Hà Tĩnh: Hiệu quả “nhìn thấy được” từ những mô hình kinh tế tập thể
Chuyển biến tích cực khi tiếp cận vốn vay ưu đãi
Gia đình vốn có truyền thống nuôi hươu sao nên anh Nguyễn Văn Thắng (SN 1992), trú thôn 8, xã Sơn Giang, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh đã sớm học hỏi kinh nghiệm từ ông cha và tiếp tục nghề nuôi hươu. Nhận thấy nếu chỉ bán nhung hươu tươi thì sẽ không đáp ứng hết yêu cầu của khách hàng và khó mở rộng thị trường, anh đã dành nhiều thời gian, công sức để học hỏi, tìm ra công thức sản xuất rượu nhung và cao xương hươu.
Sau những trăn trở, đầu năm 2023, vợ chồng anh Thắng thống nhất thành lập Hợp tác xã (HTX) hươu sao Ngọc Linh với 7 thành viên. Qua đó, tiếp cận nguồn Quỹ hỗ trợ phát triển HTX bằng lãi suất ưu đãi để đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng nhà xưởng, mua máy móc, thiết bị sản xuất các sản phẩm từ nhung và xương hươu.
Với sự đầu tư chỉn chu về mặt chất lượng và mẫu mã, sản phẩm rượu nhung hươu và cao xương hươu của vợ chồng anh Nguyễn Văn Thắng chính thức “ra lò”, được Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP huyện Hương Sơn công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao vào đầu tháng 7/2024. Việc trở thành sản phẩm OCOP đã giúp thương hiệu hươu sao Ngọc Linh khẳng định chất lượng, mở ra cơ hội có thêm nhiều thị trường tiêu thụ sản phẩm.
Không chỉ có vậy, hướng đi mới của HTX hươu sao Ngọc Linh còn giúp bà con tiêu thụ sản phẩm nguyên liệu. Được biết, ngoài đàn hươu của gia đình, anh Thắng còn thu mua nhung và xương hươu của các thành viên trong HTX và bà con tại địa phương. Trung bình mỗi năm, cơ sở tiêu thụ khoảng từ 2 - 3 tạ nhung hươu để sản xuất rượu và khoảng 6 tấn xương hươu, gạc hươu để chế biến sâu thành cao xương hươu.
Anh Nguyễn Văn Thắng, chia sẻ: Các sản phẩm của HTX hươu sao Ngọc Linh hiện đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Trung bình mỗi tháng, HTX xuất bán khoảng hơn 5 kg cao xương hươu và hơn 100 chai rượu nhung hươu, mang lại doanh thu gần 300 triệu đồng, lợi nhuận đạt khoảng 20%. Bên cạnh đó, HTX cũng tạo việc làm cho bốn nhân công với mức thu nhập khoảng 4 triệu đồng/tháng.
Trải nghiệm mô hình của HTX hươu sao Ngọc Linh, ông Lê Đăng Phúc- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: “Ngoài sự thành công của HTX Hươu sao Ngọc Linh, Hà Tĩnh còn xuất hiện nhiều hợp tác xã nông nghiệp có đông thành viên, làm tốt các dịch vụ nông nghiệp khi tiếp cận được nguồn vốn vay ưu đãi, tiêu biểu như: Hợp tác xã Thống nhất Xuân Lam, Nghi Xuân; Hợp tác xã Quỳnh Lương, thị xã Hồng Lĩnh; Hợp tác xã Quang Trung, Đức Thọ…”.
Được biết, sau khi Liên minh HTX tỉnh tham mưu cho UBND tỉnh Hà Tĩnh ban hành Quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX từ tháng 2/2009, với hình thức cho vay lãi suất ưu đãi, nhiều HTX đã tiếp cận, giải quyết được nguồn vốn. Qua đó, có thêm điều kiện để đầu tư mở rộng sản xuất kinh doanh, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho thành viên HTX.
Đột phá nhờ tích tụ ruộng đất
Thực hiện chủ trương tích tụ ruộng đất, liên kết sản xuất nông sản sạch nhằm nâng cao đời sống thành viên. Nắm bắt cơ hội, sau khi thỏa thuận với các hộ dân, anh Nguyễn Hữu Quyền – Giám đốc HTX Nông nghiệp và dịch vụ tổng hợp Liên Nhật đã biến cánh đồng bỏ hoang thành điểm đến tham quan, học hỏi xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nuôi trồng thuỷ sản kết hợp du lịch trải nghiệm ở thôn Trang Liên Nhật, xã Thạch Hạ, thành phố Hà Tĩnh.
Đươc biết, ở một số địa phương tại Hà Tĩnh, nhiều người dân dần bỏ hoang đồng ruộng do trồng lúa lúc được, lúc mất, hiệu quả kinh tế không đáng là bao. Nhận ra “vấn đề”, từ năm 2021, được sự đồng ý của UBND thành phố Hà Tĩnh, HTX Liên Nhật đã vận động các hộ có đất liền kề tham gia vào tổ hợp tác, tiến hành phá bờ, mở rộng theo chính sách tích tụ ruộng đất khoảng 5ha, huy động vốn đầu tư để vừa trồng lúa, kết hợp nuôi xen canh cá, tôm càng xanh theo hướng hữu cơ; trồng hoa tạo cảnh quan thu hút khách du lịch trải nghiệm.
Để có được mô hình vạn người mê như hôm nay, anh Nguyễn Hữu Quyền, chia sẽ: “Từ diện tích ruộng manh mún, bờ thấp, bờ cao, lại nằm ở vùng trũng thì việc “vung tiền” đầu tư làm nông nghiệp chắc ít ai dám nghĩ. Thế nhưng, sau khi được san ủi bằng phẳng thành vùng sản xuất tập trung mới thấy được tiềm năng thực sự, nhận ra cái cần đầu tư”.
Nói về đổi mới tư duy trong làm nông nghiệp của người dân, ông Lê Quang Đức- Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Tĩnh phấn khởi, cho biết: Phát triển nông nghiệp hữu cơ kết hợp du lịch của HTX Liên Nhật đã cho người dân TP Hà Tĩnh và các vùng lân cận được trải nghiệm và tận mắt chứng kiến cách làm mới. Đáng nói, cái quý nhất không chỉ là hiệu quả kinh tế mà còn là sức khỏe của bà con không bị ảnh hưởng bởi thuốc hóa học và môi trường đồng ruộng được trong lành.
Với cách làm này đã cho thấy hiệu quả rõ nét, khi chi phí sản xuất giảm, năng suất, sản lượng tăng; quan trọng nhất, bà con tiết kiệm tối đa sức lao động, tăng thu nhập, thân thiện với môi trường. Được biết, tính riêng vụ mùa thu hoạch đầu tiên, năng suất lúa của HTX Liên Nhật đạt khoảng gần 5 tấn/ha; các loại cá và tôm càng xanh, đạt khoảng 6 tấn/vụ, doanh thu khoảng trên 400 triệu đồng.
Khẳng định nhân tố quan trọng
Với vai trò là cầu nối, hỗ trợ cho các HTX hoạt động và phát triển, Liên minh HTX, Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh đã phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, HTX trên địa bàn. Bên cạnh đó, khuyến khích các HTX đầu tư trang thiết bị, hạ tầng kỹ thuật, tăng đầu tư vốn vào sản xuất, kinh doanh, tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất, phát triển sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập.
Ông Lê Đăng Phúc- Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Hà Tĩnh, cho hay: Kinh tế tập thể trong nông nghiệp đang từng bước khẳng định là nhân tố quan trọng, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị cơ sở, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Bên cạnh “trợ lực” giúp nông dân đổi mới cách làm, các hợp mô hình kinh tế tập thể trong nông nghiệp còn góp phần dẫn dắt kinh tế hộ.
Tại tỉnh Hà Tĩnh, kinh tế tập thể đang từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng, đa dạng về hình thức hợp tác. Đến nay, chỉ riêng lĩnh vực nông nghiệp, toàn tỉnh có 552 hợp tác xã, 2.390 tổ hợp tác và 3 Liên hiệp Hợp tác xã với hơn 33.500 thành viên.
Thực hiện chủ trương, hướng đến những mục tiêu cao hơn, ông Ngô Văn Huỳnh - Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Hà Tĩnh, nhấn mạnh: Hội Nông dân tỉnh đã phát động phong trào thi đua cán bộ, hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Mặt khác, quán triệt, triển khai các chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của Hội Nông dân về phát triển kinh tế tập thể. Thi đua nâng cao chất lượng các dịch vụ tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân về vốn, kỹ thuật, vật tư, thị trường,… thành lập, phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác nông nghiệp…”
- Long An khởi động Đề án phát triển 125.000ha lúa chất lượng cao, phát thải thấp
- Nghệ An: Kịp thời khoanh vùng, chỉ đạo sâu sát khi có dịch bệnh trên vật nuôi ở Nam Đàn
- Nông dân Đồng Tháp chuyển đổi sang sản xuất lúa hữu cơ
- Quảng Nam muốn đưa sâm Ngọc Linh thành sản phẩm chủ lực, thương hiệu quốc gia