Phong trào nông dân

Xông đất Giáp Thìn:

Cần có chính sách đặc thù vay vốn phát triển nông nghiệp

Vân Nguyễn - 13:37 13/02/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với diện tích 10ha đất chuyên trồng lúa kết hợp trồng cây ăn quả, kinh doanh vật tư nông nghiệp, mức doanh thu hơn 5 tỷ đồng/năm, bà Thạch Thị Hơ, sinh năm 1964 (Giáp Thìn) người Khmer ở Thị trấn Châu Thành (Châu Thành, Sóc Trăng) trở thành nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp T.Ư Hội NDVN giai đoạn 2017 – 2022.

Bà Thạch Thị Hơ chia sẻ, để có được thành công như ngày hôm nay bà cũng phải trải qua nhiều nghề, đi làm thuê để kiếm sống. Năm 1992, bà Hơ từ xã Phú Tâm đến thị trấn Châu Thành để kinh doanh, mua bán nhỏ. Sau tích lũy được số vốn nhất định bà đã mua thêm đất canh tác trồng trọt, chủ yếu là trồng lúa và cây ăn quả. Nhận thấy nhu cầu vật tư phân bón nông nghiệp của bà con địa phương tăng cao, bà cùng gia đình gây dựng cửa hàng mua bán kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để phục vụ sản xuất. Trong quá trình sản xuất, bà đã áp dụng các phương pháp canh tác mới, tìm giống năng suất, chất lượng cao; kết nối các doanh nghiệp, công ty để liên kết bao tiêu đầu vào và đầu ra cho gia đình và những người nông dân trên địa bàn. Ngoài ra, bà còn giúp đỡ nông dân địa phương bằng cách bán phân bón trả chậm để bà con an tâm sản xuất.

Bà Thạch Thị Hơ.
Theo bà Thạch Thị Hơ, hiện nay, ở vùng nông thôn việc phát triển kinh tế, làm giàu trên chính mảnh đất quê hương còn khó khăn, thiếu nguồn nhân lực. Do đó, tôi mong muốn Nhà nước sẽ đề ra nhiều giải pháp trong tập hợp, thu hút người dân tham gia vào các tổ chức; xây dựng được nhiều mô hình phát triển kinh tế, cần khai thác được lợi thế của địa phương; tăng cường liên kết trong xây dựng chuỗi giá trị theo xu thế thị trường, để hội viên nông dân yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống. Hiện nay, nhu cầu của người tiêu dùng đối với sản phẩm nông nghiệp hữu cơ đang tăng mạnh và cung không đủ cầu, do đó cần có thêm các chính sách mang tính đặc thù để tăng nguồn vốn đầu tư vào lĩnh vực này. 
Bà Hơ cũng cho hay, sản xuất hữu cơ hiện nay đòi hỏi người nông dân phải biết áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nhất là công nghệ cao như: Máy bay nông nghiệp, máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laze… Tuy nhiên, các thiết bị này đều đòi hỏi chi phí rất lớn, vượt quá khả năng của các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp. Do đó, Nhà nước cần có chính sách ưu tiêu, khuyến khích, tạo điều kiện cho hợp tác xã tiếp cận các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư phát triển sản xuất. Cụ thể như Nhà nước cần có chính sách đặc thù tạo điều kiện để hợp tác xã được tiếp cận nguồn vốn từ Quỹ phát triển Hợp tác xã mà không cần có tài sản thế chấp; hỗ trợ nguồn lực cho Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp để xây dựng mô hình điểm phát triển kinh tế nông nghiệp làm cơ sở vững chắc để nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. 
Những năm qua, trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, người nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nhiều hộ dân không mặn mà thực hiện các mô hình liên kết sản xuất. 
“Vì vậy, tôi mong muốn Nhà nước quan tâm đến đầu tư, xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm giúp doanh nghiệp và người nông dân ổn định sản xuất, chia sẻ lợi nhuận; quan tâm tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học, công nghệ, chuyển đổi số; hỗ trợ vốn, cung ứng phân bón, cây, con giống chất lượng phù hợp với đặc điểm của từng vùng miền, giúp nông dân tham gia hiệu quả” – bà Thạch Thị Hơ bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác