Công bố 61 địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịc Quốc gia trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Ngày 13/6/2024, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Mục tiêu tổng quát của Quy hoạch đến năm 2025, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn, có năng lực phát triển du lịch cao trên thế giới. Đến năm 2030, du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, phát triển theo hướng tăng trưởng xanh; trở thành điểm đến có năng lực phát triển hàng đầu thế giới.
Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 phê duyệt Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa ban hành xác định ưu tiên đầu tư đồng bộ và nâng cao chất lượng các Khu du lịch quốc gia đã được công nhận, đồng thời quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng, thu hút đầu tư cơ sở vật chất để thúc đẩy các địa điểm tiềm năng phát triển Khu du lịch quốc gia. Đây là định hướng quan trọng trong quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam thời gian tới.
Tính đến tháng 5/2024 đã có 9 Khu du lịch quốc gia được công nhận gồm Khu DLQG Tuyền Lâm (Lâm Đồng) năm 2017; Khu DLQG Sa Pa (Lào Cai) năm 2017; Khu DLQG Núi Sam (An Giang) năm 2018; Khu DLQG Trà Cổ, Móng Cái (Quảng Ninh) năm 2019; Khu DLQG Mũi Né (Bình Thuận) năm 2020; Khu DLQG Đền Hùng, Tp Việt Trì (Phú Thọ) năm 2020;; Khu DLQG Tam Đảo (Vĩnh Phúc) năm 2022; Khu DLQG Mộc Châu (Sơn La) năm 2024; Khu DLQG Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) năm 2024.
Quy hoạch hệ thống du lịch thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định các địa điểm tiềm năng phát triển Khu DLQG trong thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 gồm có 61 địa điểm phân bố tại 6 vùng du lịch. Tại Phụ lục 1, Danh mục các địa điểm tiềm năng phát triển Khu DLQG ban hành kèm với Quyết định 509/QĐ-TTg ngày 13/6/2024 đã liệt kê cụ thể như sau:
Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có 15 địa điểm tiềm năng: Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang), Ô Quy Hồ (Lai Châu), Điện Biên Phủ - Pá Khoang (Điện Biên), Hồ Sơn La (Sơn La), Cao nguyên Sìn Hồ (Lai Châu), Thác Bà (Yên Bái), Mù Cang Chải (Yên Bái), Hồ Hòa Bình (Hòa Bình), Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng), Ba Bể (Bắc Kạn), Tân Trào (Tuyên Quang), Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang), Mẫu Sơn (Lạng Sơn), Núi Cốc (Thái Nguyên), Vườn quốc gia Xuân Sơn (Phú Thọ).
Công viên địa chất toàn cầu Non nước Cao Bằng (Cao Bằng) được xác định có tiềm năng trở thành Khu Du lịch quốc gia.
Vùng đồng bằng sông Hồng có 11 địa điểm tiềm năng: Ba Vì (TP. Hà Nội), Khu di tích thắng cảnh Hương Sơn (TP. Hà Nội), Khu vực Hồ Hoàn Kiếm - phụ cận và khu phố cổ Hà Nội (TP. Hà Nội), Cát Bà (TP. Hải Phòng), Vân Đồn - Cô Tô (Quảng Ninh), Yên Tử - Uông Bí (Quảng Ninh), Hồ Đại Lải (Vĩnh Phúc), Côn Sơn - Kiếp Bạc (Hải Dương), Tràng An (Ninh Bình), Kênh Gà - Vân Trình (Ninh Bình), Tam Chúc (Hà Nam).
Vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung có 17 địa điểm tiềm năng: Sầm Sơn - Hải Tiến (Thanh Hóa), Kim Liên, (Nghệ An), Vinh - Diễn Châu (Nghệ An), Thiên Cầm (Hà Tĩnh), Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình), Cửa Việt - Cửa Tùng - Cồn Cỏ (Quảng Trị), Lăng Cô - Cảnh Dương (Thừa Thiên Huế), Sơn Trà (TP. Đà Nẵng), Bà Nà (TP. Đà Nẵng), Cù Lao Chàm (Quảng Nam), Lý Sơn (Quảng Ngãi), Mỹ Khê (Quảng Ngãi), Phương Mai (Bình Định), Vịnh Xuân Đài (Phú Yên), Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), Vịnh Vân Phong (Khánh Hòa), Ninh Chữ (Ninh Thuận).
Vùng Tây Nguyên có 5 địa điểm tiềm năng: Măng Đen (Kon Tum), Biển Hồ - Chư Đăng Ya (Gia Lai), Yok Don (Đắk Lắk), Hồ Tà Đùng (thuộc Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông (Đắk Nông), Đan Kia - Suối Vàng (Lâm Đồng).
Vùng Đông Nam Bộ có 5 địa điểm tiềm năng: Cần Giờ (TP. Hồ Chí Minh), Long Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu), Hồ Trị An (Đồng Nai), Núi Bà Đen (Tây Ninh), Bà Rá - Thác Mơ (Bình Phước).
Vùng đồng bằng sông Cửu Long có 8 địa điểm tiềm năng: Ninh Kiều (TP. Cần Thơ), Thới Sơn (Tiền Giang), Mang Thít (Vĩnh Long), Lung Ngọc Hoàng (Hậu Giang), Tràm Chim (Đồng Tháp), Hà Tiên (Kiên Giang), Nhà Mát - Bạc Liêu (Bạc Liêu), Mũi Cà Mau (Cà Mau).
Ngoài ra, giai đoạn sau năm 2030 sẽ tiếp tục nghiên cứu bổ sung các địa điểm như Y Tý, Bắc Hà (Lào Cai), Tủa Chùa (Điện Biên), Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hồ Đồng Mô (Hà Nội), Pù Luông và Bến En (Thanh Hóa) và các địa điểm khác có tiềm năng vào danh mục.
Theo Quy hoạch, sẽ xây dựng tiêu chuẩn và thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch; công bố và thực hiện chuẩn trường để nâng cao năng lực đào tạo, bồi dưỡng du lịch từng bước hội nhập tiêu chuẩn nghề trong khu vực. Tăng cường hợp tác, liên kết với các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và quốc tế, giữa cơ sở đào tạo với doanh nghiệp du lịch để phát triển nguồn nhân lực du lịch, đáp ứng nhu cầu đào tạo của các doanh nghiệp.
Quy hoạch cũng thể hiện sự đa dạng các hình thức đào tạo như đào tạo chính quy và đào tạo nghề; đào tạo bổ sung, đào tạo ngắn hạn; chú trọng đào tạo bổ sung kiến thức, kỹ năng mới và tăng cường đào tạo tại doanh nghiệp, cho cộng đồng tham gia kinh doanh du lịch. Nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, giáo trình và tài liệu giảng dạy cho các cơ sở đào tạo du lịch.
Đây là một cơ hội lớn cho các hộ nông dân tại các địa điểm quy hoạch có thể có những sự chuẩn bị phù hợp, nắm bắt thời cơ để chuyển đổi mô hình sản xuất kinh doanh sang làm du lịch hoặc các ngành nghề phụ trợ du lịch, đem lại những chuyển biến tích cực về kinh tế cho gia đình và địa phương.