Đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao thu nhập cho nông dân
Mở rộng quy mô chăn nuôi
Với bản tính cần cù, ham học hỏi, vượt qua những khó khăn của buổi ban đầu khi mới lập nghiệp, đến nay, gia đình anh Pi Năng Phố, xã Phước Thắng, huyện Bác Ái đã có cuộc sống ổn định, nhờ vào thu nhập từ việc đầu tư chăn nuôi bò và nuôi heo rừng lai heo đen. Nhận thấy vùng quê mình ở có tiềm năng về đất đai, nhưng chưa khai thác hiệu quả, anh đã bàn bạc với người thân và quyết định tận dụng diện tích ruộng vườn sẵn có của gia đình quy hoạch lại để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi bò.
Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ Hỗ trợ Nông dân, anh đã đầu tư vào chăn nuôi bò với diện tích chuồng trại là 50m² và trồng thêm cỏ voi xanh để chủ động được nguồn thức ăn phục vụ chăn nuôi và giúp giảm chi phí đầu tư. Nhờ đảm bảo các quy trình chăn nuôi, đàn bò của gia đình anh phát triển tốt, sau khi trừ đi các khoản chi phí, thu về hơn 200 triệu đồng/năm.
Nhận thấy trên địa bàn xã việc trồng trọt không đạt hiệu quả cao, người dân không mặn mà với sản xuất, vì vậy, anh Pi Năng Phố đã thuê lại diện tích đất trồng để mở rộng quy mô chăn nuôi. Nói là làm, anh đã mạnh dạn trồng thêm cỏ và mở rộng diện tích chuồng nuôi, trang trại bò của anh hiện có hơn 20 con. Anh Phố chia sẻ: Từ khi được Hội Nông dân vận động, hướng dẫn tham gia vào học lớp Trung cấp Thú y 22 tháng do trường Trung cấp Nông dân Việt Nam tổ chức, được học về kỹ năng phòng và chữa bệnh cho gia súc, gia cầm, được tiếp thu kiến thức từ lớp học, đàn gia súc của gia đình anh nuôi đã ít bệnh hơn, công việc chăn nuôi ngày càng phát triển.
Phát triển chăn nuôi luôn là ưu tiên hàng đầu của địa phương trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trong đó chăn nuôi bò chính là thế mạnh với tổng đàn hiện có trên 20.000 con. Việc phát triển chuỗi giá trị chăn nuôi bò không chỉ phù hợp với điều kiện tự nhiên của địa phương, mà sẽ góp phần thay đổi nhận thực, tập quán chăn nuôi theo kiểu du mục của đồng bào Raglai xưa nay, hướng đến việc chăn nuôi tập trung, tăng chất lượng đàn và giá trị sản phẩm. Hiện nay, các tổ chăn nuôi bò ở Bác Ái đều đã được tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi, xây dựng chuồng trại, chuyển đổi giống bò nuôi…
Công tác đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực
Huyện Bác Ái xác định chăn nuôi là ngành kinh tế chủ lực, do vậy việc kết hợp giữa hình thức chăn nuôi theo mô hình nông hộ để dần chuyển hướng từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung theo quy mô gia trại, trang trại thời gian qua được địa phương chú trọng, nhờ đó tổng đàn gia súc của huyện tăng nhanh qua từng năm.
Ông Sầm A Tắc ở thôn Tà Lú 2, xã Phước Đại đầu tư trồng 2ha cỏ voi để chăn nuôi 90 con bò, mỗi năm cho thu nhập gần 400 triệu đồng. Ông Tắc chia sẻ: Tận dụng lợi thế rẫy gần mương nước, tôi quyết định trồng cỏ và chuyển sang chăn nuôi theo hình thức bán chăn thả, lợi nhuận cao hơn nhiều lần so với chăn nuôi theo hình thức truyền thống. Ông Tắc chia sẻ: Nhờ được tham gia các lớp tập huấn do Hội Nông dân tổ chức mà tôi đã chuyển đổi từ trồng cây kém hiệu quả sang chăn nuôi.
Ông Nguyễn Văn Tính, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận cho biết: Bác Ái là huyện nghèo của tỉnh Ninh Thuận, được hỗ trợ theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, cùng với các chính sách hỗ trợ của nhà nước, Hội Nông dân hết sức quan tâm đến hội viên. Trong những năm qua, Hội Nông dân tỉnh Ninh Thuận đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ để nông dân, đồng bào dân tộc vùng miền núi khó khăn vươn lên thoát nghèo.
Một trong những nội dung quan trọng đó là nâng cao kiến thức, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nông dân chủ động sản xuất, đầu tư có hiệu quả và vươn lên thoát nghèo bền vững. Bác Ái, là huyện miền núi vì vậy có nhiều lợi thế trong phát triền ngành nghề chăn nuôi, trong đó khâu hết sức quan trọng là chăm sóc và thú y, chính vì vậy, năm 2020 Hội Nông dân tỉnh đã phối hợp với Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam mở lớp Trung cấp chuyên ngành Thú y (gần 2 năm) cho 35 hội viên nông dân đa số học viên là đồng bào dân tộc thiểu số. Lớp được tổ chức trong điều kiện thực hiện giãn cách xã hội dài ngày. Tuy nhiên, Trường đã sắp xếp để giáo viên dạy trực tuyến kết hợp trực tiếp và đã tổ chức thi, cấp bằng, cấp giấy chứng nhận cho 28 học sinh đủ điều kiện tốt nghiệp.
Về kết quả đào tạo, hầu hết học viên tiếp thu rất tốt kiến thức, nhiều học viên được đánh giá xếp loại khá giỏi. Đến nay đã có nhiều học viên vận dụng rất tốt vào sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi huyện Bác Ái trước năm 2020 có rất ít hội viên đạt danh hiệu Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, nhưng đến năm 2022 thì đã xuất hiện nhiều, một số còn đạt đến danh hiệu cấp tỉnh, cấp Trung ương. Như vậy, có thể nói công tác đào tạo nghề đã mang lại hiệu quả thiết thực giúp tăng thu nhập nông dân, cuộc sống của đồng bào nơi đây đã có bước phát triển mạnh mẽ, mở hướng phát triển tích cực trong tương lai.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi