Cẩn trọng với diễn biến giá hạt tiêu tại thị trường Pakistan
Theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cho biết, thị trường này có nhu cầu nhập khẩu cao với hầu hết các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam, từ hàng nông sản truyền thống đến các mặt hàng tiêu dùng...
Trong đó, nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu cao và ổn định trong khi nước này không trồng được hạt tiêu và phải phụ thuộc hoàn toàn vào nhập khẩu. Năm 2023 tổng nhập khẩu tiêu của Pakistan khoảng 13 nghìn tấn, trị giá 31 triệu USD, đứng thứ 12 thế giới. Trong đó, nhập khẩu từ Việt Nam khoảng 4.300 tấn, trị giá 14 triệu USD, đứng vị trí số hai với thị phần 40,39 % (sau Brazin với thị phần 45,64 %). Vị trí thứ ba thuộc về Trung Quốc với thị phần 8,23 %.
Tuy nhiên, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan cũng lưu ý, hiện giá hạt tiêu xuất khẩu của Việt Nam phụ thuộc vào giá thế giới nên thường xuyên biến động, nhiều thời điểm biến động mạnh, gây thiệt hại về vật chất và uy tín cho cả doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam và doanh nghiệp nhập khẩu Pakistan.
“Năm 2016 là đỉnh điểm của giá hạt tiêu sốt nóng, tăng từ mức trung bình 2.500 USD/tấn lên 13.000 USD/tấn. Một trong nhiều hậu quả là khách hàng Pakistan quay sang nhập khẩu hạt tiêu từ Brazin. Thị phần của Việt Nam năm 2016 là 82% giảm xuống 57% năm 2019 và xuống 40,39% năm 2023”, Thương vụ Việt Nam tại Pakistan nêu dẫn chứng.
Đồng thời, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang thị trường này đang đối diện với nhiều rào cản, thách thức lớn nhất là rào cản về thương mại. Hiện tại, thuế nhập khẩu hạt tiêu nói riêng và nhiều mặt hàng khác sang thị trường này là 3%, chưa kể còn có nhiều loại thuế và phí khác.
Ngoài ra, đồng Rupi tăng giá, làm cho giá bán lẻ hàng nhập khẩu trở nên rất đắt đỏ. Cùng đó là tình trạng thiếu ngoại tệ của Pakistan khiến nhiều doanh nghiệp nhập khẩu nước này không thể mua được ngoại tệ để thanh toán cho doanh nghiệp xuất khẩu...
Về các tiêu chuẩn kỹ thuật, tất cả các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu vào Pakistan phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo (Halal) do cơ quan được chính phủ Pakistan chỉ định cấp. Trong đó, có đầy đủ các quy định đối với nhãn mác của các mặt hàng lương thực, thực phẩm nhập khẩu vào Pakistan.
Thời hạn sử dụng của sản phẩm tại thời điểm nhập khẩu phải còn ít nhất 66% kể từ ngày sản xuất; các thành phần và chi tiết của sản phẩm (thành phần dinh dưỡng, hướng dẫn sử dụng...) trên bao bì phải được in bằng tiếng Urdu và tiếng Anh; logo của cơ quan chứng nhận Halal phải được in trên bao bì bán lẻ; hàng nhập khẩu phải có phải có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn Hồi giáo do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Thương vụ đặc biệt lưu ý, đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu sau khi đã mở tờ khai hải quan thì không được phép tái xuất nếu không có sự đồng ý của người mở tờ khai. Mục đích của quy định này nhằm chống nạn nhập lậu của doanh nghiệp Pakistan. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp Pakistan nhập khẩu hàng từ Việt Nam với ý đồ xấu lợi dụng quy định này để gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần thận trọng xác minh thông tin khách hàng qua các phòng thương mại, hiệp hội, Đại sứ quán Pakistan tại Việt Nam và Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Pakistan. Đàm phán, ký hợp đồng với các điều kiện đảm bảo an toàn nhất.
Trong tháng 2/2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 26 triệu USD, giảm 28,4 % so với tháng trước. Tính chung 2 tháng năm 2024, xuất khẩu của Việt Nam sang Pakistan đạt 62,4 triệu USD, giảm 5,8 % so với cùng kỳ năm trước.
Chiều ngược lại, tháng 2/2024, nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan đạt 33 triệu USD, giảm 33,4 % so với tháng trước. 2 tháng năm 2024, nhập khẩu của Việt Nam từ Pakistan đạt 82,5 triệu USD, tăng 185 % so với cùng kỳ năm trước.