Xã hội

Việt Nam nhận được nhiều cảm thông và sự trợ giúp quốc tế để khắc phục hậu quả bão số 3

Bảo Minh - 15:00 16/09/2024 GMT+7
Tính đến nay, đã có hàng chục quốc gia và tổ chức Quốc đã tế lên tiếng bày tỏ cảm thông và giúp đỡ Việt Nam khắc phục hậu quả sau bão số 3 (bão Yagi). Trong đó, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã trao cho Bộ NN&PTNT 700 bộ đồ dùng gia đình có tính đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề ở tỉnh Yên Bái, đồng thời cử các nhóm chuyên gia đánh giá chung, thực hiện ứng phó khẩn cấp đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái và Lào Cai.
TIN LIÊN QUAN

Trước đó, ngày 9/9/2024, Văn phòng Đối tác giảm nhẹ thiên tai, thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch huy động nguồn lực quốc tế hỗ trợ khắc phục hậu quả của bão Yagi tại Việt Nam. Trong cuộc họp này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã kêu gọi các tổ chức quốc tế cùng đồng hành, kịp thời có những giải pháp hỗ trợ người dân tại các địa phương bị ảnh hưởng do bão sớm ổn định lại cuộc sống.

Sự quan tâm, cảm thông sâu sắc của quốc tế

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 và mưa lũ sau bão đã khiến 348 người thiệt mạng, mất tích; 1.921 người bị thương; 231.851 ngôi nhà bị hư hỏng. Về sản xuất nông nghiệp, có 190.358 ha lúa; 48.727 ha hoa màu bị ngập úng, thiệt hại; 31.745 ha cây ăn quả bị hư hại; 3.269 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; 21.786 con gia súc, 2.621.106 con gia cầm bị chết. Đáng chú ý, có đến 305 sự cố đê điều trong đợt mưa lũ này, trong đó có 182 sự cố xảy ra trên các tuyến đê từ cấp III trở lên; 123 sự cố xảy ra trên các tuyến đê dưới cấp III. Bộ NN&PTNT ước tính tổng thiệt hại kinh tế ban đầu trên 31.596 tỷ đồng. Các địa phương đang tiếp tục rà soát, cập nhật thống kê thiệt hại.

Tại cuộc họp nói trên, bà Pauline Tamesis, Điều phối viên Liên Hợp Quốc tại Việt Nam cho biết, nhóm lãnh đạo cơ quan Liên Hợp Quốc sẵn sàng hỗ trợ Chính phủ để qua đó hỗ trợ người dân sớm nhất, trọng tâm là hỗ trợ người dễ bị tổn thương như người già, trẻ em.

* Ngày 11/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã phát động cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong Bộ, các cơ quan đại diện Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão Yagi gây ra. Ngày 12/9, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam kêu gọi đồng bào, nhà hảo tâm ở nước ngoài cũng như người nước ngoài đang sinh sống, làm việc ở Việt Nam chung tay cùng đồng bào, chiến sĩ, doanh nghiệp, nhà hảo tâm, các tổ chức trong cả nước... đóng góp ủng hộ, tham gia khắc phục thiệt hại do bão Yagi gây ra. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn, các Đại sứ quán Việt Nam, các hội đoàn người Việt trên thế giới đã phát động quyên góp ủng hộ đồng bào trong nước bị ảnh hưởng bởi bão Yagi.

*Ngày 12/9, Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) đã đưa ra lời kêu gọi hỗ trợ khẩn cấp trước những thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Việt Nam: “Cơn bão với sức gió mạnh hơn 120km/h đã tàn phá nhà cửa, mùa màng, sinh kế và gây ra lũ lụt, sạt lở đất nghiêm trọng, đặc biệt là các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ ảnh hưởng đến cuộc sống của trẻ em, gia đình và cộng đồng đặc biệt dễ bị tổn thương... ".

*Ngày 11/9, ông Andrew Goledzinowski - Đại sứ Australia tại Việt Nam chia sẻ: "Chúng tôi sẵn sàng giúp Việt Nam bằng bất kỳ cách nào. Chúng tôi rất vui vì đã có thể nhanh chóng huy động hỗ trợ đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất và hy vọng điều này sẽ giảm bớt một số áp lực trước mắt đối với các gia đình và cộng đồng. Australia luôn sát cánh cùng Việt Nam trong thời điểm khó khăn này".

Lô hàng viện trợ của Chính phủ Australia vận chuyển bằng máy bay quân sự đã được chuyển đến sân bay quốc tế Nội Bài vào tối ngày 11.9. Ảnh Đại sứ quán Australia.

* Chiều ngày 12/9, trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc tại TP. Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith cùng Phu nhân Naly Sisoulith và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Lào Saleumxay Kommasith  đã dự lễ phát động ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bão số 3.

Nhãn

* Ngày 12/9 (theo giờ địa phương), Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã ra tuyên bố về những thiệt hại do bão Yagi (bão số 3 tại Việt Nam) gây ra, trong đó gửi lời thăm hỏi chân thành nhất tới nhân dân Việt Nam đang hứng chịu hậu quả do cơn bão này, đồng thời cho biết Cơ quan Phát triển quốc tế Mỹ (USAID) đang cung cấp viện trợ nhân đạo để hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam nhằm khắc phục hậu quả do bão, bao gồm viện trợ tài chính, lều bạt, nước uống và thiết bị vệ sinh, cũng như các vật dụng cần thiết khác…

* Ngày 12/9, Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio đã gửi điện thăm hỏi đến Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào ngày 10.9, bày tỏ niềm tiếc thương sâu sắc đến các nạn nhân đã thiệt mạng trong cơn bão số 3 cũng như gia đình các nạn nhân, đồng thời gửi lời động viên chân thành nhất đến người dân bị thiệt hại do cơn bão. Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Thanh Bình đã tiếp Đại sứ Nhật Bản tại Việt Nam Ito Naoki đến trao điện thăm hỏi vào ngày 11.9. Đại sứ quán Nhật Bản khẳng định, Chính phủ Nhật Bản luôn đồng hành cùng Việt Nam, sẵn sàng hỗ trợ các nhu cầu cần thiết của Việt Nam trong khả năng có thể.

Lô hàng viện trợ của Nhật Bản đến sân bay Nội Bài sớm hơn 1 ngày so với dự kiến và lập tức được chuyển tới Yên Bái khắc phục hậu quả bão Yagi. Ảnh JICA

* Ngày 12/9, Chính phủ Argentina đã bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ và người dân Việt Nam trước những thiệt hại mà cơn bão Yagi để lại. Thông cáo của Bộ Ngoại giao Argentina nhấn mạnh: “Argentina bày tỏ tình đoàn kết với Chính phủ, nhân dân Việt Nam và gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới gia đình các nạn nhân trước hậu quả bi thảm do cơn bão Yagi gây ra”.

* Ngày 12/9, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam ra thông cáo nêu bật: "Chính phủ Hàn Quốc quyết định cung cấp gói viện trợ này với hy vọng sẽ góp phần khôi phục các khu vực bị thiệt hại và giúp người dân vùng thiệt hại quay trở lại cuộc sống thường nhật trong thời gian sớm nhất".

* Ngày 12/9, Thông cáo báo chí của Đại sứ quán Thụy Sĩ tại Việt Nam nêu rõ: "Trong giờ phút khó khăn này, Thụy Sĩ tái khẳng định cam kết sâu sắc trong việc sát cánh với nhân dân Việt Nam. Chúng tôi thấu hiểu nỗi đau, sự mất mát cũng như lòng dũng cảm của các bạn, và chúng tôi sẽ quyết tâm thực hiện phần việc của mình để giúp các bạn tái thiết cuộc sống, tái thiết các cộng đồng bằng sự kiên cường giống như các bạn luôn có".

* Ngày 13/9, Đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, bà Ramla Khalidi đã gửi lời chia buồn sâu sắc đến Chính phủ Việt Nam và người dân bị ảnh hưởng bởi sự tàn phá do Bão Yagi gây ra. Bà chia sẻ sự mất mát và khó khăn của các cộng đồng ở vùng núi phía bắc và đồng bằng sông Hồng, và bày tỏ sự cảm động trước tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của người dân khi phải đối mặt với trận bão. Bà Ramla Khalidi phát biểu: “Chúng tôi đánh giá cao sự lãnh đạo nhanh chóng và quyết đoán của Chính phủ trong nỗ lực ứng phó với thảm họa này, đặc biệt trong việc điều phối các hoạt động cứu trợ, đảm bảo an toàn và khả năng chống chịu của người dân bị ảnh hưởng bởi trận bão. UNDP sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam thực hiện đánh giá nhu cầu liên ngành, cứu trợ khẩn cấp cũng như lập kế hoạch phục hồi sớm và xây dựng khả năng chống chịu trong dài hạn. Nỗ lực phục hồi cần phản ánh tiếng nói của những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tham vấn ý kiến cộng đồng và đảm bảo kế hoạch có tính đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật giúp chúng ta có được những giải pháp đáp ứng nhu cầu của tất cả mọi người”.

* Ngày 16/9, trong thư gửi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại New Zealand Winston Peters viết: "Chính phủ New Zealand xin gửi lời chia buồn sâu sắc nhất tới các nạn nhân của cơn bão Yagi ở miền Bắc Việt Nam. Toàn thể người dân New Zealand hướng về những người bị ảnh hưởng và lực lượng cứu hộ đang ở tuyến đầu… New Zealand mong muốn tận dụng nhiều khía cạnh khác nhau trong mối quan hệ song phương để tăng cường khả năng phục hồi và chống chịu trong tương lai của Việt Nam trước những thảm họa tàn khốc như vậy".

Đại sứ New Zealand tại Việt Nam Caroline Beresford cho biết: "Là đối tác chiến lược của Việt Nam, New Zealand sát cánh với chính phủ và người dân Việt Nam trong thời điểm vô cùng khó khăn này. Chúng tôi hy vọng sự hỗ trợ của chúng tôi sẽ nhanh chóng đến được với những người cần giúp đỡ, đóng góp vào các nỗ lực khẩn cấp và giúp các cộng đồng bị ảnh hưởng xây dựng lại cuộc sống của họ".

Những sự hỗ trợ kịp thời từ quốc tế

Thời gian qua, truyền thông quốc tế liên tục đưa tin về những thiệt hại do bão Yagi gây ra tại Việt Nam. Nhiều nhà lãnh đạo và đại diện các tổ chức quốc tế đã thăm hỏi, động viên, bày tỏ sự cảm thông sâu sắc và tinh thần đoàn kết với Đảng, Chính phủ và người dân Việt Nam, đồng thời ngay lập tức đã có những sự hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân chịu thiệt hại khắc phục hậu quả do bão gây ra.

* Ngày 11/9, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam thông báo, Chính phủ Australia cung cấp cho Việt Nam khoản viện trợ ban đầu là 3 triệu đôla Australia. Cùng ngày, Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận chuyến hàng viện trợ đầu tiên của Chính phủ Australia gồm 264 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân, 600 chăn, 264 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa, 600 tấm thảm ngủ, 522 tấm bạt, 360 màn chống muỗi.

Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski giao hàng viện trợ cho bà Vũ Thị HIền Hạnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái. Nguồn: ĐSQ Australia tại Việt Nam.

* Ngày 12/9, Chính phủ Nhật Bản thông qua Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) quyết định viện trợ vật tư cứu trợ khẩn cấp (thiết bị lọc nước, tấm plastic đa chức năng) để khắc phục những thiệt hại do bão gây ra tại Việt Nam. 

Ngày 15/9, tại sân bay quốc tế Nội Bài, ông Vũ Xuân Thành - Phó Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đại diện Bộ NN&PTNT đã tiếp nhận hàng viện trợ từ ông Ito Naoki - Đại sứ quán Nhật Bản cùng Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Hàng viện trợ bao gồm 40 máy lọc nước, 200 tấm bạt nhựa đa năng với tổng giá trị 124.096 USD (tương đương hơn 3,05 tỷ đồng) được chuyển đến tỉnh Yên Bái ngay trong ngày 15/9 để kịp thời cấp phát đến cho người dân chịu ảnh hưởng do mưa lũ.

Đại sứ Ito Naoki cho biết: "Cơn bão lũ vừa qua đã khiến nhiều người dân thiệt mạng, nhiều tỉnh thành cùng phải hứng chịu ảnh hưởng thiệt hại nặng nề. Cho phép tôi được bày tỏ sự tiếc thương và gửi lời chia buồn tới các gia đình có người thân đã mất đồng thời cũng gửi lời hỏi thăm, động viên tới các gia đình đang phải chịu ảnh hưởng thiệt hại của đợt bão lũ này".

Các kiện hàng do Chính phủ Nhật Bản viện trợ đang được xếp lên xe ô tô để chở tới cho người dân Yên Bái. Ảnh Đại sứ quán Nhật Bản

Ông Ito Naoki nhấn mạnh, đối với Nhật Bản, Việt Nam là đất nước rất gần gũi, quan trọng, ngày 10/9, Thủ tướng Kishida Fumio đã có gửi thư thăm hỏi kính gửi tới Thủ tướng Phạm Minh Chính, tiếp sau đó, ngày 11/9, Ngoại trưởng Nhật Bản Kamikawa Yoko đã có thư gửi Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn với thông điệp sẽ cố gắng viện trợ tối đa trong khả năng có thể để hỗ trợ Việt Nam. "Nhật Bản cam kết rằng sẽ tiếp tục hợp tác với Việt Nam hướng tới khôi phục và tái thiết sớm các khu vực bị thiên tai, cũng như đóng góp vào sự phát triển hơn nữa của Việt Nam trong tương lai", ông Ito Naoki khẳng định.

* Ngày 12.9, Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam thông báo, Hàn Quốc quyết định cung cấp viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD nhằm hỗ trợ Việt Nam khắc phục những thiệt hại do bão và mưa lớn cục bộ xảy ra tại Việt Nam gần đây.

* Ngày 12/9, Ngoại trưởng Blinken khẳng định Mỹ sẽ tiếp tục hợp tác với các đối tác, nhằm hỗ trợ người dân Việt Nam trong thời điểm khó khăn hiện nay. Phái đoàn Ngoại giao Mỹ tại Việt Nam, thông qua Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) đã cung cấp 1 triệu USD viện trợ nhân đạo khẩn cấp để hỗ trợ Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3. Khoản viện trợ của Mỹ sẽ được phân bổ tới các đối tác cứu trợ nhân đạo để có thể tiến hành hỗ trợ tiền mặt cho các mục đích khác nhau, cung cấp nơi lánh nạn, nước sạch, vệ sinh cũng như những hỗ trợ khác ngoài thực phẩm.

* Ngày 12/9, thông qua Đơn vị Cứu trợ Nhân đạo Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ đã dành 1 triệu franc Thụy Sĩ (tương đương 1,2 triệu USD), đồng thời gửi một đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai được điều động sang Việt Nam để hỗ trợ cơ quan chức năng và những người bị ảnh hưởng. Cùng với đó, Thụy Sĩ sẽ cung cấp các vật dụng thiết yếu, bao gồm 300 lều trại và hệ thống phân phối nước đủ phục vụ 10.000 người. Thụy Sĩ đang phối hợp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để khẩn trương gửi các vật dụng thiết yếu này đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhằm cứu trợ tức thì cho những người đang trong tình trạng khẩn cấp. Dự kiến ngày 16/9, chuyến viện trợ của Thụy Sĩ gồm 25 tấn hàng sẽ đến Việt Nam. Trước đó, 8 chuyên gia của Thụy Sĩ đã đến Việt Nam để khảo sát, nghiên cứu về nhu cầu của tỉnh Yên Bái, từ đó đưa ra các phương án tái thiết phù hợp sau bão Yagi.

* Ngày 13/9, Chương trình Phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) đã trao cho Bộ NN&PTNT 700 bộ đồ dùng gia đình có tính đến nhu cầu của phụ nữ và người khuyết tật để hỗ trợ các cộng đồng bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi ở tỉnh Yên Bái. UNDP cũng cử 2 trong 3 nhóm đánh giá chung đến Quảng Ninh, Hải Phòng, Yên Bái và Lào Cai cũng như thực hiện các hoạt động ứng phó khẩn cấp nhanh chóng.

Nhân viên UNICEF nhận vật tư lọc nước tại Hà Nội để các đối tác chính phủ phân phối cho người dân bị ảnh hưởng bởi cơn bão Yagi: Đại diện UNICEF Việt Nam (giữa) Silvia Danailov, cùng Phó đại diện Michaela Bauer (bên trái) và Cán bộ về Nước sạch vệ sinh và môi trường Hạnh Nguyễn (bên phải). Ảnh UNICEF

UNICEF đã khẩn cấp vận chuyển 80.000 viên lọc nước tới Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Nguyên và 4.000 lít nước tới Bệnh viện tỉnh Lào Cai để đảm bảo cung cấp nước uống cho 800 người. UNICEF sẽ cung cấp viên lọc nước, bồn chứa nước, bộ lọc gốm, dung dịch rửa tay khô và xà phòng cho chính quyền địa phương để phân phát đến các hộ gia đình, trường học và cơ sở y tế tại các tỉnh Yên Bái và Lào Cai.

* Trung tâm Điều phối ASEAN về hỗ trợ nhân đạo trong quản lý thiên tai (AHA) hỗ trợ 2.002 bộ dụng cụ gia đình (gồm xô nhựa, túi đựng nước, khăn tắm, áo phông, màn chống muỗi, nến, đài FM0; 1.008 bộ dụng cụ sửa chữa nhà cửa (dây thừng, cưa gỗ cầm tay, đinh đóng kim loại, xẻng, cuốc, kéo, đinh đóng góc, dây buộc, búa); 1.015 bộ dụng cụ bếp; 3.031 bộ dụng cụ vệ sinh cá nhân (gồm bột giặt, băng vệ sinh, khăn tay, bài chải đánh răng, kem đánh răng, xà phòng vệ sinh, dầu gội). Số hàng viện trợ được chuyển đến Sân bay quốc tế Nội Bài trong ngày 13 - 14/9.

Đại diện Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai đã tiếp nhận hàng của trung tâm AHA tại sân bay Nội Bài. Ảnh Cục Quản lý đê điều và Phòng chống thiên tai.

* Ngày 14/9, theo thông tin từ Đại sứ quán Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland tại Việt Nam, Chính phủ Anh sẽ hỗ trợ 1 triệu bảng Anh (tương đương 32 tỷ đồng) để Việt Nam khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi). Khoản viện trợ này sẽ cung cấp dưới hình thức nhu yếu phẩm khẩn cấp, hỗ trợ tiền mặt và các dịch vụ quan trọng như y tế, nước sạch và vệ sinh cho những người bị ảnh hưởng.

* Ngày 16/9, theo thông tin từ Đại sứ quán New Zealand, Chính phủ New Zealand đã công bố khoản đóng góp 1 triệu đô la New Zealand (hơn 617.000 USD, tương đương hơn 15 tỷ đồng) nhằm hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam khắc phục hậu quả nặng nề của bão số 3 (Yagi). Khoản viện trợ này sẽ được chuyển qua các tổ chức phi chính phủ là đối tác ứng phó thảm họa của New Zealand và các cơ quan của Liên Hợp quốc tại Việt Nam, tập trung vào ứng phó khẩn cấp và phục hồi sinh kế.

Tính đến nay, Bộ NN&PTNT đã nhận được sự quan tâm từ 10 Đại sứ quán và 16 tổ chức quốc tế với cam kết hỗ trợ 160 tấn hàng qua đường hàng không./.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác