Hải Dương: "Đòn bẩy" giúp phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao
Cụ thể, vừa qua HĐND tỉnh Hải Dương đã ban hành Nghị quyết số 19/2024/NQ-HĐND sửa đổi Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND ngày 6/11/2023 quy định chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, sửa đổi từ "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng, hỗ trợ không quá 50.000 đồng/m2/năm" thành "hỗ trợ 100.000 đồng/m2 xây dựng nhà màng". Kinh phí dự kiến có thể sử dụng để hỗ trợ xây dựng nhà màng năm 2024 và năm 2025 là 76,4 tỷ đồng.
Đây được xem là cú hích quan trọng, giúp nông dân khôi phục sản xuất sau thiệt hại do bão số 3 gây ra, đồng thời thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Hải Dương đang chứng kiến sự "nở rộ" của các mô hình nhà màng.
Sản xuất trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế vượt trội so với canh tác truyền thống. Năng suất, chất lượng nông sản được nâng cao, giá bán cao hơn gấp nhiều lần. Nhà màng còn giúp nông dân chủ động hơn trong sản xuất, hạn chế ảnh hưởng của thời tiết, giảm thiểu sâu bệnh hại.
Theo số liệu thống kê, toàn tỉnh Hải Dương hiện tại đã phát triển được khoảng 92ha nhà màng và dự kiến sẽ còn tăng nhanh trong vài năm tới khi tỉnh Hải Dương duy trì chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Đây là mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp công nghệ cao kết hợp tưới nước và bón phân tự động, bán tự động. Diện tích nhà màng chủ yếu trồng dưa lưới…
Các mô hình nhà màng đồng thời đã góp phần giảm công lao động, hạ giá thành, cho doanh thu từ 1-3 tỷ đồng/ha/năm, cao gấp 10-30 lần so với trồng lúa, 15 lần so với trồng rau màu thông thường. Lợi nhuận mỗi hecta nhà màng đạt bình quân 750 triệu đồng/ha/năm. Hải Dương hiện tại đang là tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng sông Hồng về sản xuất nông nghiệp công nghệ cao.
Ngoài lợi ích về kinh tế, sản xuất nông nghiệp trong nhà màng, nhà lưới còn góp phần bảo vệ môi trường do hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đồng thời, hạn chế những bất lợi của thời tiết, ít bị sâu bệnh, giúp tăng năng suất và chất lượng sản phẩm. Cùng với đó, tạo việc làm cho lao động địa phương, đặc biệt những người già, các thanh niên trẻ, giúp họ có thu nhập cao hơn, ổn định hơn.
- Cam FVF - Điển hình của ứng dụng công nghệ cao vào phát triển nông nghiệp xanh bền vững
- Hà Tĩnh: Hiệu quả “nhìn thấy được” từ những mô hình kinh tế tập thể
- Long An khởi động Đề án phát triển 125.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
- Nghệ An: Kịp thời khoanh vùng, chỉ đạo sâu sát khi có dịch bệnh trên vật nuôi ở Nam Đàn