Diễn đàn

Cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu

Nguyễn Vân - 07:30 13/09/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Ngày 12/9, tại tỉnh Vĩnh Long, UBND tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Hội thảo “Nâng tầm giá trị nông sản Việt”.

Hội thảo nhận được sự hưởng ứng tham gia của gần 300 đại biểu là lãnh đạo các cơ quan Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành trên cả nước, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý đến từ các trường đại học...

Tại hội thảo, các ngành, địa phương và các nhà khoa học đã thảo luận, trình bày, phân tích các vấn đề về xu hướng thị trường nông sản thế giới và đề xuất các giải pháp nâng cao giá trị hàng nông sản chủ yếu ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Vai trò của các hợp tác xã trong liên kết sản xuất - thu mua- chế biến và xuất khẩu hàng nông sản. Đồng thời, nêu ra các giải pháp nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản vùng Đồng bằng sông Cửu Long, cách tiếp cận chuỗi giá trị…

Diễn đàn là nơi để các nhà khoa học trao đổi kết quả nghiên cứu, chia sẻ kinh nghiệm, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn, đề xuất và luận giải cơ sở khoa học của các định hướng, quan điểm, giải pháp trong nông nghiệp... Từ đó tạo bước chuyển mới, góp phần nâng tầm giá trị nông sản, phát triển nền nông nghiệp Việt Nam theo hướng bền vững.

PGS.TS. Võ Thành Danh, Đại học Cần Thơ phát biểu tai Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu khai mạc Hội thảo, bà Cao Xuân Thu Vân, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Đây là sự kiện quan trọng, cần thiết để các nhà sản xuất, xuất khẩu, nhà khoa học và nhà quản lý cùng trao đổi, bàn luận về xu hướng thị trường nông sản thế giới; chế biến và xuất khẩu nông sản; cách tiếp cận chuỗi giá trị; ứng dụng tiến bộ công nghệ nhằm nâng cao hiệu quả cho doanh nghiệp chế biến, để mục tiêu cuối cùng là nâng cao giá trị nông sản, hiệu quả tiêu thụ nông sản Đồng bằng sông Cửu Long.

Hội thảo là nhịp cầu để nông dân gặp gỡ, giao lưu với các nhà khoa học, các doanh nghiệp và nhà quản lý về kinh nghiệm, tư vấn, chuyển giao công nghệ hiện đại, ứng dụng trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh và tiêu thụ sản phẩm nông sản.

Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Đến ngày 31/12/2022, Vĩnh Long có 114 hợp tác xã nông nghiệp - thủy sản. Doanh thu bình quân đạt 1.804 triệu đồng/ Hợp tác xã, lợi nhuận bình quân đạt 322 triệu đồng/hợp tác xã. Việc liên kết sản xuất - xuất khẩu giúp nâng cao giá trị nông sản và thu nhập cho nông dân có tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Vĩnh Long. Trong đó, hợp tác xã chính là cầu nối quan trọng trong liên kết sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu nông sản.

Hợp tác xã đã tạo ra khối lượng hàng hóa lớn theo chuỗi liên kết, thuận lợi trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá thương hiệu nông sản, trên hết giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản và cuối cùng là nâng cao thu nhập cho nông dân. Giúp tăng quy mô sản xuất hàng hóa, thuận lợi trong áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến như cơ giới hóa đồng bộ để giảm chi phí, đảm bảo chất lượng và số lượng.

Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Trong thời gian tới, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, đề xuất phát triển và tăng cường liên kết phải xuất phát từ quan điểm phát triển chuỗi nông sản, trước hết cần phải thống nhất đồng bộ tất cả các khâu từ sản xuất - thu mua - chế biến và xuất khẩu đến người dân và hợp tác xã. Tỉnh chú trọng đào tạo gắn với quy hoạch nhằm phát huy lợi thế so sánh của địa phương và nâng cao thu nhập cho người lao động ở nông thôn, trong đó ưu tiên đào tạo các đối tượng tham gia liên kết trong sản xuất và tiêu thụ các mặt hàng nông sản chủ lực

Tại Hội thảo, PGS.TS. Võ Thành Danh, Đại học Cần Thơ đánh giá, bối cảnh nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long hầu hết đều có lợi thế so sánh dựa trên tài nguyên nông nghiệp với nhiều ngành hàng như lúa, thuỷ sản, cây ăn trái, cây công nghiệp... Tuy nhiên, trong sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào nguồn nước sông Mekong, chưa chuyên môn hoá cao, sản xuất còn manh mún, chưa có nền nông nghiệp hàng hoá và chịu tác động của biến đổi khí hậu, khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. 

Để nâng cao giá trị nông sản Đồng bằng sông Cửu Long, PGS.TS. Võ Thành Danh cho rằng, cần hình thành các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng với công ty là hạt nhân và nông dân là các "vệ tinh". Ngoài ra, xúc tiến thị trường cho các thị trường bậc cao tiềm năng; củng cố liên kết ngang về phát triển hệ thống hợp tác xã, liên kết giữa các công ty.

Đồng thời, cần có chiến lược quốc gia về phát triển nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu; chuyển sang mô hình Kinh tế nông nghiệp; xây dựng các tập đoàn, tổng công ty mạnh về khoa học công nghệ; xây dựng ngành công nghiệp giống hiện đại.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác