“Đánh thức” tiềm năng OCOP của huyện biên giới
Ai đã từng đặt chân lên huyện biên giới, vùng cao Hoàng Su Phì (Hà Giang) không thể bỏ qua những đặc sản “độc nhất vô nhị” ở vùng đất còn khó khăn này. Để khai thác những lợi thế, chính quyền từ cấp tỉnh đến huyện đang nỗ lực triển khai hiệu quả Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) để tạo thêm hướng phát triển kinh tế.
Tiềm năng từ văn hóa và sản vật
Huyện Hoàng Su Phì là một trong những địa bàn xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có trên 13.900 hộ với hơn 66.400 khẩu, gồm có 17 dân tộc sinh sống. Trong đó chiếm đa số là dân tộc Nùng, Dao, Tày, Mông và các dân tộc khác.
Điều kiện tự nhiên đa dạng, phong phú, nhiều dân tộc cùng sinh sống, đã tạo ra sự đa dạng về văn hóa cho vùng đất này. Từ các hoạt động sản xuất kinh doanh theo tri thức bản địa đã tạo ra nhiều sản phẩm mang đậm giá trị truyền thống, đặc trưng riêng của Hoàng Su Phì như: Rượu thóc Nàng đôn, chè Shan tuyết cổ thụ, thảo quả sấy, dịch vụ du lịch nông thôn… Mặt khác với địa hình cao, điều kiện khí hậu khắc nghiệt, mây mù che phủ đã mang cho Hoàng Su Phì những sản vật quý nhứ: Mận máu (đỏ), gạo đỏ, gạo dui, lê, thảo quả, củ cải nương… là tiềm năng của sản phẩm OCOP.
Nhận thấy tiềm năng của địa phương, các cấp chính quyền từ tỉnh đến huyện đã triển khai nhiều giải pháp để phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bởi vậy, UBND huyện Hoàng Su Phì đã xác định: Triển khai Chương trình OCOP là một trong những giải pháp, nhiệm vụ triển khai thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Chương trình OCOP là phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị.
Theo Văn phòng Điều phối Nông thôn mới huyện cho biết, Hoàng Su Phì tập trung vào phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Đồng thời, huyện hỗ trợ các khâu: Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm.
Sau một quá trình triển khai, với sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị, Chương trình OCOP của huyện Hoàng Su Phì đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; tạo nên những sản phẩm đặc trưng, tạo chuyển biến căn bản trong phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao thu nhập cho người dân. Giai đoạn 2028 -2020, huyện Hoàng Su Phì đã có 21 sản phẩm của 11 chủ thể được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đặc biệt, có 2 sản phẩm được trà xanh (hiệu Bà cụ) và hồng trà (hiệu Bà cụ) của HTX chế biến chè Phìn Hồ được công nhận OCOP 5 sao quốc gia.
Huyện Hoàng Su Phì bước đầu hình thành sản phẩm OCOP theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn theo yêu cầu của thị trường và phục vụ xuất khẩu.
Đúc kết kinh nghiệm để tiếp tục đột phá
Theo Văn phòng Điều phố Nông thôn mới huyện, để có được những kết quả đáng khích lệ, trong Chương trình OCOP chính là do sự chủ động, tích cực triển khai của huyện Hoàng Su Phì trong việc ban hành các nghị quyết, kế hoạch, chương trình cụ thể. Huyện cũng đẩy mạnh tuyên truyền mục đích, ý nghĩa và chu trình thực hiện tới các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là các chủ thể. Từ khi triển khai, huyện đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ thư ký; giao nhiệm vụ cụ thể cho các phòng, ban thành viên tham mưu giúp huyện chỉ đạo, điều hành thực hiện các nội dung Đề án.
Sau 3 năm triển khai Chương trình OCOP, huyện Hoàng Su Phì được đánh giá là có những thành công nổi bật. Một trong những yếu tố then chốt là nâng cao nhận thức, phương pháp, cách thức tiếp cận và triển khai Chương trình đến đội ngũ cán bộ các cấp, đến các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất để tạo nên phong trào sâu rộng sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP, đặc biệt là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu để thống nhất trong nhận thức và hành động.
Từ khi triển khai OCOP huyện đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền để nâng cao nhận thức của hệ thống quản lý Đề án OCOP các cấp và sự hiểu biết của cộng đồng về Đề án OCOP, bao gồm: Sự cần thiết, 3 nguyên tắc của OCOP, nội dung Đề án OCOP, các hỗ trợ của nhà nước và đặc biệt là đề xuất ý tưởng sản phẩm, từ đó khởi đầu chu trình OCOP của cộng đồng. Thông qua các phương tiện truyền thông huyện xã và lồng ghép tại các hội nghị của, huyện, xã, thôn…. Huyện cũng quan tâm tổ chức các đợt tập huấn, tư vấn đề triển khai Chương trình từ cấp huyện đến các xã và các chủ thể.
Tiếp đó, huyện tập trung chỉ đạo điểm tạo bước đột phá ngay từ nhóm sản phẩm đầu tiên. Trong đó tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm. Hướng dẫn các chủ thể tuân thủ quy trình sản xuất, nâng cấp nhà xưởng, máy móc thiết bị sản xuất, thiết kế nhãn mác, bao bì sản phẩm, chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi sản phẩm đạt chuẩn, huyện tổ chức công bố tiêu chuẩn, chất lượng, mã số, mã vạch, dán tem truy xuất nguồn gốc… đảm bảo theo quy định.
Công tác xúc tiến thương mại cũng được đặc biệt coi trọng. Huyện xác định xúc tiến thương mại là bước then chốt của chu trình. Hình thành mạng lưới kết nối sản xuất, kinh doanh dịch vụ kết hợp với các hoạt động xây dựng, phát triển thương hiệu tạo lập, phát triển mở rộng thị trường cho các sản phẩm phát triển bền vững. Trong giai đoạn 2018 – 2020, huyện đã tổ chức 14 đợt trưng bày, quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương và sản phẩm OCOP tại các sự kiện, ngày lễ lớn diễn ra trong và ngoài tỉnh.
Để Chương trình OCOP của địa phương tiếp tục lan tỏa, UBND huyện Hoàng Su Phì kiến nghị Trung ương và tỉnh quan tâm hỗ trợ kinh phí xây dựng chuỗi cửa hàng giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP của tỉnh, tại mỗi huyện sẽ có ít nhất 1 trung tâm giới thiệu và quảng bá sản phẩm OCOP. Đồng thời, cần có thêm chính sách hỗ trợ phát triển sản phẩm cho cả những sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương chưa đủ điều kiện để tham gia OCOP sẽ đủ điều kiện để tham gia OCOP như: Vay vốn mở rộng sản xuất với lãi suất thấp, hỗ trợ sản xuất sản phẩm, thiết kế bao bì, nhãn mác…
Huyện cũng đề xuất cần tiếp tục xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phát triển Chương trình OCOP trong giai đoạn tiếp theo tạo điều kiện cho địa phương phát triển kinh tế hàng hóa, tăng thu nhập, nâng cao đời sông cho nhân dân.
Giai đoạn 2028 -2020, huyện Hoàng Su Phì đã có 21 sản phẩm của 11 chủ thể được cấp giấy chứng nhận sản phẩm OCOP trong đó có 4 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 15 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Đặc biệt, có 2 sản phẩm được Trà xanh (hiệu bà cụ) và Hồng trà (hiệu bà cụ) của HTX chế biến chè Phìn Hồ được công nhận OCOP 5 sao Quốc gia.
Thái Giang
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân