Xây dựng chính quyền số từ thôn, xã
Bồi dưỡng, tập huấn chuyển đổi số cho người dân
Trực Khang là xã nằm ở phía Nam huyện Trực Ninh, có tổng diện tích đất tự nhiên là 482,28ha với tổng nhân khẩu là 5.680 nhân khẩu với 1.713 hộ được phân bố trong 6 thôn. Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế chung của toàn huyện, xã đã tập trung chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, giống cây trồng, con nuôi đem lại hiệu quả kinh tế cao. Một số ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, thương mại dịch vụ bước đầu phát triển, đời sống nhân dân được cải thiện; tình hình kinh tế - xã hội của xã có nhiều chuyển biến tích cực; kinh tế tăng trưởng với tốc độ khá, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; Đảng bộ chính quyền là đơn vị trong sạch vững mạnh. Xã Trực Khang đã được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2016; NTM nâng cao năm 2021. Ngày 22/5/2024, Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định đã ra Quyết định số 1082/QĐ-UBND công nhận xã Trực Khang đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2023 nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số.
Đạt chuẩn NTM kiểu mẫu nổi trội về lĩnh vực chuyển đổi số, xã đã có 100% cán bộ, công chức xã; 100% thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng của xã, của 6/6 thôn với 87% người dân trong độ tuổi lao động được bồi dưỡng, tập huấn các nội dung về chuyển đổi số. Bưu điện xã thực hiện cung cấp dịch vụ bưu chính, dịch vụ công trực tuyến cho người dân; lắp đặt 11 điểm mạng wifi miễn phí nơi công cộng. Lắp đặt 5 cụm truyền thanh thông minh ứng dụng công nghệ thông tin - viễn thông sử dụng phương thức truyền đưa không dây, có khả năng quản lý, kiểm soát chất lượng tín hiệu từng cụm loa kết nối với 4 cụm loa hữu tuyến (10 loa) đảm bảo phủ sóng 100% địa bàn dân cư xã. Tại trung tâm xã lắp đặt bảng tin điện tử công cộng phục vụ công tác thông tin - truyền thông, các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội và các hoạt động điều hành, chỉ đạo của địa phương. 100% Nhà văn hoá xã, thôn lắp đặt tivi màn hình cỡ lớn chuyên dụng, trang thiết bị âm thanh, wifi miễn phí đảm bảo kết nối internet phục vụ các hoạt động hội họp, sinh hoạt văn hoá, văn nghệ của nhân dân...
Đặc biệt, để lòng dân đồng thuận, chính quyền xã Trực Khang đã xây dựng và triển khai đồng bộ “Hệ thống kết nối trực tuyến từ phòng họp trực tuyến của xã tới 6/6 nhà văn hoá thôn”, với mục đích gần dân hơn, không để xảy ra tình trạng sách nhiễu, chậm trễ trong việc giải quyết các thủ tục hành chính, đón nhận kịp thời những phản ánh của nhân dân trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tạo sự hài lòng, tin tưởng của nhân dân với chính quyền.
Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định yêu cầu các sở, ngành, huyện Trực Ninh và Văn phòng Điều phối NTM tỉnh khẩn trương hoàn thiện hồ sơ theo quy định để trình UBND tỉnh ra quyết định công nhận xã Trực Khang đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh yêu cầu các địa phương noi gương, tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực xây dựng, huy động các nguồn lực để duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí thôn, xã NTM kiểu mẫu.
Tăng cường phát huy hiệu quả hệ thống Chính quyền điện tử
Ông Nguyễn Xuân Phương, Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Trực Ninh nhận định: “Hệ thống kết nối trực tuyến từ phòng họp trực tuyến của xã tới toàn bộ Nhà văn hoá thôn tại xã Trực Khang bước đầu đã mang lại những hiệu quả tích cực trong việc tuyên truyền về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; các quy định của địa phương đến người dân một cách nhanh chóng và tiếp nhận những phản ánh kịp thời của người dân. Qua đó, giúp người dân thuận tiện trong các cuộc họp của xã, thành phần tham dự được mở rộng, thu hút đông đảo nhân dân địa phương tham gia”.
Hệ thống kết nối trực tuyến này đặc biệt hữu ích trong xử lý khi có nguy cơ về dịch bệnh lây lan và thông qua tuyên truyền hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, các nền tảng xã hội (dữ liệu dân cư, thanh toán không dùng tiền mặt...) rất hiệu quả; tuyên truyền các biện pháp đảm bảo vệ sinh môi trường, xây dựng cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... Thông qua hoạt động của hệ thống tiếp nhận và giải quyết kịp thời những phản ánh tích cực từ người dân; tạo sự hài lòng, tin tưởng của nhân dân với chính quyền;, tăng hiệu quả làm việc của các cơ quan và chính quyền xã; tính công khai, minh bạch trong hoạt động quản lý nhà nước được nâng lên;
Theo chỉ đạo của Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Nam Định, để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong xây dựng Chính quyền điện tử, xã Trực Khang cần tập trung một số giải pháp trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; phổ biến, hướng dẫn người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ công trực tuyến và giao tiếp với cơ quan nhà nước thông qua hệ thống Chính quyền điện tử.
Cùng với đó, chính quyền xã cần thường xuyên phối hợp tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu triển khai Chính quyền điện tử. Duy trì đảm bảo an toàn, an ninh thông tin, an ninh mạng, bảo vệ thông tin cá nhân tạo niềm tin cho tổ chức, công dân, doanh nghiệp khi sử dụng các dịch vụ của chính quyền thông qua đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, các nền tảng dùng chung, cơ sở dữ liệu của các ngành; Phát huy tối đa hệ thống bảng thông tin điện tử và truyền thanh thông minh trong quản lý điều hành.
Ông Tống Đức Long - Phó Chủ tịch UBDN xã Trực Khang đánh giá, chính quyền và nhân dân xã chung tay quyết tâm xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân trên địa bàn xã giàu có và thịnh vượng hơn, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đồng bộ, hiện đại tiệm cận với khu vực đô thị. Tới đây, để duy trì và nâng cao hơn nữa các tiêu chí trong xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025, xã Trực Khang tiếp tục thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển, trình độ sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp; chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch; duy trì môi trường, cảnh quan, không gian nông thôn sáng, xanh, sạch đẹp; xã hội nông thôn đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hoá truyền thống, thực sự là miền quê thanh bình.