Diễn đàn

Đắk Lắk: Tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần I - năm 2023

Vân Nguyễn - 07:40 20/10/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 19/10, tại tỉnh Đắk Lắk, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị đối thoại doanh nghiệp lần I - năm 2023 với sự tham gia của hơn 250 doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) đại diện cho hơn 12.000 doanh nghiệp và hơn 700 HTX trong tỉnh.

Tham dự Hội nghị có ông Phạm Ngọc Nghị, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Tuấn Hà, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Thiên Văn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, hiệp hội Doanh nghiệp và hơn 250 doanh nghiệp, HTX…

Tại Hội nghị, các doanh nghiệp đã nghe Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk báo cáo tóm tắt một số nét về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và hoạt động của doanh nghiệp, HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Theo báo cáo, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh Đắk Lắk có 1.078 doanh nghiệp thành lập mới, với tổng vốn điều lệ đăng ký 8.314 tỷ đồng và 328 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã quay lại hoạt động. Đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 12.496 doanh nghiệp đang hoạt động, gồm 11.528 doanh nghiệp và 968 chi nhánh của doanh nghiệp ngoài tỉnh đăng ký hoạt động trên địa bàn. Doanh nghiệp mới thành lập nhiều, nhưng số lượng doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động vẫn tăng cao. Trong 9 tháng qua, toàn tỉnh có 792 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 11,8% so với cùng kỳ năm 2022.

Ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Song song với phát triển doanh nghiệp, từ đầu năm đến nay, tỉnh Đắk Lắk có 85 HTX được thành lập mới, 7 HTX giải thể, tổng số HTX đang hoạt động lên 746 HTX và 5 Liên hiệp HTX. Kinh tế tập thể, HTX có những chuyển biến tích cực, một số HTX ứng dụng công nghệ cao vượt 4% kế hoạch, số HTX liên kết doanh nghiệp theo chuỗi giá trị đạt 88% kế hoạch. Nhiều HTX nông nghiệp mạnh dạn thay đổi phương thức sản xuất và quản trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, áp dụng sáng tạo khoa học kỹ thuật, công nghiệp để tăng năng suất và chất lượng sản phẩm.

Tại Hội nghị, đại diện các doanh nghiệp, HTX đã chia sẻ những tâm tư, nguyện vọng xoay quanh các vấn đề thực hiện các chủ trương, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã; những khó khăn, vướng mắc khi tiếp cận các chính sách hỗ trợ, thuế, tín dụng, đất đai, nông nghiệp, du lịch, chuyển đổi số; về trình tự, thủ tục đăng ký đầu tư, thành lập doanh nghiệp và hiến kế của doanh nghiệp, HTX cho lãnh đạo tỉnh về cơ chế chính sách, mở rộng cải thiện môi trường đầu tư.

Các đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: ĐVCC

Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Phạm Ngọc Nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk biểu dương, ghi nhận đóng góp to lớn của cộng đồng doanh nghiệp đối với phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh trong thời gian qua. Các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp cơ bản đã được các đại diện của các sở, ngành, cơ quan trả lời, hướng dẫn. Tuy nhiên, để giải quyết thấu đáo, chặt chẽ, đúng quy định, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk yêu cầu các sở ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục nghiên cứu để trả lời, giáo đáp, hướng dẫn doanh nghiệp và báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết.

Cộng đồng doanh nghiệp cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, đạo đức kinh doanh, tôn trọng pháp luật, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, tham gia chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.

Các sở, ngành, địa phương cần tăng cường trách nhiệm, tính chủ động phát huy vai trò tiên phong, năng động, sáng tạo của lãnh đạo các cấp trong việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, hỗ trợ doanh nghiệp; cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình đầu tư sản xuất, kinh doanh; nắm bắt và kịp thời tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk

Những vấn đề giải quyết được ngay thì giải quyết ngay, vấn đề chưa giải quyết được thì khẩn trương nghiên cứu đưa ra phương hướng, giải pháp giải quyết kịp thời, hiệu quả, hài hòa giữa lợi ích Nhà nước và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, nâng cao năng lực dự báo, định hướng sản xuất kinh doanh, thúc đẩy chuyển đổi số trong doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác