Cần chính sách linh hoạt với cán bộ Hội cơ sở
Nhân tố tác động trực tiếp đến hoạt động Hội
Trong thực tế hoạt động, cơ sở Hội có vững mạnh hay không, phần nhiều phụ thuộc vào những cán bộ đang công tác tại địa phương đó. Cán bộ mạnh, tích cực với phong trào, có trình độ chuyên môn nghiệp vụ sẽ góp phần định hướng, tổ chức cho nông dân thực hiện tốt các phong trào, chủ trương lớn cho tổ chức Hội.
Bà Trần Thị Lợi - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lục Yên (Yên Bái) cho biết: Xác định, cán bộ Hội là “nòng cốt trong công tác Hội và phong trào nông dân”, trong những năm qua, Hội Nông dân huyện đã thường xuyên quan tâm đến việc đào tạo nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ. Hàng năm đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của đội ngũ cán bộ cơ sở. Qua tập huấn, bồi dưỡng, cán bộ Hội nắm cơ bản chức năng, vai trò, nhiệm vụ của Hội, kỹ năng vận động quần chúng, kỹ năng tiếp cận hệ thống thông tin điện tử, do đó năng lực của các cán bộ Hội trong thực hiện nhiệm vụ và các phong trào Hội nâng lên.
Với sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp cấp ủy các cấp và việc Hội xác định đội ngũ cán bộ có phẩm chất đạo đức, có kinh nghiệm và năng lực chuyên môn là yếu tố quan trọng quyết định đến hiệu quả công tác vận động quần chúng chấp hành pháp luật, thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương, do đó công tác xây dựng củng cố Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Hội Nông dân các cấp trên địa bàn huyện luôn được quan tâm kiện toàn và nâng cao chất lượng; cán bộ mỗi cấp Hội được bố trí, sắp xếp đảm bảo các tiêu chuẩn cơ bản về tiêu chuẩn cán bộ, công chức của Đảng đồng thời đảm bảo tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, độ tuổi, có tính kế thừa, tính đại diện về thành phần, vùng, dân tộc…
Đội ngũ cán bộ Hội, nhất là cán bộ Hội cơ sở đã có bước phát triển cả về trình độ văn hóa, chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tăng cường cán bộ nguồn cho cấp uỷ, chính quyền các cấp, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng Đảng, chính quyền và khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Về trình độ chuyên môn nghiệp vụ có 35/46 đồng chí Chủ tịch, phó Chủ tịch có trình độ chuyên môn Đại học, 1 đồng chí có trình độ cao đẳng, 10 đồng chí có trình độ trung cấp; về trình độ lý luận chính trị có 39/46 đồng chí có trình độ trung cấp, còn 7 đồng chí trình độ sơ cấp. Hiện nay còn khuyết 1 đồng chí Chủ tịch Hội ND thị trấn Yên Thế, 1 đồng chí Phó Chủ tịch HND xã Mường Lai. Có 15 đồng chí tham gia đại biểu HĐND xã.
Chia sẻ về vai trò của đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, bà Lự Thị Hà Vân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng cho biết thêm: Đối với công tác xây dựng và củng cố tổ chức Hội ở xã luôn được quan tâm, là nền tảng cho mọi hoạt động của Hội. Sau thực hiện Đề án sắp xếp lại thôn, bản, tổ dân phố, hiện nay BCH Hội Nông dân xã Vĩnh Lạc còn 13 đồng chí, Ban Thường vụ 5 đồng chí, kiện toàn 3 chi hội trưởng/7 chi hội/7 thôn. Đội ngũ ủy viên Ban Chấp hành được trẻ hóa và có trình độ năng lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Do các gia đình trong các thôn, bản cách xa nhau nên việc tổ chức sinh hoạt chi hội theo lịch cũng khó thực hiện. Vì vậy, lồng ghép giữa sinh hoạt Hội với các hoạt động khác là cách vận động khéo léo để qua đó tuyên truyền, vận động và giúp bà con tiếp cận với chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, kiến thức khoa học - kỹ thuật để phát triển sản xuất. Cùng với đó, chi hội trưởng được lựa chọn là những hội viên có uy tín ở địa phương, có năng lực, tâm huyết với công tác Hội để bồi dưỡng. Trong hơn 5 năm đã cử 12 lượt cán bộ chuyên trách, bán chuyên trách Hội, 51 lượt cán bộ là ủy viên BCH - Chi hội trưởng tham gia các lớp tập huấn do Hội cấp trên và các cơ quan chuyên môn tổ chức, qua đó góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội, đổi mới và nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức Hội. Nhờ vậy, công tác tuyên truyền đạt được hiệu quả cao, hội viên, nông dân tích cực tham gia các phong trào do Hội phát động như phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường…
Chưa được quan tâm đúng mức
Mặc dù cán bộ Hội cơ sở được coi là hạt nhân, yếu tố quan trọng trong các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân. Tuy nhiên, đến nay đội ngũ này vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Trình độ năng lực của cán bộ cơ sở còn hạn chế, chưa đồng đều, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động của Hội cũng thiếu... trình độ dân trí của người dân tại địa bàn các xã miền núi và vùng dân tộc thiểu số còn thấp.... Đó chính là lý do khiến nhiều cán bộ cơ sở không mặn mà với công tác Hội và phong trào nông dân.
Bà Lự Thị Hà Vân cho biết: Vĩnh Lạc là xã thuần nông của tỉnh miền núi, thu nhập chủ yếu bằng sản xuất nông, lâm nghiệp, sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, manh mún nên đời sống của bà con vẫn còn nhiều khó khăn, thêm nữa do khoảng cách địa lý, giao thông đi lại chưa thuận tiện nên người nông dân khu vực miền núi không mặn mà tham gia các đoàn thể và hoạt động xã hội.
Trong những năm qua, công tác Hội Nông dân cơ sở luôn được sự quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời của Hội Nông dân cấp trên và Đảng ủy cơ sở, chất lượng đội ngũ cán bộ Hội cũng như đội ngũ ủy viên BCH Hội đã được nâng cao về chuyên môn và chính trị, tuổi đời được trẻ hóa, tuy nhiên chất lượng không đồng đều, một số đồng chí chi hội trưởng chưa thực sự nhiệt tình, tâm huyết với nhiệm vụ. Bên cạnh đó, đội ngũ Ban Chấp hành, chi hội trưởng hoạt động không có phụ cấp mà chủ yếu lồng ghép đội ngũ là trưởng thôn, tổ trưởng tổ vay vốn ngân hàng - đó cũng là một trong những lý do khiến nhiều chi hội trưởng không mặn mà với hoạt động công tác Hội. Chính vì vậy, rất mong Nhà nước có chính sách phù hợp, hỗ trợ phụ cấp cho đội ngũ chi hội trưởng nông dân để họ yên tâm công tác.
Ông Trần Trọng Dân - Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lĩnh, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cũng cho hay: “Bản thân tôi tham gia làm Chủ tịch Hội Nông dân xã đến nay là 10 năm nên nắm rất rõ những thuận lợi, khó khăn trong hoạt động Hội ở cơ sở. Nhiều chi hội trưởng nhiệt tình, tâm huyết nhưng do trình độ dân trí của các hộ dân chưa đồng đều, đặc biệt là ở khu vực có đồng bào dân tộc sinh sống dẫn đến việc tuyên truyền thực hiện nhiệm vụ công tác Hội còn chậm. Ví dụ như ở thôn 8 và thôn 9 đặc biệt khó khăn của xã Tân Linh, giao thông đi lại khó khăn nên việc triển khai các hoạt động khó mà chủ yếu lồng ghép với các hoạt động của chính quyền. Bên cạnh đó, các chi hội trưởng làm việc nhưng không có phụ cấp do vậy ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện nhiệm vụ công tác Hội và phong trào nông dân. Đề nghị các cấp chính quyền quan tâm, có chính sách linh hoạt để hỗ trợ cán bộ Hội”.