Lễ hội – Văn hoá truyền thống

Đặc sắc đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

Hoàng Tuấn - 11:42 11/03/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Tối 10-3, tại Quảng trường 10/3 (TP.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) đã tổ chức khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8-2023. Đây là lễ hội có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Đêm khai mạc Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8  với nhiều tiết mục nghệ thuật đặc sắc của các nghệ nhân, dẫn viên và ca sĩ nổi tiếng.

Tham dự có đồng chí Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo một số bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các đại sứ, tổng lãnh sự các nước; lãnh đạo các địa phương cùng đông đảo đồng bào các dân tộc tỉnh Đắk Lắk cùng nhiều du khách trong nước và Quốc tế.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột năm nay với chủ đề “Buôn Ma Thuột – Điểm đến của cà phê thế giới”, một sự kiện đặc biệt nhằm tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng. Bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm nâng cao giá trị và chất lượng sản phẩm cà phê, trong chương trình của Lễ hội còn diễn ra Hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là sự kết nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột trở thành điểm đến của cà phê thế giới.

Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Phạm Ngọc Nghị phát biểu tại buổi lễ.

Phát biểu khai mạc, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk, cho biết với diện tích hơn 200.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn/năm, Đắk Lắk được mệnh danh là thủ phủ cà phê của Việt Nam. Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột là ngày hội vinh danh ngành Cà phê Việt Nam, là nơi để hội tụ và tôn vinh những người trồng, sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê của cả nước nói chung và tỉnh Đắk Lắk nói riêng.

Lễ hội được tổ chức lần này, bên cạnh các hoạt động quảng bá thương hiệu, giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại còn diễn ra hội nghị kết nối giao thương quốc tế và nhiều hoạt động văn hóa, triển lãm, biểu diễn nghệ thuật hấp dẫn, đặc sắc của vùng Tây Nguyên. Đặc biệt là sự tiếp nối thành công, chú trọng phát triển cà phê chất lượng cao, cà phê đặc sản Việt Nam, với quyết tâm đưa Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk trở thành "điểm đến của cà phê thế giới"…

Đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ khai mạc, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã biểu dương, ghi nhận những những đóng góp của tỉnh Đắk Lắk đối với sự phát triển của khu vực, góp phần vào thành tựu phát triển chung của cả nước; khẳng định vai trò, vị thế quan trọng của cây cà phê trong phát triển kinh tế xã hội của Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang phát biểu tại buổi lễ.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh nông nghiệp nông thôn là mũi nhọn, Bác Hồ từng dạy nông nghiệp ta giàu thì dân ta giàu, nông nghiệp ta thịnh thì đất nước ta thịnh, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành nghị quyết về nông nghiệp nông dân và xác định đây là lợi thế, là trụ đỡ của kinh tế nước nhà.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2022, xuất khẩu cà phê Việt Nam đứng thứ 2 thế giới với gần 1,8 triệu tấn, giá trị xuất khẩu đạt khoảng 4 tỉ USD, đóng góp hết sức quan trọng vào tổng kim ngạch xuất của ngành Nông nghiệp. Trong đó, Đắk Lắk chiếm trên 30% sản lượng cà phê của cả nước. Cà phê Buôn Ma Thuột nổi tiếng đã có mặt ở hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Mặc dù đã đạt được những thành quả hết sức khích lệ nhưng Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang cũng lưu ý ngành Cà phê Việt Nam đang phải đối mặt với những thách thức lớn cần phải vượt qua để duy trì và phát triển trong thời gian tới. Hiện nay cà phê Việt Nam vẫn chủ yếu xuất thô, sản xuất quy mô nhỏ lẻ, chất lượng chưa đồng đều, công nghệ chế biến sâu còn hạn chế.

"Để phát triển bền vững ngành Cà phê, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng các địa phương tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, ngành Cà phê; Thực hiện hiệu quả tái canh cây cà phê, sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, gắn với chế biến sâu và thị trường tiêu thụ; Làm tốt công tác quy hoạch, xây dựng vùng trồng, xây dựng chuỗi giá trị cà phê bền vững, gắn với phát triển văn hóa, du lịch…" - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang mong muốn.

Mặc dù hơn 20 giờ mới diễn ra lễ khai mạc nhưng từ chiều tối hàng vạn người dân và du khách đã tranh thủ để  hướng vào Quảng trường 10-3 TP Buôn Ma Thuột - nơi diễn ra lễ khai mạc.

Lễ hội cà phê lần này diễn ra trong 5 ngày (10 - 14.3) được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 18 hoạt động chính diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột và nhiều huyện trong tỉnh Đắk Lắk. Trong đó, nổi bật là các hoạt động thi pha chế cà phê đặc sản VN 2023, triển lãm chuyên đề "Lịch sử cà phê thế giới"; hội chợ - triển lãm chuyên ngành Cà phê; hội thảo phát triển cà phê chất lượng cao; thi chế tác sản phẩm mỹ nghệ từ cây cà phê; triển lãm trưng bày và hội thi sinh vật cảnh; hội thi nhà nông đua tài; đua thuyền độc mộc hồ Lắk, hội voi Buôn Đôn…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác