Cuộc gặp bất ngờ của phóng viên chiến trường ở hai đầu Nam - Bắc ngày giải phóng
Người về từ Lộc Ninh, chứng kiến nội các Dương Văn Minh đầu hàng
Ông Nguyễn Đức Giáp (sinh năm 1934) - phóng viên thường trú của Việt Nam thông tấn xã tại Trung ương Cục, ông vốn là người rất giỏi ngoại ngữ (5 ngoại ngữ). Năm 1964 ông được tổ chức cử đi B và thường trú tại Trung ương Cục (căn cứ Lộc Ninh, Bình Phước). Trong những năm kháng chiến chống Mỹ gian khổ, ông thường xuyên bám sát tình hình, viết bài và đưa tin về chiến sự.
Sáng 30/4/1975, nghe tin các cánh quân đang thần tốc tiến vào Sài Gòn, ông lập tức lấy chiếc xe máy của đơn vị giao cho rồi cùng một phóng viên ảnh chạy thẳng vào Sài Gòn. Sau một hồi loanh quanh các phố, trưa 30/4 ông đã có mặt tại Dinh Độc Lập.
Ông Nguyễn Đức Giáp (ngồi sau) trên đường từ Lộc Ninh về Sài Gòn sáng ngày 30/04/1975.
Lúc này các phóng viên của Thông tấn xã như Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng… đi theo các cánh quân từ miền Bắc chưa vào tới nơi. Ông Nguyễn Đức Giáp đã chứng kiến cảnh nội các Dương Văn Minh đầu hàng vào những giây phút đầu tiên khi quân ta chiếm lĩnh Dinh Độc lập.
Ông có giữ một vật kỷ niệm của ngày chiến thắng đó là chiếc bật lửa có dòng chữ “Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu thân tặng” do ông lấy được trong phòng họp của Chính phủ Việt Nam Cộng hòa. Hiện tại chiếc bật lửa này nằm trong phòng trưng bày của Thông tấn xã Việt Nam để vinh danh những hoạt động của các phóng viên chiến tranh.
Nội các chính quyền Sài Gòn chiều 30/04/1975, ảnh do ông Nguyễn Đức Giáp chụp lần đầu công bố.
Mấy ngày sau, ông Nguyễn Đức Giáp được mời tham gia Ủy ban Quân quản thành phố. Lúc này ông và các nhà báo Trần Mai Hạnh, Trần Mai Hưởng về Việt tấn xã (cơ quan Thông tấn xã của Việt Nam Cộng hòa) để tiếp quản những máy móc và tìm cách sử dụng luôn. Ông kể lại những máy móc này rất hiện đại, chúng ta chưa kịp làm quen, nên lại phải mang các máy điện tín ở căn cứ về tiếp tục dùng. Năm 1998, ông Giáp đã về hưu ở cương vị Phó Tổng Biên tập Thông tấn xã Việt Nam.
Cuộc hội ngộ Nam - Bắc bất ngờ
Cũng trong sáng 30/4/1975 đó, rất nhiều phóng viên từ mọi hướng tràn vào thành phố Hồ Chí Minh. Sáng 30/4 nhà thơ, nhà báo Anh Ngọc - phóng viên báo Quân đội Nhân dân cùng đồng nghiệp là Hà Đình Cẩn ở Phan Thiết cùng lên chiếc xe đò chạy thẳng vào Sài Gòn. Nhà báo Anh Ngọc cho biết lúc đó tiền công tác có 40 đồng được chuyển sang thành 4.000 đồng tiền Việt Nam Cộng hòa. Đó là một số tiền lớn vào thời điểm đó.
Khi vào tới Sài Gòn ông được một người bạn cho mượn một chiếc xe Hon - đa cũ. Anh Ngọc ngồi trên xe nổ máy tập đi. Đi thì rất thích nhưng không biết cách dừng nên cứ chạy đi mãi cho lúc hết xăng mới dừng xe được. Thân xe có một lỗ thủng nhỏ, dầu luyn chảy ra rất nhiều nên nhà báo Anh Ngọc dắt xe máy vào một cửa hàng sửa chữa, lấy giẻ nhét vào lỗ thủng. Ông thợ vừa nhét giẻ vào lỗ thủng vừa cười nói: “À! Đây là xe của nhà thơ Du Tử Lê, tôi nhận ra nó ngay vì lỗ thủng này”. Anh Ngọc nói có biết thơ của Du Tử Lê - một nhà thơ miền Nam - và đọc cho ông ta nghe thơ của Du Tử Lê. Người thợ sửa chữa xe máy lẩm bẩm nói: “Đúng là nhà báo Việt Cộng có khác, ở tận ngoài kia mà cũng biết thơ Du Tử Lê”.
Hôm sau với chiếc xe máy tập tàng này, Anh Ngọc đi sang Việt tấn xã gặp các đồng nghiệp và tình cờ gặp lại người em họ của mình là ông Nguyễn Đức Giáp, hai người là anh em con chú, con bác. Thân phụ của nhà thơ Anh Ngọc là Nhà Hán học Nguyễn Đức Vân (là anh cả), còn thân phụ của Nguyễn Đức Giáp là Nhà phê bình Văn học Nguyễn Đức Bính (là em út).
Cuộc gặp gỡ không hẹn thật kỳ diệu và cũng thật đặc biệt. Sau 10 năm không tin tức, hai anh em - hai phóng viên trên hai tuyến lửa bất ngờ gặp nhau giữa ngày đầu tiên của Sài Gòn giải phóng. Họ ôm chầm lấy nhau và hàn huyên không ngớt.
Tổng thống Dương Văn Minh chiều 30/04/1975, ảnh do ông Nguyễn Đức Giáp chụp lần đầu công bố.
Anh Ngọc kể cho nhà báo Nguyễn Đức Giáp tình hình quê hương, bà con ai còn, ai mất. Hai hôm sau Anh Ngọc chia tay người anh em của mình rồi tiếp tục ra Côn Đảo để thực hiện những phóng sự tại hòn đảo địa ngục trần gian của chế độ cũ, nay đã trở về với nhân dân.
Sau này nhớ lại kỷ niệm cũ cách đây hơn 40 năm, nhà thơ Anh Ngọc nói vui: “Ngày đầu vào Sài Gòn thấy máy ghi âm nhỏ tẹo trông thích quá, tôi muốn mua một cái để tác nghiệp nhưng số tiền 4.000 đồng đã tiêu sạch nên hỏi vay chú Giáp. Nhưng chú ấy trả lời vui rằng:”Chúng tôi sống bằng lý tưởng chứ không có tiền”. Sau một hồi chạy vạy tôi cũng kiếm được một cái ghi âm nhỏ và cuối cùng chiếc máy này đã dùng để phỏng vấn anh Lê Quang Vịnh - tử tù đầu tiên vừa ra khỏi Côn Đảo. Những kỷ niệm cuộc gặp gỡ của hai anh em nhà báo giữa Sài Gòn ngày chiến thắng không bao giờ có thể quên được”.
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước