Đắk Nông: Chuyển đổi số để chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân
Theo bà Tôn Thị Ngọc Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông, việc triển khai sử dụng các nền tảng số trong ngành Y tế nhằm số hóa dữ liệu sức khỏe của người dân, tạo Hồ sơ sức khỏe điện tử là thành phần cốt lõi để thúc đẩy và triển khai các nền tảng số y tế khác cũng như các hệ thống thông tin, các ứng dụng chuyên ngành Y tế góp phần phúc đẩy chuyển đối số trong ngành, hình thành kho dữ liệu quốc gia về y tế.
Theo kế hoạch đã ban hành, mỗi người dân có một hồ sơ sức khỏe điện tử và dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử phải được cập nhật liên tục, đẩy đủ, chính xác theo quy định và được đối chiếu thông tin hành chính và được kết nối, chia sẻ với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
Đồng thời, việc hình thành kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe của tỉnh không những phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, ngoài ra còn thực hiện tổng hợp, phân tích dữ liệu để có các chỉ đạo kịp thời trong các trường hợp có dịch bệnh xảy ra; hoặc dự báo, hoạch định chính sách về công tác bảo về, chăm sóc và nâng cao sức khỏe người dân.
Đặc biệt, chuyển đổi số giúp các cơ sở y tế hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa thông qua ứng dụng di động và các phương tiện công nghệ khác; quản lý chất lượng, đảm bảo an toàn thông tin bảo vệ dữ liệu cá nhân của người dân; đảm bảo quyền lợi của người dân trong hoạt động tư vấn khám, chữa bệnh từ xa…
Ngoài ra, thực hiện chuyển đổi số còn cung cấp cho người dân công cụ đăng ký, tra cứu thông tin về công tác tiêm chủng và một số thông tin khác.
Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh thông tin thêm, trong giai đoạn từ nay đến 2025, địa phương sẽ thúc đẩy triển khai dùng hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy; có hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa không sử dụng phim nhựa; đăng ký và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa; thanh toán viện phí không dùng tiền mặt; nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở y tế để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong từng giai đoạn. Tất cả các dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu Hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật. Từ năm 2026 – 2030 sẽ tiếp tục hoàn thiện số hóa dữ liệu sức khỏe người dân…
Để thực hiện kế hoạch có hiệu quả, bà Tôn Thị Ngọc Hạnh cho biết, UBND tỉnh đã đưa ra những giải pháp cụ thể, quyết liệt để nhanh chóng triển khai thực hiện, cụ thể: Thứ nhất, triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh các nền tảng số Quốc gia về Y tế với vai trò trung tâm là nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử, trong đó dữ liệu phải được kết nối liên thông giữa các nển tảng số y tế và các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng của ngành Y tế…. Thứ hai, đào tạo nguồn nhân lực trong ngành về ứng dụng công nghệ công tin, chuyển đổi số. Thứ ba, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò và lợi ích của chuyển đổi số ngành Y tế đến toàn bộ cán bộ, nhân viên ngành Y tế và người dân.