Công đoàn đề xuất lương tối thiểu vùng năm 2024 tăng cao nhất ở mức 7,3%
Sáng nay (20/12), tại Hà Nội, Hội đồng Tiền lương Quốc gia họp phiên thứ 2 để tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng năm 2024.
Trao đổi trước khi diễn ra phiên họp, ông Ngọ Duy Hiểu, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết tại phiên họp lần này, phía đại diện cho người lao động đưa ra 2 phương án tăng lương tối thiểu vùng 7,3% và 6,48%; thời điểm tăng lương tối thiểu từ 1/7/2024.
Lý giải cho hai phương án được đưa ra, ông Ngọ Duy Hiểu cho biết hai phương án trên được đưa ra trên cơ sở đánh giá tình hình kinh tế, xã hội, cân nhắc nhiều mặt, gồm cả trách nhiệm chia sẻ với người sử dụng lao động.
Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng hiện tình hình kinh tế xã hội có dấu hiệu tốt hơn, cuối năm đơn hàng của doanh nghiệp tăng hơn; tăng trưởng chung khả quan hơn trong bối cảnh chung của thế giới.
Về thời điểm tăng lương từ ngày 1/7/2024, đại diện tổ chức công đoàn chỉ ra rằng việc lùi một khoảng thời gian cũng là yếu tố cần phải nâng mức tăng để bù đắp cho người lao động. Bên cạnh đó, việc tăng lương tối thiểu vùng cùng với thời điểm tăng lương ở khu vực công, đảm bảo tính đồng bộ ở cả hai khu vực.
Cũng đồng tình với việc phải tăng lương tối thiểu vùng năm 2024, tuy nhiên theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) mức tăng thế nào cần thương lượng, đàm phán, hài hòa các bên. Để có mức tăng cụ thể, các cơ quan liên quan sẽ cân đối chỉ số giá tiêu dùng, năng lực sản xuất, chi trả và nhiều điều kiện khác.
Ông Phòng nhấn mạnh thực tế thị trường còn khó khăn cả trong nước và quốc tế, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, tình hình quốc tế ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng, đơn hàng của doanh nghiệp giảm, việc làm của người lao động bị giảm. Doanh nghiệp thoát ly khỏi thị trường vẫn còn nhiều.
Đại diện doanh nghiệp cũng khẳng định mặc dù khó khăn nhưng không thể không điều chỉnh tiền lương. Bên cạnh giữ việc làm, doanh nghiệp cũng phải tính đến điều chỉnh chế độ cho người lao động căn cứ với sức chịu đựng, năng lực chi trả của doanh nghiệp./.
Theo TTXVN/Vietnam+