Góc nhìn

Chính phủ ban hành Quy chế hoạt động Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc

Anh Kiều - 08:00 09/09/2023 GMT+7
(Tapchinogthonmoi.vn) Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc đã ký Quyết định số 55/QĐ-HĐĐPTDMNPB ban hành Quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc.
Ảnh minh hoà vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Quy chế này quy định về tổ chức hoạt động và phối hợp của Hội đồng Điều phối vùng trung du và miền núi phía Bắc nhằm tạo sự thống nhất, đồng bộ để thực hiện mục tiêu, định hướng phát triển xanh, bền vững và toàn diện vùng trung du và miền núi phía Bắc.

Vùng trung du và miền núi phía Bắc quy định tại quy chế này gồm các địa phương: Hà Giang, Tuyên Quang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên, Bắc Kạn, Phú Thọ, Bắc Giang, Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Điện Biên.

Theo quy chế, nguyên tắc điều phối là phải tuân thủ Hiến pháp, quy định của pháp luật có liên quan về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Nội dung, lĩnh vực điều phối là liên kết phát triển kinh tế - xã hội vùng trung du và miền núi phía Bắc. Việc phối hợp phải bảo đảm theo nguyên tắc đồng thuận, bình đẳng, công khai, minh bạch và phù hợp với các quy định pháp luật.

Hoạt động điều phối thực hiện thông qua Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng. Trên cơ sở nội dung các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội, các bộ, ngành, địa phương trong vùng thảo luận để thỏa thuận, thống nhất và triển khai các nội dung thực hiện liên kết, phối hợp. Việc chủ trì tổ chức thực hiện công tác phối hợp được giao cho bộ, ngành, địa phương có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn liên quan hoặc chịu tác động nhiều nhất đến lĩnh vực, nhiệm vụ cần phối hợp.

Những vấn đề không đạt được sự đồng thuận hoặc vượt thẩm quyền quyết định của các bộ, ngành và địa phương trong vùng trung du và miền núi phía Bắc thì căn cứ đề nghị của Hội đồng điều phối vùng, Chủ tịch Hội đồng Điều phối vùng báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định theo quy định của pháp luật hiện hành.

Về lập và tổ chức thực hiện quy hoạch, quy chế quy định việc lập và tổ chức thực hiện các quy hoạch vùng, ngành quốc gia, quy hoạch tỉnh và các quy hoạch có liên quan trên địa bàn vùng trung du và miền núi phía Bắc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phải được phối hợp để bảo đảm tính tích hợp, thống nhất và đồng bộ giữa các quy hoạch, trong đó các lĩnh vực chủ yếu cần phối hợp gồm: hệ thống giao thông kết nối; giáo dục và đào tạo; y tế; tài nguyên rừng, tài nguyên nước; bảo tồn đa dạng sinh học; quản lý đất đai; môi trường, công nghiệp khai thác, chế biến; nông nghiệp hiệu quả cao.

Sau khi quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các cơ quan, địa phương quản lý quy hoạch có trách nhiệm tổ chức công bố, công khai quy hoạch, xây dựng kế hoạch triển khai quy hoạch, triển khai các hoạt động xúc tiến đầu tư nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, các thành phần kinh tế tham gia thực hiện. Các bộ, ngành, địa phương căn cứ nhiệm vụ được giao tổ chức triển khai thực hiện và có trách nhiệm phối hợp trong việc giám sát, kiểm tra thực hiện quy hoạch.

Về đào tạo và sử dụng lao động, quy chế nêu rõ phối hợp trong việc đầu tư xây dựng phát triển các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ sở đào tạo nhân lực cho các địa phương trong vùng. 

Phối hợp trong điều tiết, sử dụng lao động, lao động từ khu vực chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất. Định hướng, hướng dẫn, phối hợp hỗ trợ giới thiệu việc làm, hợp tác bố trí lao động, xử lý tranh chấp lao động khi cần thiết.

Phối hợp trong việc xây dựng và bố trí nhà ở, các công trình thiết yếu cho người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất; trong giải quyết các tệ nạn xã hội, vấn đề an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Về xây dựng các cơ chế, chính sách: Các bộ, ngành rà soát, nghiên cứu xây dựng, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy phạm pháp luật hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành về cơ chế, chính sách ưu đãi và hỗ trợ, huy động vốn đầu tư để áp dụng cho vùng trung du và miền núi phía Bắc. Cụ thể: Thực hiện cơ chế xây dựng dự toán ngân sách địa phương, kế hoạch đầu tư công công khai, minh bạch, phù hợp với nhu cầu phát triển của các tỉnh, thành phố giai đoạn tới; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển các sản phẩm nông nghiệp hiệu quả cao, sinh thái, hữu cơ, quy mô lớn gắn với vùng chuyên canh; phát triển kinh tế lâm nghiệp; phục hồi, bảo vệ, phát triển rừng; hoạt động đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi, phòng, chống thiên tai, bảo đảm an ninh nguồn nước.

 Ngoài chính sách áp dụng chung cho toàn vùng trung du và miền núi phía Bắc, các địa phương quy định cụ thể chính sách cho phù hợp với điều kiện đặc thù của từng địa phương nhưng không trái với quy định hiện hành và các chính sách chung của toàn vùng. Khi có sự thay đổi cơ chế, chính sách, các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm báo cáo Hội đồng điều phối vùng và thông báo tới các địa phương khác trong vùng để phối hợp thực hiện.

Trường hợp để giải quyết những yêu cầu cấp thiết vượt thẩm quyền và khả năng, các tỉnh trong vùng trung du và miền núi phía Bắc có thể thông qua Hội đồng điều phối vùng trình Thủ tướng Chính phủ, Chính phủ xem xét, quyết định.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác