Chăn nuôi liên kết trên vùng cao núi đá
Đến nay, trên địa bàn xã đã hình thành mô hình chăn nuôi liên kết cho hiệu quả kinh tế cao. Tập trung phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa, góp phần giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống ở xã vùng cao còn nhiều khó khăn này.
Tiên phong mở hướng làm giàu
Cũng như nhiều bà con dân tộc Dao ở thôn Tân Minh (xã Hồ Thầu), anh Triệu Chòi Lụa cũng chỉ biết dựa vào diện tích đồi rừng để trồng trọt. Nguồn thu vì thế luôn bấp bênh. Thế rồi anh được địa phương vận động, cùng với sự tìm tòi, học hỏi, từ năm 2015, anh bắt tay vào nuôi dê. Đến nay, anh là một trong những hộ điển hình trong phát triển chăn nuôi.
Anh Lụa cho biết, tận dụng địa thế đất đồi, rừng của gia đình rộng trên 7ha, từ năm 2015, anh khởi nghiệp nuôi 15 đôi dê. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm nên đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh Lụa đi tìm hiểu kinh nghiệm chăn nuôi dê của những gia đình thành công trên địa bàn.
Bên cạnh đó, anh tìm đến cơ quan chuyên môn của huyện như: Phòng Nông nghiệp, Trạm Thú y để học hỏi kiến thức nuôi và phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Từ những kiến thức học hỏi thực tế qua các mô hình nuôi dê thành công và kiến thức từ các cơ quan chuyên môn, anh Lụa dần mở rộng quy mô phát triển đàn dê của gia đình. Từ năm 2018 đến nay, đàn dê của gia đình anh Lụa luôn duy trì từ 120 đến 140 con.
Ngoài phát triển chăn nuôi dê quy mô hộ gia đình, trong những năm qua, anh Lụa đã liên kết với một số hộ chăn nuôi dê của thôn Tân Minh để cùng nhau phát triển đàn dê của thôn theo hướng hàng hóa. Theo anh Lụa, khi đã cùng liên kết chăn nuôi dê với các hộ gia đình sẽ góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi, cùng nắm bắt được nhu cầu của thị trường và không bị tư thương ép giá. Ngoài ra, khi đã liên kết chăn nuôi, các hộ gia đình sẽ hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật chăn nuôi, phòng trừ dịch bệnh, nguồn thức ăn và giống khi cần thiết…
Để phát triển nuôi dê thành công, anh Lụa xây dựng 5 dãy chuồng nuôi dê riêng biệt nhằm đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. Anh Lụa chỉ chăn thả dê lên đồi rừng trong những ngày trời nắng. Những ngày trời mưa, dê được nuôi nhốt và cho ăn bổ sung từ nguồn cỏ trồng trong vườn rừng và được bổ sung thêm thức ăn tinh như: Cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất…
Theo anh Lụa, để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn dịch bệnh. Người chăn nuôi phải phun tiêu độc khử trùng chuồng trại định kỳ từ 10 - 15 ngày một lần. Hàng ngày phải thu dọn vệ sinh, rắc vôi bột trên nền chuồng định kỳ mỗi tuần một lần. Ngoài ra còn phải tiêm phòng một số loại vacxin để phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Thức ăn cho dê phải bảo đảm khô ráo, sạch và không bị ẩm mốc. Nếu dê ăn phải cỏ còn dính sương đêm thì thường bị bệnh chướng bụng đầy hơi. Vì vậy, khi chăn thả dê không nên thả sớm mà chỉ nên thả lên đồi khi cỏ đã khô sương.
Khi được hỏi về thu nhập, anh Lụa cho biết: Trong một năm, gia đình thường xuất bán dê thành 3 đợt, mỗi đợt bán từ 35 đến 40 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng từ 40-45 kg, giá bán từ 90 - 110 nghìn đồng/kg, như vậy mỗi con dê bán được khoảng từ 4 triệu - 4.5 triệu đồng. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê của gia đình vào khoảng từ 420 - 450 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi từ 280 - 300 triệu đồng mỗi năm.
Đẩy mạnh phát triển chăn nuôi hàng hóa
Những năm trước đây, sản xuất nông nghiệp của xã Hồ Thầu chủ yếu là trồng cây lương thực ngắn ngày, cây chè và thảo quả, chăn nuôi trâu, bò chỉ để lấy sức kéo cày. Với lợi thế có địa hình là đồi núi, nhiều bãi chăn thả tự nhiên, thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đại gia súc, để khai thác tiềm năng đất đai, nguồn lao động dồi dào, xã đã tích cực vận động nhân dân chuyển từ tập quán chăn nuôi thả rông sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả. Cùng với các chính sách hỗ trợ vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chương trình dự án giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, các Nghị quyết của tỉnh đã tạo điều kiện cho người dân vay vốn ngân hàng để đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng hàng hóa.
Ông Trương Công Định, Chủ tịch UBND xã Hồ Thầu cho biết, gia đình anh Triệu Chòi Lụa là một tấm gương điển hình trong cộng đồng dân tộc Dao của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ liên kết nuôi dê của địa phương. Trong những năm qua, xã đã lấy mô hình làm giàu từ liên kết nuôi dê của gia đình anh Lụa để tuyên truyền cho cộng đồng các dân tộc của xã học tập và làm theo. Anh Lụa xứng đáng là một tấm gương sáng để đồng bào các dân tộc của xã học tập, làm theo.
Từ những thành tích trong phát triển liên kết chăn nuôi dê, gia đình anh Triệu Chòi Lụa đã được Hội Nông dân và UBND huyện Hoàng Su Phì biểu dương, khen thưởng. Mô hình phát triển chăn nuôi dê theo hướng hàng hóa của gia đình anh Triệu Chòi Lụa cũng trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của Đoàn Thanh niên, Hội Nông dân… trong và ngoài huyện Hoàng Su Phì trong những năm qua.
Từ những mô hình chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, phong trào phát triển chăn nuôi ở xã Hồ Thầu ngày càng được nhân rộng. Nhiều hộ dân trên địa bàn đã chuyển đổi từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi gia súc theo mô hình gia trại với số lượng lớn hơn, mang lại thu nhập ổn định
“Thời gian tới, xã Hồ Thầu tiếp tục phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân kỹ thuật chăn nuôi, đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc; nhân rộng mô hình chăn nuôi tập trung gắn với trồng cỏ, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, thúc đẩy kinh tế của xã ngày càng phát triển” ông Định cho biết thêm.
Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê của gia đình anh Triệu Chòi Lụa vào khoảng từ 420 - 450 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí, lãi từ 280 - 300 triệu đồng mỗi năm.