 trong 8 đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam.

Ở chiều ngược lại, Việt Nam nằm trong top 4 quốc gia ASEAN có quan hệ thương mại với Ấn Độ. Ấn Độ hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam tại khu vực Nam Á, chiếm tỷ trọng gần 80% xuất khẩu của Việt Nam đến khu vực này.

Thủy sản là một trong những mặt hàng đóng góp quan trọng trong kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Ấn Độ.

Cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu cân bằng và có sự bổ sung cho nhau. Trong khi Ấn Độ là nguồn cung cấp nguyên liệu và thành phẩm quan trọng cho Việt Nam đối với các mặt hàng sắt thép, hóa chất, dược phẩm, dệt may, thức ăn chăn nuôi, thủy sản thì nhóm mặt hàng xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam sang Ấn Độ là máy tính cá nhân; điện thoại di động và linh kiện, sắt thép, hóa chất, gỗ và sản phẩm từ gỗ, giày dép, gia vị, cà phê, hồ tiêu…

Việt Nam - Ấn Độ có nhiều điểm tương đồng, thị trường của hai nước có sự bổ sung cho nhau và còn nhiều tiềm năng phát triển. Việt Nam có nhiều nông sản tươi như thanh long, chôm chôm và các sản phẩm chế biến như cà phê hòa tan hay các sản phẩm thủy sản như cá tra, cá basa rất được ưa chuộng tại thị trường Ấn Độ. Các doanh nghiệp Ấn Độ có thể tận dụng tiềm năng của thị trường Việt Nam trong lĩnh vực thức ăn chăn nuôi, trái cây như nho, lựu, dược phẩm, thực phẩm chức năng, bánh kẹo và các sản phẩm từ ngũ cốc.

Trong đó, cà phê hiện là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Ấn Độ song kim ngạch, tỷ trọng kim ngạch cà phê so với tổng lượng xuất khẩu nông sản còn hạn chế. Năm 2022, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang Ấn Độ khoảng 60 triệu USD, tăng 5% so với cùng kỳ năm trước. Người dân Ấn Độ rất ưa chuộng cà phê hoà tan của Việt Nam. Bên cạnh L’amant thì những thương hiệu Trung Nguyên, G7 cũng đã phát triển rất tốt tại Ấn Độ. Đến nay, Chính phủ hai nước Việt Nam - Ấn Độ vẫn đang đàm phán để có thể giảm thuế nhập khẩu, khi đó lượng cà phê việt Nam sẽ thể hiện diện mạnh mẽ tại Ấn Độ.

Với dải khách hàng rộng lớn, dân số 1,4 tỷ người được chia thành 4 - 5 nhóm với nhu cầu đa dạng. Bên cạnh cà phê, hiện tại xuất khẩu quế của Việt Nam sang thị trường Ấn độ chiếm khoảng 80% nhu cầu nhập khẩu quế của thị trường. Theo số liệu của Ấn Độ, trong năm tài chính 2022-2023, Ấn Độ nhập khẩu 38.000 tấn thì từ Việt Nam là 35.000 tấn.

Mặc dù được đánh giá có nhiều tiềm năng, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường Ấn Độ còn gặp nhiều khó khăn khi thị trường này thường xuyên sử dụng các công cụ phòng vệ thương mại và thay đổi các chính sách liên quan.

Ngoài ra, nhiều lĩnh vực Ấn Độ có thế mạnh và Việt Nam có nhu cầu nhưng chưa được các doanh nghiệp quan tâm đầu tư do khoảng cách địa lý, thiếu thông tin về môi trường, chính sách khuyến khích đầu tư cũng như chưa thể hiện được tiềm năng của thị trường.

Vừa qua, tại Kỳ họp lần thứ 5 Tiểu ban Thương mại hỗn hợp Việt Nam - Ấn Độ diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ, Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng tiếp tục nhấn mạnh các vấn đề mà Việt Nam quan tâm, điển hình là hai nước cần hướng tới mục tiêu thương mại cao hơn theo hướng bền vững.

Nhận định Việt Nam và Ấn Độ có rất nhiều tiềm năng để hợp tác và thúc đẩy hơn nữa kim ngạch thương mại song phương, Thứ trưởng Bộ Công thương cho rằng hai bên cần khai thác yếu tố bổ sung lẫn nhau trong cơ cấu hàng hoá, đảm bảo không bị gián đoạn chuỗi cung ứng và sản xuất đối với các nhóm ngành hàng thế mạnh của mỗi bên như nhóm dệt may, da giày, hàng nông thuỷ sản chế biến, hàng công nghiệp, thức ăn gia súc, hoá chất và chất dẻo, dược phẩm, linh kiện điện tử,…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác