Thảo luận

Ngày nay cùng với sự bùng nổ của Internet, Mobile, mạng xã hội… các dịch vụ ngân hàng hiện đại Internet banking, Mobile banking, SMS banking… bên cạnh những ưu điểm của ngân hàng kỹ thuật số mang lại cho khách hàng vẫn còn một số không ít khách hàng vẫn lo lắng và e ngại bởi do thiếu hiểu biết, sử dụng không đúng cách nên đã bị kẻ gian lợi dụng lừa đảo, gian lận thẻ tín dụng chiếm đoạt tiền. Nông thôn hiện chiếm 63% dân số, và 60% GDP của cả nước. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin, mạng Internet và các nền tảng công nghệ số như Zalo, Facebook, Viber, Tiktok… lượng nông dân sử dụng và tham gia vào không gian mạng ngày càng tăng cao nhằm thỏa mãn các nhu cầu về thông tin, giải trí, phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Tỷ lệ nông dân sử dụng mạng xã hội là hoạt động internet phổ biến nhất với 92% số người, trong đó Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất với 97% số người.

Qua khảo sát cho thấy, tỷ lệ nông dân sử dụng mạng xã hội là hoạt động internet phổ biến nhất với 92% số người; Facebook là mạng xã hội được sử dụng rộng rãi nhất với 97% số người. Ngân hàng, tài chính là một trong những lĩnh vực đang đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, người dân nói chung, nông dân nói riêng đang ngày càng tham gia sâu rộng vào các hoạt động này. Và theo đó, nhiều rủi ro trong lĩnh vực này cũng đã và đang tác động, ảnh hưởng đến nông dân, trong đó có tình trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản với nhiều phương thức, thủ đọan tinh vi, gây hoang mang, bức xúc trong xã hội. Hiện tượng này, cần được nhận diện, cảnh báo để góp phần phòng ngừa rủi ro cho hàng triệu nông dân đang có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm. Bài viết xin trao đổi một số nội dung xung quanh vấn đề này.

Hiện nay, Việt Nam có khoảng 70 triệu người sử dụng internet (khoảng gần 70% dân số) với trung bình 6,7 giờ truy cập internet mỗi ngày. Mạng xã hội đang dần trở thành dịch vụ nội dung thông tin được số người Việt Nam ưa chuộng nhất trên internet và chủ yếu được sử dụng thông qua điện thoại thông minh (85%).

Đáng chú ý hơn, ở khu vực nông thôn, trong khi 89% dân số sử dụng điện thoại di động, thì đã có 68% trong số đó sở hữu một chiếc điện thoại thông minh. Sự tăng trưởng nhanh chóng của các thiết bị kết nối, đặc biệt là điện thoại thông minh và máy tính bảng đang trở thành điều hiển nhiên ở nước ta. Tuy nhiên, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi và ưu thế trong phát triển và ứng dụng công nghệ số cũng đặt ra những thách thức vô cùng to lớn cho công tác bảo đảm an ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, trong đó có lĩnh vực ngân hàng, tài chính.

Theo các chuyên gia về công nghệ ngân hàng, hiện nay các nạn nhân phải đối diện với các rủi ro liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính trên không gian mạng trong thanh toán điện tử như sau:

Đánh cắp thông tin bảo mật như số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, mã PIN… để chiếm đoạt quyền sử dụng tài khoản ngân hàng điện tử/thẻ để trục lợi; đánh cắp thông tin truy cập dịch vụ của khách hàng: tên đăng nhập, mật khẩu truy cập dịch vụ internet banking, mật khẩu truy cập email cá nhân, mã xác nhận giao dịch một lần sau đó thực hiện việc giao dịch lấy cắp tiền của khách hàng dưới nhiều hình thức. - Lừa khách hàng tự chuyển tiền cho kẻ gian. Việc lừa lấy thông tin thường được kẻ gian thực hiện bằng cách thông báo về việc khách hàng đã trúng thưởng, được ngân hàng hoàn tiền và họ cần xác nhận để được nhận lại tiền hoặc giả danh bạn bè trên mạng xã hội để nhờ khách hàng chuyển tiền, nạp tiền điện tử trên các kênh ngân hàng kỹ thuật số vào tài khoản hay số điện thoại của kẻ gian để lấy cắp tiền.

Đối tượng lừa đảo lợi dụng giấy tờ bị thất lạc của khách hàng để thực hiện đăng ký mới/kích hoạt lại dịch vụ ngân hàng điện tử của khách hàng tại quầy để chiếm đoạt quyền sử dụng.

Các đối tượng còn sử dụng nhiều hình thức lừa đảo như hình chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân, sao chép thông tin chứng minh nhân dân thật để làm phiên bản giả rồi thay ảnh của chính mình vào để chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân.

Các đối tượng nghiên cứu thông tin trên CMND/CCCD như hình ảnh, tên tuổi, quê quán, nơi ở, giới tính... của nạn nhân rồi giả người của các cơ quan chức năng (công an, kiểm sát viên, thanh tra, tòa án…) gọi điện đến hù dọa hoặc mồi chài các khoản có lợi để nạn nhân mắc bẫy. Theo thống kê của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh này chiếm hơn 65% số vụ lừa đảo trên không gian mạng năm 2020.

Hiện nay các nạn nhân đối diện với các rủi ro liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính trên không gian mạng trong thanh toán điện tử như đánh cắp thông tin bảo mật như số tài khoản, mật khẩu, mã OTP, mã PIN…

Theo các chuyên gia về an ninh mạng, các kịch bản lừa đảo, gian lận phổ biến như:

Lừa đảo qua SMS (giả mạo tin nhắn SMS Brandname của chính ngân hàng);

Lừa đảo qua tài khoản Facebook Messenger (giả mạo người thân, người quen của khách hàng); hack tài khoản mạng xã hội (Zalo, Facebook…) của bạn bè, người thân của khách hàng và giả mạo bạn bè, người thân của khách hàng sau đó đề nghị khách hàng cung cấp thông tin, tự chuyển tiền tới tài khoản lừa đảo hoặc nhờ nhận tiền hộ sau đó dụ khách hàng truy cập vào link lừa đảo;

Lừa đảo qua điện thoại: Giả mạo là cán bộ ngân hàng, bưu điện, Công an, Tòa án, Hải quan… để gọi điện thông báo khách hàng có quà gửi, đã trúng thưởng hoặc tài khoản khách hàng phạm pháp, giao dịch lỗi, đề nghị khách hàng cung cấp thông tin bảo mật để xác thực hoặc đe dọa bắt khách hàng chuyển tiền;
Lừa đảo qua email (chủ yếu là gửi email chứa link độc hại). Các đối tượng sẽ gửi email cảnh báo giả tới email cá nhân của khách hàng với danh nghĩa là ngân hàng, từ đó yêu cầu khách hàng khai báo thông tin trên các đường dẫn độc được đính kèm email;

Đánh cắp thông tin từ website giả mạo (phishing website): Hacker tạo trang web với giao diện sao chép giống hệt website chính thống của ngân hàng và lừa người dùng truy cập để đánh cắp thông tin hoặc lây nhiễm mã độc.

Cơ quan chức năng đã đưa ra rất nhiều cảnh báo đến người dân về các hình thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Về phía người sử dụng dịch vụ, các lỗi thường gặp trong giao dịch trên không gian mạng liên quan đến lĩnh vực ngân hàng, tài chính:

Thiếu kiến thức về công nghệ thông tin nên lúng túng khi thực hiện các giao dịch dẫn đến những sơ hở, thiếu sót để kẻ xấu lợi dụng thực hiện hành vi lừa đảo.

Người dùng cho mượn tài khoản, bị lộ mật khẩu (do mật khẩu yếu, dùng chung mật khẩu, lưu mật khẩu không an toàn).

Thiếu các giải pháp mang tính chống chối bỏ giao dịch hoặc chỉ áp dụng với các giao dịch hạn mức rất lớn trong khi các phương thức xác thực truyền thống như username & password, SMS OTP dễ bị đánh cắp và vượt qua….

Mất cảnh giác với các giao dịch bất thường.

Tâm lý của nhiều người là muốn mọi giao dịch dễ dàng, sẵn sàng bỏ qua các biện pháp phòng tránh cần thiết. Nhiều người dân, nhất là nông dân thường nhẹ dạ, cả tin với các thông tin trên không gian mạng, thiếu kỹ năng phân tích, đánh giá rủi ro.

Không cập nhật, tìm hiểu những thông tin về phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng. Mặc dù các cơ quan chức năng và các cơ quan truyền thông đã thường xuyên tuyên truyền, thông báo, cảnh báo về hoạt động của tội phạm trên không gian mạng nhưng nhiều người vẫn trở thành nạn nhân của tội phạm do không quan tâm tìm hiểu về hoạt động của loại tội phạm này.

Thiếu kiến thức về pháp luật, không phân biệt được hành vi trái pháp luật do tội phạm thực hiện như các nguyên tắc giao dịch, làm việc của các cơ quan có thẩm quyền (ngân hàng, bưu điện, công an, tòa án, thanh tra…) nên bị tội phạm dẫn dụ, lừa đảo. 

Về phía các tổ chức tín dụng, ngân hàng

Ngân hàng thiết lập cơ chế giám sát quản lý rủi ro hiệu quả trong các hoạt động dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số.

Cần tuân thủ nguyên tắc đảm bảo an toàn thông tin khách hàng. Tại Điều 4 của Nghị định số 117/2018/NĐ-CP cũng quy định nguyên tắc giữ bí mật, cung cấp thông tin khách hàng. Thông tư số 35/2016/TT-NHNN ngày 29/12/2016 của Ngân hàng quy định về an toàn, bảo mật cho việc cung cấp dịch vụ ngân hàng trên internet đã quy định rõ trách nhiệm của các tổ chức tín dụng phải bảo vệ quyền lợi của khách hàng khi sử dụng dịch vụ, cụ thể bao gồm: Cung cấp thông tin dịch vụ Internet Banking trước khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Trong đó, bao gồm các điều kiện cần thiết về trang thiết bị sử dụng; cách thức truy cập dịch vụ; hạn mức giao dịch và các biện pháp xác thực giao dịch; các rủi ro liên quan đến sử dụng dịch vụ.

Hướng dẫn khách hàng sử dụng dịch vụ an toàn, bảo mật. Cung cấp cho khách hàng thông tin về đầu mối tiếp nhận thông tin, số điện thoại đường dây nóng và chỉ dẫn cho khách hàng quy trình, cách thức phối hợp xử lý các lỗi và sự cố trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Các cơ quan chức năng cần hoàn thiện khung pháp lý hoạt động tín dụng, ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số.

Tăng cường đầu tư hạ tầng kỹ thuật số, chất lượng nhân lực về công nghệ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng tại địa bàn nông thôn nhằm đảm bảo an ninh, bảo mật dữ liệu và ứng cứu xử lý kịp thời các tình huống phát sinh.

Cảnh giác trước các giao dịch bất thường, có dấu hiệu lừa đảo, kịp thời thông tin, can thiệp với khách hàng và các cơ quan chức năng (công an…) ngăn chặn kịp thời không để xảy ra hậu quả đáng tiếc.

Đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức cho khách hàng là nông dân; xây dựng đội ngũ giám sát và phân tích, cảnh báo rủi ro về gian lận; đào tạo đội ngũ chăm sóc khách hàng xử lý các trường hợp gian lận; xây dựng các kịch bản, quy trình, hướng dẫn ứng phó chi tiết với các sự cố về gian lận trực tuyến; xây dựng quy trình giám sát, cảnh báo các giao dịch gian lận; xây dựng quy trình kiểm soát chặt ngay từ khâu mở tài khoản tại quầy. Đặc biệt cần đẩy mạnh truyền thông qua đó giúp cho nông dân nâng cao hiểu biết trong quá trình sử dụng sản phẩm tài chính số, giảm thiểu rủi ro cho bà con.

Các ngân hàng cần cung cấp cho khách hàng thông tin về đầu mối tiếp nhận thông tin, số điện thoại đường dây nóng
và chỉ dẫn cho khách hàng quy trình, cách thức phối hợp xử lý các lỗi và sự cố trong quá trình sử dụng dịch vụ.

Về phía khách hàng là nông dân

Tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng cung cấp dịch vụ ngân hàng, đăng ký nhận tin thông báo thay đổi số dư giao dịch;

Không cung cấp thông tin bảo mật các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số (trừ khi khách hàng chủ động gọi đến hotline của ngân hàng) như: Mật khẩu truy cập, mật khẩu giao dịch một lần, mật khẩu truy cập địa chỉ email cá nhân… cho bất kỳ ai và bằng bất cứ hình thức nào.

Không truy cập các trang web không đáng tin cậy, hoặc nhập vào bất kỳ đường link nào yêu cầu cung cấp, cập nhật thông tin cá nhân và thông tin dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số. Không chọn chế độ lưu mật khẩu đăng nhập Internet Banking trên thiết bị sử dụng chung, trên máy tính công cộng…. Bảo vệ và thay đổi thường xuyên mật khẩu truy cập các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số để bảo vệ toàn bộ giao dịch của bản thân và cài đặt mật khẩu bảo đảm nguyên tắc an toàn. Đăng ký sử dụng dịch vụ nhận tin nhắn chủ động để nhận thông báo các biến động liên quan đến tài khoản cá nhân. Ưu tiên sử dụng máy tính cá nhân có cài đặt cập nhật các phần mềm diệt virus để truy cập các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số… Trong trường hợp bị lộ hoặc nghi ngờ bị lộ tên đăng nhập/ mật khẩu khách hàng cần nhanh chóng thông báo tới ngân hàng để được hỗ trợ kịp thời;

Thường xuyên theo dõi, cập nhật các cảnh báo về an toàn bảo mật trong thanh toán trực tuyến từ các ngân hàng cung cấp dịch vụ, từ các phương tiện truyền thông đại chúng. Thường xuyên cập nhật về các phương thức, thủ đoạn của tội phạm trên không gian mạng, qua đó có ý thức và kiến thức phòng ngừa rủi ro.

Người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo qua các dịch vụ ngân hàng điện tử. Mỗi người cần lường trước các kịch bản lừa đảo có thể xảy ra với mình và người thân, sẵn sàng thông báo cho cơ quan chức năng khi có những cuộc gọi, thư điện tử nghi ngờ gửi đến. Người dân cần thông báo nội dung vụ việc đến các tổ chức, cá nhân liên quan và trình bày rõ mình là nạn nhân của hành vi lừa đảo; đồng thời lập vi bằng để có cơ sở bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình... Bà con nông dân cũng cần quan tâm tìm hiểu, nâng cao hiểu biết về pháp luật để có thể phân biệt được những chức năng, nhiệm vụ, các qui định về trình tự, thủ tục đối với các cơ quan chức năng (công an, tòa án, thanh tra, ngân hàng…) khi làm việc và có các yêu cầu pháp lý với người dân với các hành vi lừa đảo qua không gian mạng.

Nông dân cần tuân thủ các quy định, hướng dẫn của các ngân hàng khi sử dụng dịch vụ ngân hàng, nâng cao cảnh giác
trước các thủ đoạn lừa đảo qua các dịch vụ ngân hàng điện tử.

Về phía Hội Nông dân

Là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam có vai trò và trách nhiệm trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi số, tham gia vào nền kinh tế số và phòng ngừa rủi ro trong giao dịch trên nền tảng kỹ thuật số nói chung, trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính nói riêng. Thời gian qua, Hội Nông dân các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân ứng dụng chuyển đổi số mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Trước những cơ hội và thách thức trong chuyển đổi số trên địa bàn nông thôn, Hội Nông dân có vai trò rất quan trọng giúp người dân tiếp cận được với những ưu thế của công nghệ số phục vụ thiết thực, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh và đời sống.

Về những rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính khi thực hiện chuyển đổi số, Hội Nông dân các cấp cần quan tâm một số nội dung sau đây:

Chú trọng nâng cao chất lượng công tác truyền thông qua đó giúp nông dân nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và những rủi ro trong quá trình chuyển đổi số tài chính, ngân hàng. Hoạt động tuyên truyền cần chú ý tuyên truyền, phổ biến cho bà con nhận biết các phương thức, thủ đoạn của tội phạm hoạt động trên không gian mạng; cách thức nhận diện những rủi ro để nâng cao cảnh giác. Hình thức tuyên truyền cần đa dạng, phong phú, đơn giản, cụ thể, dễ hiểu, dễ nhớ, dễ vận dụng, phù hợp với từng đối tượng, địa bàn.

Thông qua việc tổ chức các diễn đàn, hội nghị, hội thảo, tọa đàm trao đổi trực tiếp, trực tuyến để giúp cán bộ Hội và hội viên nông dân hiểu những vấn đề cơ bản của chuyển đổi số và những rủi ro trong giao dịch tài chính, ngân hàng trong quá trình chuyển đổi số.

Hội thảo "Chuyển đổi số ngân hàng, tài chính và cơ hội của nông dân" do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Ngân hàng Nhà nước tổ chức ngày 13/10/2023 vừa qua, có sự tham dự của các ngân hàng, nhà mạng viễn thông, cơ quan quản lý, cơ quan Công an.

Đẩy mạnh phối hợp với các cơ quan chức năng trong hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ nông dân trong nắm bắt các vấn đề cơ bản, quan trọng trong chuyển đổi số lĩnh vực ngân hàng, tài chính. Phối hợp xây dựng, bổ sung những qui định pháp lý về giao dịch tài chính, ngân hàng trong chuyển đổi số nhằm bảo vệ nông dân được an toàn hơn trước những hành vi xâm hại của tội phạm.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác