Nông thôn mới

Chỉ dẫn địa lý giúp gia tăng giá trị nông sản

Minh Tú - 13:16 09/11/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Chỉ dẫn địa lý có vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị và thương hiệu cho các sản phẩm nông lâm sản có chất lượng đặc thù của Việt Nam. Nhận thức rõ về vấn đề này sẽ giúp chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn theo hướng: Chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn.

Chỉ dẫn địa lý là gì?

Chỉ dẫn địa lý là dấu hiệu dùng để chỉ sản phẩm có nguồn gốc từ khu vực, địa phương, vùng lãnh thổ hay quốc gia cụ thể. Danh tiếng của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý do điều kiện địa lý quyết định, được xác định bằng mức độ tín nhiệm của người tiêu dùng đối với sản phẩm đó thông qua mức độ rộng rãi người tiêu dùng biết đến và chọn lựa sản phẩm đó.

Điều kiện địa lý mang lại danh tiếng, tính chất, chất lượng đặc thù của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý gồm: Yếu tố tự nhiên (khí hậu, thủy văn, địa chất, địa hình, hệ sinh thái và các điều kiện tự nhiên khác); Yếu tố con người (kỹ năng, kỹ xảo của người sản xuất, quy trình sản xuất truyền thống của địa phương…).

Để ví dụ minh họa về điều kiện địa lý ảnh hưởng thế nào đối với nông sản, chúng ta có thể lấy ví dụ từ cây café Buôn Ma Thuột được cấp Chỉ dẫn địa lý bởi Cục Sở hữu trí tuệ cho Chủ đơn là UBND tỉnh Daklak từ ngày 14/ 10/ 2005.

Theo thống kê, Đắk Lắk hiện có 208.000ha cà phê Buôn Mê Thuột; là nơi được xem là nơi có năng suất cà phê trung bình cao nhất thế giới 2,5 tấn/ha. Tổng sản lượng cà phê năm 2020 của Đắk Lắk là 476.000 tấn, góp phần trong việc đưa sản lượng cà phê Việt Nam lên vị trí số 2 của những quốc gia xuất khẩu cà phê và là nhà xuất khẩu cà phê vối hàng đầu vì quả cà phê vối chiếm đa số về số lượng của Buôn Ma Thuột. Ở Việt Nam, café Robusta còn có tên gọi là cà phê Vối. Cà phê Robusta còn được biết đến với tên gọi khác là Coffea Canephora. Điểm khác biệt của loại cà phê này là hàm lượng caffein cao, chiếm từ 3% đến 4%. Trong khi đó, cafe Arabica chỉ chiếm từ 1% đến 2%.

Nói về café Robusta chất lượng là phải nói về Đắk Lắk, về Buôn Ma Thuột

Cà phê Robusta phù hợp để trồng trong điều kiện khí hậu nhiệt đới. Cây thường được trồng ở độ cao dưới 1.000m so với mực nước biển. Nhiệt độ lý tưởng dao động từ 24 đến 29 độ C. Cây cà phê Robusta là loại cây ưa nước với yêu cầu lượng mưa hàng năm trung bình trên 1.000mm. Đặc biệt, so với cà phê thông thường, cây cà phê Robusta phải được trồng trong điều kiện ánh sáng thuận lợi hơn. Tất cả những điều kiện về địa lý trên đều lý tưởng để trồng cây café ở Đắk Lắk. Cây cà phê được du nhập vào Việt Nam từ rất sớm (năm 1870) nhưng được trồng đại trà ở Đắk Lắk, xuất phát từ Buôn Ma Thuột chỉ từ những năm sau 1930 trong những đồn điền của người Pháp.

Bên cạnh điều kiện địa lý thì chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được xác định bằng một hoặc một số chỉ tiêu định tính, định lượng hoặc cảm quan về vật lý, hoá học, vi sinh và các chỉ tiêu đó phải có khả năng kiểm tra được bằng phương tiện kỹ thuật hoặc chuyên gia với phương pháp kiểm tra phù hợp. Đặc biệt, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý có ranh giới được xác định một cách chính xác bằng từ ngữ và bản đồ.

Với việc UBND tỉnh  Đắk Lắk đăng ký sở hữu trí tuệ về Chỉ dẫn địa lý cho cây café từ rất sớm, không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới, nói về café Robusta là phải nói về  Đắk Lắk, về Buôn Ma Thuột. Chỉ dẫn địa lý đã phần nào đưa thương hiệu café Buôn Ma Thuột lên tầm cỡ sản phẩm của thế giới, đưa tên tuổi Việt Nam trở thành một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu.

Chỉ dẫn địa lý góp phần đẩy nhanh hiệu quả xây dựng nông thôn mới

Một trong những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trọng tâm của Chương trình Mục tiêu Quốc gia (MTQG) xây dựng Nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2021-2025 nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, chú trọng đến nâng cao chất lượng sống, tri thức của người dân nông thôn.

Trong đó có nhiệm vụ nâng cao năng lực cho các cộng đồng dân cư, cán bộ cơ sở và người dân ở nông thôn nhằm phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn, tinh thần chủ động, sáng tạo, tự giác, tự lực, đoàn kết và hợp tác trong xây dựng nông thôn mới với nguyên tắc “Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể”.

Bên cạnh đó, Chương trình MTQG xây dựng NTM cũng rất chú trọng vấn đề chuyển đổi tư duy cho cán bộ cơ sở, cộng đồng và người dân nông thôn về phát triển kinh tế nông thôn theo hướng: chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, kinh tế nông thôn, phát triển chuỗi giá trị theo hướng kinh tế tuần hoàn, phát huy tính đa giá trị của nông nghiệp, nông thôn, phát triển bền vững, có trúc nhiệm, thích ứng với biến đổi khí hậu, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều văn bản của Nhà nước thể hiện tầm nhìn và sự coi trọng với vấn đề Chỉ dẫn địa lý cho nông lâm sản Việt Nam:

Ngày 22/8/2019, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1068/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 về Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030;

Ngày 24/12/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2205/QĐ-TTg ngày 24/12/2020 về Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030;

Ngày 28/01/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bộ Khoa học và Công nghệ, các Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh đã phối hợp triển khai nhiều chương trình, dự án phát triển tài sản trí tuệ.

Với một quốc gia có nhiều lợi thế về các mặt hàng nông sản nhưng công nghiệp chế biến sâu sau thu hoạch chưa phát triển mạnh như Việt Nam, chỉ dẫn địa lý đã trở thành một trong những yếu tố quan trọng để giúp nâng cao chuỗi giá trị nông sản. Năm 2021-2022, tin vui liên tiếp đến với nông sản Việt Nam khi vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), sau đó là thanh long Bình Thuận chính thức trở thành những sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản.

Việc các sản vật Việt được bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại thị trường "khó tính" có ý nghĩa rất lớn. Ngoài vai trò bảo vệ thương hiệu cho nông sản, tránh bị “đánh cắp” thương hiệu khi sang thị trường nước ngoài, những sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý ở nước ngoài thường có giá bán cao hơn thông thường và được người dân ở nước đó tin tưởng, ưa chuộng.

Một số sản phẩm đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp Chỉ dẫn địa lý. Ảnh minh họa

“Trang thông tin này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương” 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác