Cuối mùa mưa, cây bơ “ước mơ” được bón phân Văn Điển
Độ pH thích hợp với cây bơ từ 5 – 6, nhưng trên đất đỏ bazan ở Tây Nguyên (địa phương trồng nhiều bơ nhất nước ta) độ pH thường dưới 4,5. Để cây bơ phát triển tốt, nhà nông nên bón vôi hoặc phân lân có vôi hàm lượng cao như phân lân nung chảy Văn Điển.
Theo phân tích của kỹ sư Nguyễn Xuân Thự, nguyên cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Bình, chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm hướng dẫn sử dụng phân bón cho cây trồng, bơ là cây ăn trái lưu niên, thời gian kiến thiết cơ bản thường là 3 năm (trồng bơ ghép) đến năm thứ 4 trở đi cây cho thu trái, từ năm thứ 7 về sau đến năm thứ 20 là thời kỳ cho năng suất cao nhất.
Giai đoạn trồng mới (kiến thiết cơ bản), cây bơ sử dụng dinh dưỡng không nhiều, thành phần dinh dưỡng chính là đạm (N), sau đó là lân (P2O5), riêng kali (K) cây cần rất ít. Các chất dinh dưỡng như canxi, magie, silic, lưu huỳnh và vi lượng cây cần ít chủ yếu khai thác từ đất.
Giai đoạn kinh doanh, cây bắt đầu có nhu cầu cao về hấp thụ dinh dưỡng từ đất do nuôi trái, cây càng cho nhiều trái thì nhu cầu dinh dưỡng càng lớn, đồng thời dinh dưỡng để cấu tạo thân, cành, lá theo độ lớn hàng năm của tuổi cây.
Các công trình nghiên cứu trên thế giới cũng như trong nước đều xác định cây bơ cần các loại dinh dưỡng thiết yếu sau đây:
Nhu cầu đạm (N):
Đạm là yếu tố dinh dưỡng cây cần liên tục từ khi còn cây con đến khi trường thành và cuối cùng là già cỗi, tuy nhiên đạm cần nhiều nhất vào thời kỳ kinh doanh, N giúp cho cây sinh trưởng phát triển, tái tạo chính trong quá trình hình thành, phát triển trái, tuy nhiên nếu cung cấp quá thừa đạm, cây yếu, lá mỏng tích nước hạn chế quang hợp, ảnh hưởng đến năng suất trái, sức đề kháng sâu bệnh giảm. Trái lại thiếu đạm lá bé, cây còi cọc, trái nhỏ, năng suất thấp, cây yếu nhanh già cỗi.
Nhu cầu lân (P2O2)
Cây bơ cần lân nhiều ở thời kỳ trồng mới, lân có vai trò kích thích ra rễ mới, rễ cọc, rễ bên và rễ tơ để lấy dinh dưỡng cho cây phát triển khỏe bởi vậy nhất thiết khi trồng phải bón phân lân, gửi lân vào lớp đất sâu cung cấp thức ăn cho rễ cọc, rễ bén, đến thời kỳ cho trái thì cây bơ cần nhiều lân nhất vào thời kỳ phục hồi sau thu trái, tái tạo bộ rễ tơ mới, đồng thời lân giúp cho ra bông, thụ phấn, đậu trái và trái lớn. Đất đỏ bazan Tây Nguyên thiếu lân (P2O5) nghiêm trọng cho nên phải bón lân cho cây để giành năng suất.
Nhu cầu kali (K2O)
Cây bơ cần nhiều kali nhất vào giai đoạn mang trái, nuôi trái lớn, trái vào thời kỳ chín. Thiếu kali trái bé, ít thịt trái, tỷ lệ mỡ trong thịt trái giảm, đồng nghĩa với chất lượng thấp. Đủ kali trái to đầy đủ, vỏ trái bóng đẹp, chín đồng đều cho năng suất, chất lượng cao.
Nhu cầu vôi (CaO)
Vôi có tác dụng đầu tiên là nâng cao độ pH cho đất, đất đỏ bazan chua pH < 4,5, bón vôi hoặc phân lân vôi đưa pH lên từ (5 – 6) phù hợp nhu cầu cầu của cây bơ, bộ rễ tơ phát triển tốt, đất thông thoáng trao đổi không khí tốt hơn. Vôi còn có tác dụng như một loại thức ăn của cây để cấu tạo chất keo nhựa trong trái dẻo, thơm, đồng thời tạo điều kiện tốt cho sự quang hợp của lá.
Nhu cầu Magie (MgO)
Magie là nhân tố chính cấu tạo diệp lục của lá, bơ là loại cây có bộ lá quang hợp ánh sáng nhiều để cho lượng trái lớn, nếu đầy đủ magie thì lá dày, xanh đậm, bền lá, quang hợp tổng hợp dinh dưỡng chuyển về trái tốt, cho năng suất cao. Trái lại, thiếu magie lá quăn queo, tuổi thọ lá thấp, nhiều lá vàng, tỷ lệ rụng trái cao, giảm năng suất. Đất trồng bơ hiện nay hầu hết thiếu magie, bởi vậy phân bón chứa magie như phân Văn Điển rất tốt cho cây bơ.
Nhu cầu lưu huỳnh (S)
Cho đến nay, chưa thấy rõ vai trò của S trong dinh dưỡng cây bơ, nhưng các vùng đất thừa S ở mức gần 100 ppm thì không lợi cho cây, bón phân SA, Supe lân không tốt cho cây bơ vì độ chua cao, hàm lượng S cũng cao.
Nhu cầu vi lượng (Bo, kẽm, đồng, sắt…)
Cây bơ có hàm lượng vitamin rất giàu trong trái, vậy chúng cũng hấp thụ rất nhiều lượng đặc biệt 2 chất là bo (B) và kẽm (Zn). Hai dưỡng chất này hiện tại trên đất đỏ bazan rất thiếu. Những loại phân chứa bo và kẽm cao như phân bón Văn Điển đều tốt cho cây bơ.
Kỹ thuật bón phân bón Văn Điển giúp cây bơ đạt hiệu quả cao
Nhiều năm nay, bà con Tây Nguyên sử dụng phân bón Văn Điển thâm canh bơ rất hiệu quả, tạo nên bước đột phá năng suất, chất lượng cho cây bơ. Hiện nay đã vào cuối mùa mưa ở Tây Nguyên (cuối mùa mưa bắt đầu từ tháng 8 đến tháng 11 dương lịch). Đây cũng là thời vụ trồng mới cây bơ và cũng là giai đoạn sau thu trái cho bơ kinh doanh. Kỹ sư Nguyễn Xuân Thự gợi ý bà con nông dân sử dụng phân bón cho cây bơ theo công thức đã được thực tế kiểm chứng có hiệu quả cao như sau:
Bón phân Văn Điển cho bơ trồng mới
Chọn các giống bơ cao sản, chất lượng cao để trồng như Booth7, Bơ sáp 034, bơ Reed, tùy theo mục đích trồng trần hay trồng xen cà phê để xác định mật độ cho phù hợp. Tiến hành đào hố trồng có kích thước 60x60x60cm, mỗi hố dùng lớp đất mặt trộn đều với 10 – 15kg phân chuồng hoai mục (hoặc 7 – 10kg phân vi sinh) + 1,5 – 2,0kg phân lân nung chảy Văn Điển, khi trồng bà con cần nhẹ tay tránh làm đứt rễ bầu, vỏ bầu, đặt bầu vào chính giữa hố, nén nhẹ phần đất xung quanh để cố định bầu, dùng dao hoặc kéo cắt tỉa ni lon từ trên xuống dưới, lấp đất và tiếp tục nén nhẹ đồng thời rút hết phân tán nilon ra ngoài, lấp đất đã trộn phân vào đáy hố đồng thời dùng chân dập nhẹ xung quanh để nén đất, đặt mặt bầu ngang bằng mặt đất cho dễ thoát nước.
Năm thứ nhất: Sau trồng 20 ngày tiến hành bón thúc sử dụng phân đa yếu tố (ĐYT) NPK 12.5.10 mỗi hố từ 200 – 300g. Sau đó tưới nước nếu trời khô hanh. Sau đó cách 30 – 40 ngày bón 1 lần lượng bón như trên.
Năm thứ hai: Tiếp tục dùng ĐYT NPK 12.5.10, lượng bón 1,0-1,2kg/gốc, chia bón 5 lần, 3 lần vào mùa mưa, 2 lần vào mùa khô, khi bón cần tưới nước. Các lần bón phân cách gốc 15 -20cm, dùng đất hoặc cỏ lá khô phủ kín phân.
Năm thứ 3 trở đi: Nếu bơ ghép thì năm thứ 3 đã cho trái chỉ để 1 – 2 trái/ cành, sau đậu quả đến thu hoạch (5 – 6 tháng), bón 3 đợt, mỗi đợt bón 0,5 – 1,0kg ĐYT NPK 12.5.10.
Bón phân Văn Điển cho bơ kinh doanh
Sau khi thu hoạch trái 20 – 25 ngày tiến hành vệ sinh vườn, cắt tỉa cành vượt, tạo tán, tiến hành bón phân cho cây bơ. Tùy theo độ tuổi của cây, thổ nhưỡng mức cho trái vụ trước để xác định lượng phân bón. Đào rạch quanh hình chiếu tán cây kích thước rộng 20cm, sâu 15cm, đưa đất rạch lên mặt đất, trộn đều 10 – 15kg phân hữu cơ + 1,5 – 2,0kg lân nung chảy Văn Điển + 0,5 – 0,8 kg/gốc ĐYT NPK 5.10.3 có thành phần dinh dưỡng: N =5%, P2O5 = 10%; K2O = 3%; CaO = 15%; MgO = 9%; SiO2 = 14%; S = 2%; vi lượng B, Zn, Mn, Fe, Cu, Co… hoặc dùng 0,2 – 0,6kg/gốc ĐYT NPK 12.5.10 có thành phần dinh dưỡng: N =12%, P2O5 = 5%; K2O = 10%; CaO = 9%; MgO = 6%; SiO2 = 4%; S = 2%; vi lượng B, Zn, Mn, Fe, Cu, Co…
Đưa hỗn hợp đất phân vừa trộn xuống rạch tưới nước. Các đợt bón tiếp giai đoạn sau đậu trái, nuôi trái lớn, trước thu trái 40 – 45 ngày, sử dụng phân đa yếu tố ĐYT NPK 12.7.20 Văn Điển có thành phần dinh dưỡng: N =12%, P2O5 = 7%; K2O = 20%; CaO = 9%; MgO = 6%; SiO2 = 4%; S = 11%; vi lượng B, Zn, Mn, Fe, Cu, Co… lượng bón cho mỗi đợt từ 1,5 – 3kg/gốc tùy theo tuổi cây, mức năng suất… rải phân trực tiếp vào đất xung quanh rạch bón phân trước, tưới nước cho phân tan, cây hấp thụ tốt hoặc bón theo mưa ở giai đoạn mùa mưa, khi đất còn ẩm.
Cùng với việc bón phân Văn Điển, bà con nông dân cần chú ý các biện pháp canh tác khác nhau như quản lý vườn, phòng từ sâu bệnh gây hại, tưới nước cho bơ vào mùa khô. Chú ý, khi cây bơ ra hoa tuyệt đối không tưới nước, không bón phân mà chờ đến khi hoa đậu thành trái mới tiến hành bón phân, phân bón Văn Điển cung cấp đầy đủ nhất các chất dinh dưỡng cây khỏe, to, mập, khép tán nhanh, vỏ thân, cành nhẵn bóng, rất ít nứt thân, ít rụng trái, trái lớn đồng đều, vỏ trái nhẵn bóng, màu sắc đẹp, chín đều, cho năng suất cao, chất lượng tốt.
Việt Hà – Nam Phong
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân