Sụt lún ở Nghệ An: Phải đặt sự an toàn của người dân lên trên hết
Không đánh đổi lợi ích của doanh nghiệp lấy sự an toàn, ổn định của người dân
Trong chuyến công tác trực tiếp kiểm tra thực địa về tình hình sụt lún trên địa bàn xã Châu Hồng, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cùng đoàn liên ngành đã nắm bắt tổng thể về những vấn đề diễn ra khiến người dân bất an trong suốt thời gian qua. Đồng thời, Chủ tịch UBND tỉnh cũng yêu cầu huyện Quỳ Hợp, xã Châu Hồng phải đánh giá toàn diện, thống kê chính xác tình trạng sụt lún trên địa bàn, đặc biệt là những điểm tại nhà dân.
Hiện tượng này đã diễn ra trên địa bàn xã Châu Hồng gần 2 năm nay và những ngày gần đây tiếp tục lan rộng đến khu vực nhà ở của các hộ dân, cơ quan, trường học. Theo số liệu thống kê, hiện có 232 nhà dân ở Châu Hồng đang sống trong tình cảnh bất an, chưa kể 299 giếng nước của các gia đình, trạm y tế, trường học bị khô cạn bất thường.
Đối với đất nông nghiệp, các điểm sụt lún có diện tích bình quân 25-30m2, chiều sâu 1,5-2,5m. Tại nhà dân, các vết nứt kéo dài dọc sân, tầng cấp, tường, thậm chí các hố sâu còn xuất hiện ngay trong nhà…; ở những điểm khác còn có những “hố tử thần” không đáy buộc chính quyền và người dân phải đặt biển cảnh báo vùng nguy hiểm cấm vào.
Sau khi nắm bắt sự việc, ông Nguyễn Đức Trung đã chỉ đạo tổ chức gặp gỡ, đối thoại với người dân công khai ngay tại Hội trường UBND xã Châu Hồng.
Trước khi bắt đầu cuộc đối thoại với người dân, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định: nguyên tắc xử lý chung là đặt sự an toàn, cuộc sống ổn định của người dân lên trên hết. Bằng mọi giá không đánh đổi lợi ích kinh tế của doanh nghiệp lấy sự an toàn, ổn định của người dân, môi trường. Mục tiêu cao nhất là phải đảm bảo an toàn tối đa về tính mạng và tài sản cho người dân.
Tại buổi đối thoại, người dân xã Châu Hồng giãi bày tâm tư và những bất an trong cuộc sống về tình trạng giếng nước cạn khô, sụt lún trầm trọng đã diễn ra trong suốt thời gian vừa qua khiến cho cuộc sống của họ bị đảo lộn. Có nhà không dám ở, ruộng nương bị sụt lún trâu bò không dám chăn thả, đồng ruộng luôn gắn biển cảnh báo vùng nguy hiểm.
Hiện tượng sụt lún này còn đe dọa an nguy của họ khi bản làng vốn là nơi sinh sống lâu nay lại không còn bình yên. Dù các hộ dân đã nhiều lần phản ánh việc các công ty khai thác quặng bơm hút nước ngầm, kéo theo tình trạng sụt lún đất nặng nề nhưng không xử lý. Bởi theo đa phần ý kiến của người dân cho rằng hiện tượng này diễn ra là do quá trình khai thác khoáng sản gây nên.
Trước những ý kiến của người dân trong buổi đối thoại, Chủ tịch UBND tỉnh chia sẻ những khó khăn, bức xúc và cả những bất an của người dân xã Châu Hồng trong thời gian qua. Trên quan điểm sẽ thẳng thắn làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan và sớm có phương án khắc phục nhằm đảm bảo sự an toàn và sớm ổn định để người dân an cư lạc nghiệp.
Phê bình và giao nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành sớm tìm ra nguyên nhân
Ngay tại buổi làm việc ở Quỳ Hợp, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã thẳng thắn phê bình Sở NNPTNT về việc được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp kiểm tra, tham mưu biện pháp xử lý trước ngày 28/4/2022 nhưng chậm trễ cả tháng trời không hoàn thành.
Đồng thời, giao Sở Xây dựng phải có trách nhiệm lựa chọn đơn vị kiểm định, đánh giá chất lượng nhà ở, công trình có tình trạng sụt lún, nứt nẻ trên địa bàn xã Châu Hồng để xác định rõ nguy cơ, mức độ thiệt hại, từ đó tính toán phương án hỗ trợ, đền bù nhằm đảm bảo quyền lợi cho người dân.
Giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, thành lập đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra, rà soát hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn xã Châu Hồng, đặc biệt là những doanh nghiệp có bơm hút nước ngầm như Công ty CP Tân Hoàng Khang. Nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thì chuyển sang cơ quan điều tra để xử lý nghiêm và phải hoàn thành kết quả kiểm tra, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 31/7/2022.
Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn phối hợp Liên đoàn Địa chất Bắc Trung Bộ khảo sát, đánh giá tìm nguyên nhân gây ra sụt lún, giếng cạn để có câu trả lời sớm nhất cho người dân, hạn cuối đến ngày 30-6 và phối hợp chặt chẽ với huyện Quỳ Hợp để triển khai dự án cấp nước sạch cho người dân xã Châu Hồng
Chủ tịch UBND tỉnh giao cho Công an tỉnh không để các đối tượng kích động làm ảnh hưởng đến tâm lý của bà con cũng như làm hư hỏng tài sản của doanh nghiệp khai thác khoáng sản nhằm đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn và vào cuộc làm rõ ai đã lấp các hố sụt lún, lấp với mục đích gì trong khi đoàn địa chất đang tiến hành khảo sát.
Còn đối với huyện Quỳ Hợp, trước mắt, phải di dời các hộ dân trong khu vực nguy cơ cao đến nơi ở an toàn, xác định phương án tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng. Phối hợp chặt chẽ với xã Châu Hồng kịp thời nắm bắt những diễn biến mới nhất về hiện tượng trên để đảm bảo an toàn cho người dân vùng bị ảnh hưởng, sớm ổn định tâm lí cho bà con và nâng cao trách nhiệm của chính quyền đối với người dân.
Kết luận tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định “trách nhiệm đảm bảo tính mạng và tài sản của người dân là của chính quyền các cấp. Yêu cầu các cấp, ngành tập trung triển khai nhanh, quyết liệt để sớm đảm bảo cuộc sống ổn định cho người dân. Quá trình tìm hiểu nếu nguyên nhân gây ra sụt lún, nứt nhà dân do việc khai thác khoáng sản thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà con" - ông Trung yêu cầu.
- Quảng Nam: Mưa rất lớn gây sạt lở, ách tắc nhiều tuyến giao thông quan trọng
- Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví giặm Nghệ Tĩnh trở thành "di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại"
- COP29 đạt được thỏa thuận khởi động giao dịch tín chỉ carbon toàn cầu
- Vĩnh Phúc: Chuyển đổi xanh vì tương lai phát triển bền vững