Con trai cố vấn Trung Quốc Vi Quốc Thanh và ký ức Điện Biên
Vào đầu những năm 1950, với tinh thần giúp bạn là tự giúp mình, Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc đã cử đoàn cố vấn quân sự do ông Vi Quốc Thanh làm trưởng đoàn sang giúp Việt Nam đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược.
Là con trai của tướng Vi Quốc Thanh, với ông Vi Tiêu Nghị, những ký ức về chiến trường Điện Biên vẫn vẹn nguyên trong tâm trí, dù chỉ được nghe qua lời kể của cha và chuyến thăm Việt Nam cách đây tròn 10 năm.
“Vốn chỉ được nghe về chiến dịch Điện Biên Phủ, sau khi đến tận nơi, tôi mới cảm nhận được hết sự dũng cảm ngoan cường và không ngại hy sinh của những người lính tiền tuyến chiến đấu lúc bấy giờ. Tôi cũng đã đến Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên Phủ, nơi đây có những hàng mộ liệt sĩ, khiến tôi có những cảm nhận vô cùng sâu sắc", ông Vi Tiêu Nghị chia sẻ.
Ông Vi Tiêu Nghị là con trai út của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, nguyên trưởng đoàn cố vấn quân sự Trung Quốc tại Việt Nam trong chiến dịch Điện Biên Phủ trong lần đến thăm vùng đất anh hùng này nhân kỷ niệm 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Khi đó, nhận lời mời của Bộ Quốc phòng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, Đoàn thân nhân gia đình các cựu chuyên gia, cố vấn Trung Quốc đã sang thăm Việt Nam từ ngày 22-29/4/2014. Trong đoàn còn có mẹ ông - bà Hứa Kỳ Sảnh, phu nhân của Thượng tướng Vi Quốc Thanh, khi ấy đã 84 tuổi.
Ông Vi Tiêu Nghị nhớ lại, những ngày ở Điện Biên, đoàn đã đi thăm di tích Mường Phăng, nơi đặt sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ, trong đó có phòng làm việc là những ngôi nhà lá đơn sơ của cha ông và Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tới viếng liệt sĩ tại Nghĩa trang A1; thăm tượng đài Chiến thắng và một số di tích khác.
Đến nay, ở nhà ông vẫn lưu giữ một kỷ vật là ống cắm bút được làm từ vỏ một quả đạn pháo có ghi dòng chữ “Chiến sĩ Điện Biên Phủ”. Nhắc đến chuyến đi Việt Nam, ông lại nhớ về những câu chuyện chiến đấu và cả những hy sinh mất mát khi cha ông sát cách cùng quân và dân Việt Nam.
“Bố tôi kể rằng, miền Bắc Việt Nam thời đó chưa có xe, di chuyển chủ yếu bằng ngựa. Trong một lần khi đang cưỡi ngựa, đoàn cố vấn bị máy bay Pháp phát hiện và không kích. Một đồng chí trong đoàn đã hy sinh chỉ cách cha tôi vài mét", ông Nghị kể lại.
Sinh ra sau năm 1960, dù không được tận mắt chứng kiến chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng qua lời kể của cha, ông vẫn luôn khâm phục tinh thần chiến đấu quả cảm của quân và dân Việt Nam.
Theo ông, chiến thắng Điện Biên Phủ luôn mang một ý nghĩa đặc biệt với Việt Nam, quân đội Việt Nam và cả thế giới.
"Chiến thắng Điện Biên Phủ đã buộc quân đội Pháp phải rút khỏi Đông Dương. Việt Nam đã giành được thắng lợi trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Quân đội nhân dân Việt Nam được bồi dưỡng lớn mạnh và từng bước chuyển từ du kích sang quân chính quy, đặt nền móng cho thắng lợi sau này trước đế quốc Mỹ và giải phóng hoàn toàn Việt Nam. Chiến thắng ấy cũng đóng vai trò cổ vũ to lớn đối với phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới", ông Vi Tiêu Nghị cho biết.
Để ghi nhận những đóng góp của đoàn cố vấn vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, ngày 2/9/1953, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước ta đến nơi ở của đoàn cố vấn Trung Quốc để trao Huân chương Hồ Chí Minh cho các ông Vi Quốc Thanh, La Quý Ba, biểu dương tinh thần quốc tế vô sản của các ông trong đoàn cố vấn, cảm ơn sự giúp đỡ mà Đảng Cộng sản, Chính phủ Trung Quốc đã dành cho Việt Nam.
Theo TTXVN/Vietnam+
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước