Tài trợ tới 550 triệu đồng cho dự án trợ giúp pháp lý và hôn nhân gia đình
Dưới đây là phần giới thiệu về Dự án:
Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng Thế giới (World Bank) tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ phát triển xã hội Nhật Bản
Giới thiệu chung về Dự án
Ngày 17/01/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 68/QĐ-BTP phê duyệt Văn kiện Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” do Ngân hàng thế giới tài trợ từ nguồn hỗ trợ của Quỹ Phát triển xã hội Nhật Bản (sau đây gọi là Dự án). Ngày 26/9/2022, Chủ tịch nước đã phê chuẩn Hiệp định viện trợ không hoàn lại cho Dự án này.
- Cơ quan chủ quản: Bộ Tư pháp.
- Chủ dự án: Bộ Tư pháp.
- Đơn vị quản lý thực hiện Dự án: Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp (Ban QLDACT).
- Đơn vị tham gia thực hiện Dự án:
+ Bộ Tư pháp (Cục Trợ giúp pháp lý, Vụ Pháp luật quốc tế, Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp).
+ Sở Tư pháp (Trung tâm Trợ giúp pháp lý) các tỉnh Điện Biên, Yên Bái.
Hợp phần 3 Dự án “Tăng cường trợ giúp pháp lý cho người nghèo và đối tượng yếu thế” hướng tới việc thí điểm thực hiện một số hoạt động nhằm nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý. Hợp phần này gồm các hoạt động huy động sự tham gia của các tổ chức xã hội có đủ điều kiện trong thực hiện các hoạt động trợ giúp pháp lý gắn với việc cải thiện đời sống của người được trợ giúp pháp lý có tính bền vững và đề xuất việc thiết kế một hệ thống kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ TGPL.
Đợt kêu gọi đề xuất tài trợ lần thứ nhất tập trung vào chủ đề trợ giúp pháp lý và hôn nhân gia đình. Ban Quản lý dự án chuyên trách Bộ Tư pháp sẽ cấp tài trợ cho các đề xuất thuộc một hoặc các nội dung sau đây:
Nội dung 1: Tăng cường sự tham gia của các tổ chức đủ điều kiện trong việc nâng cao hiểu biết về quyền được trợ giúp pháp lý miễn phí, trợ giúp pháp lý về các vấn đề pháp luật về hôn nhân gia đình cho người dân, tập trung vào các nhóm dễ tổn thương như phụ nữ, người dân tộc thiểu số và người nghèo. Khuyến khích các đề xuất bao gồm các kênh truyền thông và hoạt động dễ hiểu, dễ tiếp cận, sử dụng ngôn ngữ của đồng bào dân tộc thiểu số như công nghệ thông tin và các công cụ có tính sáng tạo khác.
a. Cung cấp thông tin về tổ chức và hoạt động trợ giúp pháp lý thông qua các hoạt động có sự tham gia của cộng đồng địa phương.
b. Nâng cao nhận thức của đội ngũ cán bộ tại cơ sở, tập trung vào cán bộ cộng đồng có vai trò quan trọng trong quản lý đời sống tại địa bàn dân cư cấp thôn, bản (như già làng, trưởng thôn, trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng…) về trợ giúp pháp lý làm cầu nối để truyền tải thông tin về trợ giúp pháp lý đến người dân.
c. Tư vấn và nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật hôn nhân gia đình (kết hôn, ly hôn, bạo lực gia đình, thừa kế, đất đai, tài sản,…)
Nội dung 2: Nâng cao năng lực tư vấn pháp luật, tham gia kết nối người thuộc diện trợ giúp pháp lý, đặc biệt là phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số và người nghèo với tổ chức thực hiện TGPL
a. Tăng cường năng lực tư vấn pháp luật trong trợ giúp pháp lý cho người thực hiện tư vấn pháp luật của tổ chức được lựa chọn
b. Các hoạt động để kết nối người thuộc diện trợ giúp pháp lý với tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và thể hiện vai trò của dịch vụ trợ giúp pháp lý với việc cải thiện sinh kế.
Ghi chú: Một tổ chức có thể nộp tối đa 03 đề xuất đề nghị cấp tài trợ.
Đối tượng thụ hưởng của các đề xuất: Tất cả các đề xuất phải đảm bảo mang lại lợi ích cho người dân và người cung cấp dịch vụ TGPL tại 2 tỉnh thụ hưởng dự án là Điện Biên và Yên Bái, trong đó có ít nhất một trong những nhóm người dễ bị tổn thương sau đây: (a) phụ nữ, (b) đồng bào dân tộc thiểu số (c) người nghèo (hoặc cận nghèo). Đề xuất cần làm rõ làm thế nào tổ chức nộp đề xuất sẽ bảo đảm những hoạt động đề xuất sẽ tiếp cận được các đối tượng thụ hưởng này.
Tính hợp lệ của tổ chức nộp đề xuất:
Các tổ chức đủ điều kiện tham gia nộp Đề xuất nhận tại trợ thực hiện Dự án là các tổ chức đáp ứng được các yêu cầu đã được quy định tại Sổ tay thực hiện Dự án (được ban hành theo Quyết định số 2008/QĐ-BTP ngày 12/10/2022 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp), bao gồm: các tổ chức đã đăng ký hoặc ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc các tổ chức chưa đăng ký hoặc chưa ký hợp đồng thực hiện TGPL nhưng đáp ứng được đầy đủ các tiêu chí dưới đây:
(i) là các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật Việt Nam, có kinh nghiệm thích hợp và hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận;
(ii) có đủ điều kiện tham gia TGPL theo quy định của Luật TGPL và trực thuộc Hội Luật gia Việt Nam, Hội Luật gia tỉnh Yên Bái, Hội Luật gia tỉnh Điện Biên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Hội Nông dân tỉnh Yên Bái, Hội Nông dân tỉnh Điện Biên; hoặc có đủ điều kiện thực hiện các hoạt động tương tự TGPL và có hệ thống tổ chức ở cấp cơ sở theo quy định của pháp luật Việt Nam;
(iii) Đủ năng lực tuân thủ các yêu cầu ủy thác quản lý tài chính và sử dụng ngân sách của Bộ Tư pháp và Ngân hàng thế giới trong khuôn khổ Dự án.
(iv) Mong muốn thực hiện các hoạt động trong khuôn khổ Dự án để hỗ trợ cho các đối tượng hưởng lợi của Dự án.
Các tổ chức được lựa chọn có trách nhiệm thông báo và thực hiện các thủ tục (bao gồm cả việc xin phép) với chính quyền địa phương về việc thực hiện dự án theo quy định có liên quan.
Thời gian thực hiện các đề xuất: Các đề xuất được thiết kế thực hiện trong khoảng thời gian tối đa là 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tài trợ. Các tổ chức đã thực hiện thành công các đề xuất trong lần kêu gọi thứ nhất có thể tiếp tục nộp đề xuất mới cho các lần kêu gọi tiếp theo.
Ngân sách:
+ Đợt cấp tài trợ này sẽ cấp tối đa khoảng 550.000.000đ/ Đề xuất để thực hiện trong 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tài trợ;
+ Trước khi và trong quá trình thực hiện đề xuất, Ban QLDACT có thể rà soát dự toán chi tiết với Tổ chức được lựa chọn cho phù hợp với nhu cầu chuyên môn, theo đó ngân sách có thể tăng giảm trong khả năng điều phối của Ban QLDACT. Ngân sách tối đa có thể vượt mức 550.000.000đ/đề xuất nếu có cơ sở và giải trình hợp lý, hợp lệ (chỉ áp dụng đối với các Tổ chức được lựa chọn);
+ Tổ chức được lựa chọn phải phân bổ dự toán ngân sách phù hợp, đúng quy định giữa các hoạt động để đảm bảo khả năng thực hiện;
Yêu cầu cụ thể về thiết kế đề xuất: Ngoài những nội dung thông thường trong việc xây dựng dự án như: (a) tính cần thiết của dự án; (b) mục tiêu; (c) đối tượng thụ hưởng và khu vực cần tâp trung triển khai; (d) kết quả cần đạt được; (e) các hoạt động; (f) và dự trù kinh phí thực hiện; (g) dự kiến kế hoạch thực hiện đề xuất trong 12 tháng. các sáng đề xuất cần bao gồm thêm các nội dung sau đây:
Phân tích giới (và phân tích tình hình, đặc điểm các nhóm dân tộc thiểu số hưởng lợi, nếu các đề xuất có liên quan đến đối tượng hưởng lợi là đồng bào dân tộc thiểu số).
Kế hoạch phối hợp với các bên liên quan ở cấp tỉnh và địa phương (bao gồm cả những tổ chức nhà nước và ngoài nhà nước). Kế hoạch này đặc biệt quan trọng đối với các đơn vị nộp đề xuất nhưng trụ sở làm việc (hoặc văn phòng đại diện) không đặt tại tỉnh thực hiện đề xuất.
Dự kiến việc thực hiện các hoạt động đề xuất và cách chia sẻ kết quả của dự án với các đối tượng hưởng lợi, chính quyền các cấp và các bên liên quan khác.
Thông tin nộp hồ sơ ứng tuyển:
Quý Cơ quan có thể tham khảo các thông tin liên quan đến dự án tại Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp và một số phương tiện truyền thông khác. Hồ sơ bản cứng được gửi về cho Ban Quản lý dự án chuyên trách của Bộ Tư pháp qua địa chỉ: Nhà N3, Trụ sở Bộ Tư pháp số 60 Trần phú, Ba Đình, Hà Nội và bản mềm gửi vào hòm thư điện tử <[email protected]>.
Hạn nộp đề xuất Call 1 là trước 17h thứ Sáu ngày 25/10/2024. Ban QLDACT sẽ không trả lại hồ sơ bản cứng mà cơ quan, đơn vị đã nộp./.
Nếu cần biết thêm thông tin chi tiết, xin liên hệ đ/c Nguyễn Quang Huy, Phó Trưởng phòng Tổng hợp và Quản lý hợp tác, Vụ Hợp tác quốc tế; kiêm nhiệm cán bộ Ban QLDACT theo số điện thoại: 024 62739531, số di động 0906254570, email: [email protected].
- Đắk Lắk đưa Cổng Thông tin điện tử của tỉnh lên Zalo
- Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới "Tri thức, đạo đức, sức khoẻ và trách nhiệm"
- Đồng bào các dân tộc “chung tay xây dựng tỉnh Sơn La phát triển xanh, nhanh, bền vững”
- Khai mạc Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Sơn La lần thứ IV, năm 2024