Hải Dương có thêm 21 xã nông thôn mới nâng cao và kiểu mẫu
Tỉnh Hải Dương công nhận 13 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2023, gồm: Ngọc Liên, Cẩm Điền, Tân Trường (huyện Cẩm Giàng); Tân Tiến, Gia Tân, Hoàng Diệu (huyện Gia Lộc); Ngũ Phúc, Kim Xuyên, Kim Tân (huyện Kim Thành); Thanh An, Thanh Lang (huyện Thanh Hà); Hợp Tiến (huyện Nam Sách) và Quang Phục (huyện Tứ Kỳ).
Tám xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu năm 2023 được công nhận gồm: Thống Nhất (đạt chuẩn về Văn hóa) và Phạm Trấn (đạt chuẩn về Sản xuất) của huyện Gia Lộc; Cẩm Văn (đạt chuẩn về Sản xuất), Cẩm Đoài (đạt chuẩn về Giáo dục) của huyện Cẩm Giàng; Vĩnh Hoà (đạt chuẩn về Giáo dục) huyện Ninh Giang; Lai Vu (đạt chuẩn về Giáo dục) của huyện Kim Thành, Phú Điền (đạt chuẩn về Văn hóa) của huyện Nam Sách và Tân Kỳ (đạt chuẩn về Giáo dục) của huyện Tứ Kỳ.
Các xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất gồm: Xã Định Sơn, xã Cẩm Văn (huyện Cẩm Giàng) và xã Phạm Trấn (huyện Gia Lộc). Để đạt được tiêu chí trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất, các xã này có hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng nền tảng số trong quản lý điều hành.
Để trở thành xã nông thôn mới kiểu mẫu về sản xuất, các xã này cần đạt được các tiêu chí như có hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và có hợp đồng liên kết theo chuỗi giá trị ổn định; có ít nhất 1 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc 2 sản phẩm OCOP được xếp hạng 3 sao còn hiệu lực; ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, sử dụng nền tảng số trong quản lý điều hành; có từ 1 mô hình sản xuất nông nghiệp trở lên hiệu quả gắn với ứng dụng công nghệ cao hoặc công nghệ số trong sản xuất, đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm. Thu nhập của người dân tối thiểu đạt 74,8 triệu đồng/người/năm.
Theo kế hoạch 1290/KH-UBND của UBND tỉnh Hải Dương về thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, tỉnh này đặt mục tiêu đến hết năm 2025 có ít nhất 60% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (dự kiến 107 xã), có ít nhất 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu (dự kiến 36 xã), có ít nhất 3 huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Về mục tiêu chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh vào năm 2025, tỉnh Hải Dương đặt mục tiêu đến năm 2025 100% cán bộ quản lý các cấp tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được tập huấn, nâng cao năng lực về chuyển đổi số; 90% số hồ sơ công việc cấp tỉnh, 80% số hồ sơ công việc cấp huyện và 70% số hồ sơ công việc cấp xã được xử lý trên môi trường mạng; 50% các mô hình liên kết gắn với vùng nguyên liệu có ứng dụng công nghệ số; 50% số xã, huyện cung cấp ít nhất một dịch vụ thiết yếu và tổ chức lấy ý kiến phản hồi về sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới thông qua ứng dụng trực tuyến…
Để đạt được mục tiêu trên các sở, ban, ngành đoàn thể trong tỉnh cần tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới. Phát triển chính quyền số, thúc đẩy kinh tế số, xã hội số trong xây dựng nông thôn mới. Rà soát, lựa chọn xây dựng mô hình điểm xã nông thôn mới thông minh nổi trội theo một trong những lĩnh vực (kinh tế, du lịch nông thôn, môi trường…) để tập trung chỉ đạo, hướng dẫn triển khai thực hiện.