Xã hội

Cần xây dựng “chiến lược xuất khẩu rau quả vào các nước EU”

22:03 22/10/2019 GMT+7
Ngày 22/10/2019, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Chuyên đề “Xuất khẩu rau hoa quả – những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu”. Hội thảo đồng thời là một diễn đàn để cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề đang được quan tâm hiện nay: Các thị

Ngày 22/10/2019, tại TP. Hồ Chí Minh đã diễn ra Hội thảo Chuyên đề “Xuất khẩu rau hoa quả – những chuyển động mới từ thị trường Á – Âu”.

Quang cảnh buổi Hội thảo. Ảnh: Vân Nguyễn

Hội thảo đồng thời là một diễn đàn để cùng thảo luận, trao đổi các vấn đề đang được quan tâm hiện nay: Các thị trường xuất khẩu chính của sản phẩm rau, hoa, quả Việt Nam; EVFTA – góc nhìn từ ngành sản xuất, kinh doanh rau quả; tọa đàm “Doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rau hoa quả với những cơ hội và thách thức từ thị trường Á – Âu”.

Số liệu của Tổng Cục Hải Quan được nêu tại hội thảo cho thấy: Ngành rau quả Việt Nam trong những năm gần đây có bước tăng trưởng vượt bậc, nhất là về xuất khẩu trong năm 2018 lập kỷ lục với mức tăng trưởng 10,8%, vượt kim ngạch xuất khẩu dầu thô của quốc gia. Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, 6 tháng đầu năm 2019 giá trị xuất khẩu rau, quả đạt 2,06 tỷ USD, tăng 3,9% so với năm trước và được dự báo sẽ còn đạt mức tăng trưởng cao hơn.

Tại hội thảo, có ý kiến chuyên gia cho rằng: Làm vườn và trồng hoa, tuy mới phát triển trong vòng gần 10 năm trở lại đây nhưng đã thể hiện được tiềm năng rất lớn, có thể  đưa Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu hoa quả lớn nhất thế giới. Thị trường Á – Âu là những thị trường quan trọng cho xuất nhập khẩu rau hoa quả của Việt Nam, có tới 8 nước và vùng lãnh thổ trong top thị trường xuất khẩu rau, hoa quả,  6 nước và vùng lãnh thổ trong top thị trường nhập khẩu rau, hoa quả.

Mới đây, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam đã được ký tại Hà Nội. Hiệp định tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia vào chuỗi giá trị cũng như mạng lưới sản xuất toàn cầu.

Bên cạnh những thuận lợi, các đại biểu chia sẻ những yêu cầu cấp thiết đối với doanh nghiệp hiện nay như: Phải cải tiến sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, áp dụng công nghệ cao trong sản xuất, chế biến, bảo quản, đóng gói, vận chuyển, tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng được yêu cầu ngày càng khắt khe của các thị trường xuất khẩu.

Bà Đặng Thanh Phương- Phó Trưởng phòng, Vụ Thị trường châu Á- châu Phi, Bộ Công thương cho biết: Hàng rau quả của Việt Nam hiện nay được xuất khẩu đến 55 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tổng dung lượng của  của thị trường rau quả thế giới hàng năm khoảng 240 tỷ USD. Từ năm 2011-2018, rau quả  là một trong những ngành hàng xuất khẩu ổn định và có tốc độ tăng trưởng cao của ngành nông nghiệp Việt Nam, với mức tăng 26,5%/năm. Năm 2018 đạt 3,81% tỷ USD, tăng 8,8%, ngành hàng rau quả đã vượt các ngành hàng như: lúa gạo, hạt tiêu, chè… và trở thành một trong những ngành hàng nông sản chủ lực của Việt Nam, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp nông thôn.

Cũng theo bà Phương, đối với thị trường Trung Quốc, doanh nghiệp Việt Nam nên thay đổi tư duy: Giảm dần, tiến tới xóa bỏ thương mại tiểu ngạch, tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý, từng bước xây dựng thương hiệu nâng cao chất lượng, an toàn, mẫu mã sản phẩm, đáp ứng đầy đủ quy định bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc, đăng ký nhà xưởng, vùng trồng.

Theo ông Lê Thanh Hòa – Phó Cục trưởng, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, Bộ NN&PTNT cho biết: Chúng ta nên có giải pháp trong việc đáp ứng quy định về an toàn thực phẩm rau quả xuất khẩu vào EU, nên thay đổi nhận thức về quản lý và giám sát an toàn thực phẩm, từ việc kiểm tra sản phẩm cuối cùng sang giám sát các mối nguy trong toàn bộ chuỗi sản xuất ra sản phẩm. Xây dựng kế hoạch giám sát chất lượng theo chuỗi, đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, hợp tác với nông dân để đảm bảo nguồn cung và giám sát các mối nguy trong quá trình trồng trọt, thu hoạch và bảo quản. Đào tạo nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật và người sản xuất. Có kế hoạch giám sát các mối nguy trong toàn bộ quá trình sản xuất, đặc biệt là mối nguy ô nhiễm vi sinh vật và thuốc bảo vệ thực vật. Áp dụng đúng các quy định về mức dư lượng và thuốc bảo vệ thực vật theo quy định của EU đối với từng loại rau quả cụ thể. Xây dựng chiến lược xuất khẩu rau quả vào EU nhằm tận dụng tối đa lợi thế của EVFTA.

Vân Nguyễn

 

 

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác