Đại tướng Văn Tiến Dũng - Nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam
Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại khu vực Bộ Tổng Tham mưu (hiện nay là thềm Điện Kính Thiên. (Ảnh: Gia đình Đại tướng cung cấp)
Đồng chí Văn Tiến Dũng- Nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam
Ngày 28/4 vừa qua, tại Hà Nội, Viện Hồ Chí Minh và các lãnh tụ của Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh) tổ chức Tọa đàm khoa học: “Đồng chí Văn Tiến Dũng- Nhà chính trị, quân sự tài ba của Đảng và cách mạng Việt Nam”.
Nhân kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (2/5/1917-2/5/2022), phát biểu đề dẫn Tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết, Đại tướng Văn Tiến Dũng, bí danh là Lê Hoài, sinh ngày 2/5/1917 tại xã Cổ Nhuế, huyện Từ Liêm (nay là phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm), thành phố Hà Nội.
Trải qua những năm tháng gian lao thời niên thiếu, đồng chí đã sớm giác ngộ cách mạng và hăng hái tham gia các phong trào đấu tranh công khai của công nhân Hà Nội do Đảng Cộng sản lãnh đạo.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đồng chí trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch quan trọng giành thắng lợi như: Chiến dịch Đường 9-Nam Lào năm 1971, Chiến dịch giải phóng Tây Nguyên năm 1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử tháng 4/1975.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí được Đảng, Nhà nước giao trọng trách làm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư thứ nhất, Bí thư Đảng ủy Quân sự Trung ương.
Đồng chí được Nhà nước phong quân hàm Thiếu tướng năm 1948; Thượng tướng năm 1959 và Đại tướng năm 1974; là Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa II; Ủy viên Trung ương Đảng từ khóa III đến khóa VI; Ủy viên Bộ Chính trị từ khóa III đến khóa V.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Lê Văn Lợi, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có sự nghiệp vẻ vang, được Đảng, Nhà nước, Quốc hội tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến thắng hạng Nhất, Huân chương Chiến sỹ vẻ vang, Huân chương Quân kỳ Quyết thắng, Huy hiệu 65 năm tuổi Đảng.
Những dấu ấn và đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng với Đảng và cách mạng Việt Nam là nguồn cổ vũ, động viên to lớn đối với thế hệ cán bộ, chiến sỹ Quân đội nhân dân Việt Nam.
Vì vậy, việc nghiên cứu, lưu giữ và học tập những di sản vô giá của Đại tướng Văn Tiến Dũng là việc làm thiết thực tiếp tục học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, góp phần truyền thụ kinh nghiệm và bồi đắp truyền thống cách mạng cho các thế hệ hôm nay và mai sau.
Tập trung thảo luận, làm rõ những dấu mốc trong cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Văn Tiến Dũng, các đại biểu dự Tọa đàm đều nhất trí cho rằng, trải qua hơn 65 năm hoạt động cách mạng liên tục, Đại tướng Văn Tiến Dũng là một tấm gương sáng của người cộng sản kiên cường, tận trung với Đảng, tận hiếu với dân, luôn thể hiện tư tưởng cách mạng tiến công, không chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược.
Là người con ưu tú của Thủ đô Hà Nội, Đại tướng Văn Tiến Dũng đã có những đóng góp quý báu cho phong trào cách mạng của Thủ đô. Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang là dấu ấn không thể quên của đồng chí.
Đánh giá về những hoạt động và cống hiến của Đại tướng Văn Tiến Dũng với phong trào công nhân Hà Nội (1936-1939), Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Hồng Chương, nguyên Viện trưởng Viện Hồ Chí Minh và các Lãnh tụ của Đảng cho biết, cuối năm 1936, được lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng yêu nước cách mạng của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soi đường, đồng chí Văn Tiến Dũng được giác ngộ cách mạng, đứng ra tuyên truyền, vận động, tổ chức anh chị em thợ ở xưởng dệt Cự Chung, Đức Xương Long (phố Hàng Bông), Thanh Văn (phố Hàng Đào) tiến hành bãi công tập thể đòi ngày làm việc 8 giờ, được nghỉ ngày chủ nhật, tăng lương.
Cuộc bãi công đã giành được thắng lợi, đời sống của công nhân ở các xưởng dệt được cải thiện. Tháng 11/1937, đồng chí Đinh Xuân Nhạ (tức Trần Quý Kiên) thay mặt tổ chức Đảng đã bí mật đứng ra kết nạp đồng chí Văn Tiến Dũng vào Đảng cộng sản Đông Dương. Sau khi trở thành đảng viên, đồng chí Văn Tiến Dũng được phân công đảm nhận công việc ở Hội ái hữu thợ dệt Hà Nội.
Dưới sự lãnh đạo của đồng chí Văn Tiến Dũng, phong trào công nhân Hà Nội liên tục nổ ra các cuộc đấu tranh tập trung vào những vấn đề cấp thiết về đời sống: Đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống sa thải thợ, thành lập các hội ái hữu, hiếu hỷ, đội bóng đá, giáo dục quần chúng, bồi dưỡng những công nhân ưu tú cho Đảng.
Cuối tháng 3/1975, đồng chí Lê Đức Thọ từ miền Bắc vào miền Nam cùng các đồng chí Phạm Hùng, Đại tướng Văn Tiến Dũng thay mặt Bộ Chính trị, trực tiếp chỉ đạo chiến dịch giải phóng Sài Gòn. (Ảnh: TTXVN)
Phong trào công nhân đã triệt để lợi dụng thời cơ được hoạt động công khai để mở rộng tổ chức của mình, lập các hội ái hữu phát triển khá sâu rộng và vững chắc. Tinh thần đấu tranh của công nhân đã lan tỏa đến các tầng lớp nhân dân lao động và các giới trong toàn thành phố.
Đỉnh cao của Phong trào công nhân Hà Nội, nhân ngày Quốc tế Lao động 1/5/1938, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Tổng Bí thư và Thành ủy Hà Nội, đồng chí Văn Tiến Dũng đã tham gia lãnh đạo quần chúng tổ chức míttinh, biểu dương lực lượng với trên 2 vạn công nhân lao động Hà Nội và đại biểu các tỉnh lân cận tham dự.
Bước sang năm 1939, nhân sự kiện nhà yêu nước tiến bộ Phan Thanh qua đời, Đảng tổ chức đám tang trọng thể có hàng vạn thợ thuyền, lao động và thanh niên, học sinh, sinh viên tham gia, nhiều khẩu hiệu tự do, cơm áo, hòa bình được vang lên trong lễ truy điệu. Ngay sau đó, các cuộc đấu tranh của công nhân Hà Nội diễn ra với nhiều hình thức...
Thắng lợi từ những cuộc đấu tranh của phong trào công nhân Hà Nội thời kỳ (1936-1939) là thắng lợi của sự chỉ đạo vừa cương quyết, vừa vận dụng khéo léo các hình thức, phương pháp đấu tranh phù hợp, phát huy được sức mạnh của lực lượng công nhân, tinh thần đoàn kết giữa thợ thủ công và nông dân, giữa lực lượng cách mạng địa phương và lực lượng cách mạng ở Hà Nội và đặc biệt là vai trò lãnh đạo của Thành ủy Hà Nội.
Các đại biểu dự tọa đàm cũng cho rằng, Đại tướng Văn Tiến Dũng là một trong những vị tướng chỉ huy xuất sắc của quân đội ta, là một nhà chiến lược, một người lãnh đạo đầy tinh thần cách mạng tiến công, đã đóng góp quan trọng vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cuộc đời hoạt động cách mạng sôi nổi, phong phú cùng những cống hiến xuất sắc về lý luận và thực tiễn của Đại tướng Văn Tiến Dũng là một di sản tinh thần quý báu của Đảng, quân đội và nhân dân ta.
Nhớ về "Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh"
Cũng trong ngày 28/4, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đã tổ chức trưng bày về "Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh"
Trưng bày có ý nghĩa ghi nhớ, tôn vinh những cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng trong sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc. Sự kiện nhằm thiết thực kỷ niệm 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2022); kỷ niệm 105 năm Ngày sinh Đại tướng Văn Tiến Dũng (2/5/1917 - 2/5/2022).
Dự khai mạc sự kiện, về phía Bộ Quốc phòng có Phó Chủ nhiệm Chính trị Bộ Tổng tham mưu Phạm Xuân Tuấn. Về phía Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch có Cục phó Cục Di sản Trần Đình Thành. Về phía thành phố Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong. Sự kiện còn có sự tham dự của các nhà khoa học, đại diện gia đình Đại tướng Văn Tiến Dũng, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội.
Ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội phát biểu khai mạc. Ảnh: VGP/Minh Anh
Phát biểu khai mạc, ông Nguyễn Thanh Quang - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội cho biết, Đại tướng Văn Tiến Dũng là một nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và Nhà nước, một vị tướng mưu lược, văn võ song toàn, tận trung với nước, tận hiếu với dân, có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần bổ sung, phát triển nền khoa học, nghệ thuật quân sự cách mạng Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh, đặc biệt là nghệ thuật "nở hoa trong lòng địch".
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Thăng Long - Hà Nội giàu truyền thống văn hiến, đồng chí Văn Tiến Dũng đã sớm tham gia cách mạng và trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam khi mới 17 tuổi. Ba lần bị thực dân Pháp bắt giam, một lần bị kết án tử hình vắng mặt, bị giam cầm, tra tấn dã man trong lao tù đế quốc, nhưng đồng chí vẫn trung thành tuyệt đối lý tưởng cao cả của Đảng, tìm mọi cơ hội vượt ngục để tiếp tục hoạt động cách mạng.
Các đại biểu cắt băng khai mạc Trưng bày về "Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh". Ảnh: VGP/Minh Anh
Về với cách mạng, đồng chí đã chọn vùng An toàn khu của Trung ương và Xứ ủy ven Hà Nội để gây dựng phong trào. Xã Trung Mầu (Gia Lâm), An Mỹ, Bột Xuyên (Mỹ Đức), Cổ Loa, Việt Hùng (Đông Anh), Hòa Xá (Ứng Hòa) là nơi tuyên truyền, gây dựng cơ sở cách mạng. Đối với lực lượng vũ trang Thủ đô, Đại tướng Văn Tiến Dũng đặc biệt quan tâm, không chỉ với cương vị lãnh đạo Bộ Quốc phòng mà còn sâu nặng tình nghĩa quê hương yêu dấu. Không phụ sự quan tâm của đồng chí, lực lượng vũ trang nhân dân Hà Nội đã lập nhiều thành tích trong cuộc kháng chiến chống Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, lực lượng vũ trang Thủ đô đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị của Bộ Quốc phòng chiến đấu dũng cảm, bắn rơi nhiều máy bay Mỹ trong những năm chiến tranh phá hoại miền Bắc và Thủ đô, đặc biệt là đánh thắng cuộc tập kích chiến lược đường không của đế quốc Mỹ vào Hà Nội cuối năm 1972.
Cuộc đời hoạt động và những đóng góp của Đại tướng Văn Tiến Dũng đối với phong trào cách mạng ở Hà Nội là một phần quan trọng trong quá trình hoạt động cách mạng vẻ vang, là dấu ấn không thể quên của đồng chí.
Hơn 65 năm theo Đảng và Bác Hồ tham gia hoạt động cách mạng, được Đảng và Nhà nước, quân đội giao cho nhiều trọng trách: Cục trưởng Cục Chính trị quân đội quốc gia Việt Nam, Đại đoàn trưởng Đại đoàn 320, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bí thư Đảng ủy quân sự Trung ương..., cuộc đời và sự nghiệp của đồng chí Văn Tiến Dũng gắn liền với công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là với quá trình chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Các đại biểu tham quan trưng bày. Ảnh: VGP/MInh Anh
Từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, Tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ xâm lược; đặc biệt trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong thời kỳ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, trên bất cứ cương vị nào đồng chí cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, được đồng chí, đồng đội tin yêu, quý trọng.
Với những cống hiến lớn lao đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao Vàng cùng nhiều phần thưởng cao quý khác. Thành phố Hà Nội đã đặt tên con đường mang tên Văn Tiến Dũng tại quận Bắc Từ Liêm. Hình ảnh Đại tướng Văn Tiến Dũng sẽ luôn thân thương, gần gũi, là nguồn động lực cổ vũ to lớn đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm qua, hôm nay và mai sau.
Giới thiệu về trưng bày "Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh". Ảnh: VGP/MInh Anh
Tại sự kiện, bà Văn Minh Tâm - con gái của Đại tướng Văn Tiến Dũng đã kể những kỷ niệm về cha mình. Thuở nhỏ, Đại tướng Văn Tiến Dũng nhà nghèo, mẹ mất sớm. Sau khi cha đột ngột qua đời vào năm Đại tướng 15 tuổi, ông đành phải bỏ học, ở nhà trợ giúp cho anh làm nghề thợ may.
17 tuổi, ông lại ra Hà Nội làm công cho các xưởng dệt, cuộc sống công nhân rất vất vả. Nhận thấy, chủ xưởng dệt đối xử bất công, thẳng tay đàn áp công nhân, ông đã quyết tâm đòi lại công bằng. Mỗi tháng ông tiết kiệm tiền mua sách báo đọc. Qua những tin tức đọc được trong sách báo, ông đã kể lại cho tất cả anh chị em công nhân trong xưởng nghe. Ông tìm đến những người tiến bộ để hỏi xem vì sao lại xảy ra bất công như vậy thì gặp được các đồng chí của mình, từ đó ông đã lựa chọn con đường đi theo cách mạng và cống hiến đến cuối đời.
Trưng bày "Đại tướng Văn Tiến Dũng - Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh" giới thiệu 150 tài liệu, hình ảnh, hiện vật tại Di tích Cơ quan Tổng hành dinh Quân đội nhân dân Việt Nam D67, là nơi Đại tướng Văn Tiến Dũng đã làm việc gắn bó trong suốt thời gian phản ánh một cách tương đối toàn diện, có hệ thống về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng cùng những cống hiến to lớn của Đại tướng Văn Tiến Dũng vì mục tiêu độc lập dân tộc, vì tự do, ấm no, hạnh phúc của nhân dân.
Nội dung trưng bày gồm 3 chủ đề: "Người con ưu tú của Hà Nội"; "Danh tướng thời đại Hồ Chí Minh"; "Nhớ về Đại tướng".
Điểm nhấn của Trưng bày làm nổi bật dấu ấn, vai trò của Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhân dân Việt Nam (Nhà và Hầm D67) từ năm 1968 - 1975.
Phát biểu tại buổi khai mạc, Đại tá Trần Đức Báu - Thư ký riêng của Đại tướng Văn Tiến Dũng bồi hồi chia sẻ khi vinh dự được là người phục vụ Đại tướng Văn Tiến Dũng suốt gần 25 năm, từ cương vị người chiến sĩ bảo vệ và sau này là thư ký riêng. Trong những năm tháng đó, ông luôn trân trọng và biết ơn vị Đại tướng có tài thao lược xuất chúng nhưng vô cùng gần gũi và tình cảm với anh em đồng đội.
Trưng bày mở cửa phục vụ du khách tham quan từ ngày 28/4/2022, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội (19 đường Hoàng Diệu, Ba Đình, Hà Nội). Bên cạnh đó, trưng bày có phiên bản giới thiệu trực tuyến tại website: trungbayonline.hoangthanhthanglong.vn.
Bảo Minh (tổng hợp, nguồn TTXVN, báo Chính phủ)
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi
- Bài 1: Hỗ trợ sản xuất thức ăn chăn nuôi từ nguyên liệu trong nước