Nông nghiệp

Dấu ấn “tiêu chí 20” Nông thôn mới Hà Tĩnh-Bài 3: Hương Phố-Bài ca xây dựng nông thôn mới

06:00 26/04/2018 GMT+7

Đến miền núi cao của huyện Vũ Quang, ai cũng háo hức được tham quan, học hỏi cách xây dựng NTM ở thôn Hương Phố thuộc xã Đức Hương. Không dễ gì vượt qua vòng loại hàng ngàn thôn kiểu mẫu của Hà Tĩnh để thôn Hương Phố giành giải nhì cuộc thi khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu, vườn mẫu của tỉnh Hà Tĩnh vào trung tuần tháng 4/2018 vừa qua.

Vượt khó từ vùng rốn lũ

Hương Phố đi lên từ cái nghèo và khó khăn bởi 142 hộ và 450 nhân khẩu quần tụ trong diện tích 67ha đất tự nhiên. Thôn Hương Phố nằm về phía tả song Ngàn Sâu do đó mỗi năm chỉ sản xuất 1 vụ xuân hè. Còn vụ thu đông thì đúng vào mùa mưa, lũ lụt sông Ngàn Sâu ngập toàn bộ diện tích chỗ ở cũng như đất canh tác của thôn, có nhiều khu vực ngập sâu trên 1 mét, nhiều năm lũ lớn đã nhấn chìm toàn bộ xã Đức Hương, ngập lên đến mái nhà.

Hương Phố có vị trí địa lý nằm ở vùng trũng, thiên tai lũ lụt hoành hành hàng năm.

Vì điều kiên tự nhiên địa lý như vậy, nên người dân ở đây đã có cách đi riêng, để hôm nay về Hương Phố du khách tham quan chỉ mong ước mình được sống ở đây. Đời sống của bà con Hương Phố chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp một vụ mùa “ăn chắc” vụ xuân-hè. Còn vụ thu – đông thì “đánh bạc” với ông trời vì lũ lụt hoành hành.

Hệ thống ao, đầm, sông ngòi dày đặc… Phải dám nghĩ để phát triển chăn nuôi gia cầm.

Trong việc phát triển sản xuất, Hương Phố đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng và chăn nuôi nhằm thúc đẩy kinh tế của địa phương. Vụ xuân hè bà con nhân dân tập trung canh thâm canh cây lúa để có đủ gạo ăn quanh năm. Vụ hè thu, sau khi thu hoạch lúa xong vợ nào chồng nấy mang cơm nước ra đồng, tranh thủ trăng sáng đã cày bừa đất để trồng hoa màu như đỗ, lạc…Như chuyện cổ tích, bà con nông dân ở đây sản xuất dẫu ai ngờ được là vì họ chạy đua với thời gian vì thiên tai lũ lụt.  Tầm 5h chiều, khi nắng hè đã nhạt dần xuống núi từ một đồng ruộng còn đầy gốc rạ, nhưng sáng mai khi bình minh ló rạng đằng đông thì ruộng lúa ấy đã trở thành ruộng đậu xanh, ruộng lạc.

Nhờ chuyển đổi cây trồng, bà con thu hoạch nhà ít cũng sản xuất được 1 tấn đậu xanh. Nhà nhiều, có khi đạt trên 2 tấn đậu xanh, chính vì vậy mọi chi tiêu trong nhà nhờ vào thu nhập từ vụ đậu hè thu.

Đường bê tông trải dài, rộng rãi, hai bên là bồn hoa cây cảnh tô điểm cho làng quê xanh đẹp.

Nhân dân đồng lòng tạo nên kỳ tích

Hưởng ứng mục tiêu quốc gia xây dựng NTM xã Đức Hương huyện Vũ Quang về đích NTM vào năm 2016. Thôn Hương Phố tự “về đích” trước một năm. Nghĩa là năm 2015, mặt trận thôn là 19 tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM của Trung Ương thấy thôn mình đã hoàn thành. Ban mặt trận thôn do ông Đặng Văn Thuận – Bí thư chi bộ làm trưởng ban mặt trận và ông Nguyễn Văn Toàn làm xóm trưởng đã mở nhiều cuộc họp toàn dân bàn và hạ quyết tâm thực hiện “tiêu chí số 20” của tỉnh Hà Tĩnh là “xây dựng khu kiểu mẫu nông thôn mới”.

Phát triển kinh tế vườn đồi trồng cam là điều kiện để bà con nơi đây vươn lên xoá nghèo, bền vững kinh tế.

Được bà con đồng lòng, hiến kế, góp công, góp của xây dựng thôn Hương Phố đạt kiểu mẫu. Sau 3 năm xây dựng, Hương Phố đã làm nên diện mạo mới của xóm làng nơi vùng ngập lụt. Người dân đã đóng góp hàng vạn ngày công, hàng tỷ đồng để mở rộng đường giao thông nội thôn có tổng chiều dài trên 4km. Tất cả các trục thôn đều mở rộng 10m, đổ bê tông dày 25cm và rộng 7m. Hai bên trục đường thôn có mương thoát nước sâu 1m, rộng 0,6m, có bồn hoa cây cảnh khang trang. Được sự giúp đỡ ngân sách của huyện, tỉnh Hương Phố đã xây dựng được nhà văn hóa thôn trị giá trên 600 triệu đồng, trong đó người dân thôn đóng góp 200 triệu đồng.

Đến nay Hương Phố đã xây dựng 45 vườn mẫu đạt thành công và được công nhận 26 vườn mẫu. Các vườn mẫu của thôn chủ yếu là trồng cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhiều vườn mẫu của nhiều hộ gia đình tiêu biểu như gia đình ông Lê Viết Toàn, bà Lê Thị Đào, ông Nguyễn Xuân Hòa…cho thu nhập cao chủ yếu trồng cam chanh, cam bù, mít thái và hàng trăm trụ tiêu.

Vườn mẫu tiêu biểu trồng cam cho thu nhập hàng trăm triệu đồng hàng năm là vườn nhà ông Nguyễn Viết Toàn trồng trên 460 gốc, thu nhập bình quân từ 200 đến 250 triệu đồng. Các hộ chăn nuôi trâu bò theo đàn nhiều nhất là các gia đình ông Lê Hữu Chiến, Lê Văn Toàn, Nguyễn Xuân Vinh nuôi từ 10 con trở lên – Đặc biệt có gia đình ông Lê nuôi đến 45 con trâu, bò giá trị kinh tế rất lớn.

Đến Hương phố có hệ thống ao, đầm, sông rộng hơn 10 hetta là điều kiện để người dân phát triển chăn nuôi gia cầm đặc biệt là chăn nuôi con Ngan. Khi PV hỏi anh Nguyễn Văn Ba – công dân Hương Phố – tại sao gia đình không nuôi vịt mà lại nuôi ngan? Anh Ba thật thật thà chia sẻ “ Nuôi vịt diện hoạt động rộng, hay càn lướt phá hoại lúa nên bà con la rầy. Nhà nông bọn anh bận lắm, nên mỗi lứa nuôi khoảng 400 – 500 con ngan cho dễ quản lý, chỉ cần 1000 m2 (trong đó có 500 m2 đất cạn, 500m2 ao hồ) làm chuồng chăn nuôi chắc chắn là được.”

Giải bài toán kinh tế vùng rốn lũ, bà con thôn Hương Phố xã Đức Hương huyện Vũ Quang đã thành công trong xây dựng NTM là một kỳ tích trong cuộc sống hôm nay.

Bảo Trung – Xuân Vũ

Tin cùng chuyên mục
Tin khác