Giáo dục - hướng nghiệp

Lai Châu: Đào tạo nghề bám sát nhu cầu người học

Hoàng Tính - 23:34 11/10/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Những năm qua tỉnh Lai Châu đã tổ chức những lớp đào tạo nghề gắn liền với nhu cầu của từng địa phương, từng người học, qua đó công tác đào tạo nghề cho lao động đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần làm thay đổi tư duy sản xuất tạo tiền đề quan trọng để người dân có kiến thức vươn lên thoát nghèo.

Đào tạo nghề gắn với nhu cầu thực tế ở địa phương

Với mục tiêu nâng cao chất lượng nguồn lao động, tạo việc làm; tăng thu nhập cho lao động, thời gian qua công tác đào tạo nghề cho lao động ở Lai Châu đã được chú trọng và thực hiện theo hướng đa dạng các ngành nghề đào tạo, gắn với thực tế ở từng địa phương và nhu cầu của người học.

Lớp học pha chế đồ uống đã thu hút được đông đảo lao động ở thành phố Lai Châu tham dự.

Để xây dựng được những lớp học nghề có hiệu quả, các đơn vị đào tạo đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị xã hội, khảo sát người dân, để từ đó xây dựng các lớp nghề nông nghiệp hay phi nông nghiệp như: Trồng cây có múi; trồng, chăm sóc, cạo mủ cây cao su; chăn nuôi gia súc, gia cầm; nuôi cá lồng trên lòng hồ; sửa chữa máy nông nghiệp; nghề thêu, dệt thổ cẩm... sát với nhu cầu thực tế nhất.

Một trong những hiệu quả lớn nhất của công tác đào tạo nghề cho lao động ở tỉnh Lai Châu thời gian qua đó là, tỷ lệ tự tạo được việc làm sau khi được đào tạo khá cao. Do ngay từ khi xây dựng kế hoạch, việc lựa chọn nghề đào tạo đã căn cứ vào nhu cầu thực tiễn của người dân và điều kiện cụ thể của địa phương nên cơ bản sau khi kết thúc các lớp đào tạo nghề, người lao động đã ứng dụng kiến thức được vào thực tế, nâng cao hiệu quả đầu tư giúp giảm chi phí, tăng năng suất lao động góp phần ổn định cuộc sống.

Giai đoạn 2016-2020 tỉnh Lai Châu đã đào tạo kỹ năng nghề cho trên 35.500 người. Thông qua các lớp đào tạo nghề, người lao động đã có được kiến thức vững vàng để áp dụng vào cuộc sống hay chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, tăng cơ hội có việc làm với thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống.

Bà Hoàng Thị Anh, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) cho biết: Trong quá trình thực hiện đào tạo nghề cho bà con nông dân, chúng tôi đã tập trung vào các chương trình đào tạo gắn liền với thực tế của từng vùng, từng xã. Bà con nông dân được cử đi học đều là những người đã được khảo sát trước về nhu cầu, chính vì vậy mà bà con nông dân tham gia các lớp học rất đầy đủ và tích cực.

Tham gia lớp chăn nuôi bò do huyện Than Uyên tổ chức, chị Nùng Thị Giót ở xã Hua Nà cho biết: Gia đình tôi đang chăn nuôi bò, chính vì vậy khi được tham gia lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc và phòng chống bệnh dịch cho bò, tôi thấy các kiến thức về phòng chống dịch bệnh rất hay, đặc biệt là việc nhìn các dấu hiệu để chuẩn đoán bệnh từ đó có cách điều trị tốt nhất.

Cũng giống như chị Giót ở huyện Than Uyên, trở về từ lớp pha chế đồ uống của Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố Lai Châu tổ chức tháng 8/2022, bạn trẻ Nguyễn Minh Lam ở phường Tân Phong (thành phố Lai Châu) cho hay: Thành phố Lai Châu ngày một phát triển, khách ở các địa phương, khách quốc tế đến với thành phố ngày một đông, ngành du lịch ngày một phát triển kèm theo đó là việc sử dụng các đồ uống pha chế ngày một tăng.

“Vì vậy mà khi có thông tin về tổ chức lớp học pha chế, em đã chủ động xin tham gia. Lớp học rất thiết thực các giáo viên đã chia sẻ nhiều kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ trong pha chế đồ uống, kết hợp giữa lý thuyết và thực hành. Từ đó đã góp phần giúp các học viên chúng em có được những kỹ năng cần thiết sau khi kết thúc khoá học, đến nay em đã tìm được công việc khá ổn định, pha chế đồ uống ở khách sạn” bạn Nam cho biết thêm.

Góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn là cơ sở chủ yếu để thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn chính vì vậy thời gian cấp ủy, chính quyền, địa phương ở Lai Châu đã thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo một cách toàn diện, liên tục.

Được đào tạo bài bản nên hiện tại người dân huyện Tam Đường đã tự tin áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi bò. Ảnh Đức Tuyến

Việc quán triệt những chủ trương, đường lối, những quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước liên quan đến đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Lai Châu được thực hiện nghiêm túc từ đó đã giúp cho mọi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhận thức đầy đủ ý nghĩa xã hội to lớn của hoạt động này. Đặc biệt, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1956/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”, tỉnh Lai Châu đã chủ động thành lập và kiện toàn Ban chỉ đạo thực hiện Đề án đào tạo nghề từ cấp tỉnh đến xã.

Ông Phạm Quang Đán - Phó Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu) cho biết: Trong năm 2021 Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Tam Đường đã phối hợp với Trung tâm GDNN-GDTX huyện Tam Đường tổ chức đào tạo được 22 lớp đào tạo nghề cho 665 lao động nông thôn về các: Kỹ thuật chăn nuôi; trồng, chăm sóc chè, ngô, lúa, cây ăn quả ôn đới và chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng hàng hóa. Từ đó đã góp phần giúp bà con nông dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp.

Chị Vàng Thị Sinh ở bản La Đông (xã Thèn Sin, huyện Tam Đường) cho biết: Trước đây, gia đình tôi cùng mọi người trong bản chỉ quen trồng lúa nương, năng suất thấp mà lại chỉ canh tác được 1 vụ/năm. Từ khi được tham gia lớp học nghề nông nghiệp của huyện Tam Đường tổ chức, dân bản đã biết trồng lúa nước, biết làm chuồng chăn nuôi trâu, bò; biết đào ao để vừa trữ nước về mùa khô vừa nuôi thả cá. Cũng từ đó mà đời sống mọi nhà trong bản đã được nâng lên rõ rệt.

Có thể thấy rằng việc đào tạo nghề bám sát nhu cầu thực tế ở Lai Châu đã góp phần quan trọng giúp kinh tế - xã hội địa phương có những chuyển biến tích cực. Chính vì vậy trong thời gian tới để công tác đào tạo nghề cho lao động trên địa bàn được tốt hơn, tỉnh Lai Châu cũng cần chú trọng quy hoạch, đầu tư xây dựng mạng lưới cơ sở đào tạo nghề, thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ dạy nghề, bồi dưỡng giáo viên cho các nghề trọng điểm; ưu tiên dạy nghề cho người dân ở các xã, thị trấn có nhu cầu thực sự.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác