Chính phủ chỉ đạo các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng trong nước - quốc tế
Sau phiên khai mạc kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 20/5, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày Báo cáo của Chính phủ đánh giá bổ sung kết quả năm 2023 và tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) những tháng đầu năm 2024.
GDP năm 2023 thấp hơn mục tiêu đề ra
Nhìn chung, tình hình KT-XH những tháng cuối năm 2023 tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước, cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực.
Theo đó, tốc độ tăng GDP năm 2023 đạt 5,05%, tuy thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng là mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỷ USD, bước vào nhóm các nước trung bình cao. Lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, ngoại hối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm. Thu NSNN đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng, vượt 8,2% và tăng 133,4 nghìn tỷ đồng so với dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH.
Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời và hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, DN và người dân. Đã miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất gần 191,5 nghìn tỷ đồng. Bội chi NSNN khoảng 3,5% GDP, dư nợ công khoảng 37% GDP, dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 681 tỷ USD; xuất siêu 28,3 tỷ USD góp phần bảo đảm cán cân thanh toán, hỗ trợ cân đối ngoại tệ.
“Những kết quả đạt được của năm 2023 vẫn còn những hạn chế, tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra, nhất là hoạt động sản xuất kinh doanh, tiếp cận tín dụng còn nhiều khó khăn. Tốc độ tăng năng suất lao động chưa đạt yêu cầu cũng như thủ tục đầu tư kinh doanh còn rườm rà”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ ra những hạn chế.
KT-XH 4 tháng phát triển tích cực ở cả 3 khu vực
Bước sang những tháng đầu năm 2024, tình hình KT-XH tiếp tục phục hồi. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66%, cao nhất trong giai đoạn 2020-2023. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ. Điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ, giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Trong 4 tháng đầu năm 2024, thu NSNN đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15%; xuất siêu 8,4 tỷ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỷ USD, tăng 73,2%; FDI thực hiện đạt 6,28 tỷ USD, tăng 7,4%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo…
“Kinh tế duy trì đà phát triển tích cực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng khá, sản xuất công nghiệp phục hồi tích cực, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo; sản xuất và cung ứng điện, xăng dầu được bảo đảm, đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất và sinh hoạt. Thương mại, dịch vụ tiếp tục có bước phát triển khá, kết cấu hạ tầng KT-XH được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia”, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu.
Mặc dù KT-XH 4 tháng đạt kết quả khá, nhưng Chính phủ cho biết vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN, người dân còn gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công, nông nghiệp phục hồi còn chậm, nhất là tại vùng ĐBSCL do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài. Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm…
Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh
Đưa ra nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong thời gian tới, Chính phủ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới. Tiếp tục thực hiện chính sách miễn, giảm lãi suất, giãn, hoãn, cơ cấu lại nợ và miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính và ngân sách nhà nước; mở rộng cơ sở thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời và chống thất thu thuế, nhất là từ hoạt động kinh doanh dịch vụ ăn uống, thương mại điện tử xuyên biên giới… Điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Điều hành tỷ giá, lãi suất phù hợp với tình hình thị trường.
Đặc biệt, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định bằng việc chú trọng thanh tra, kiểm tra. Chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Yêu cầu các DN kinh doanh vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước ngày 15/6/2024; rà soát, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng và báo cáo kết quả trong tháng 5/2024; đồng thời, làm tốt công tác thông tin, truyền thông.
“Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%. Đẩy mạnh giải ngân Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ”, Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu những giải pháp trọng điểm.
Theo VOV