TP. Cần Thơ: Huy động mọi nguồn lực hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới đề ra trong năm 2024
Năm 2024, TP. Cần Thơ dự kiến công nhận thêm 5 xã NTM nâng cao, ước cuối năm 2024 toàn bộ 36 xã của thành phố đều đạt chuẩn NTM nâng cao. Đồng thời, thành phố công nhận thêm 3 xã NTM kiểu mẫu, ước cuối năm thành phố có 10/36 xã NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, chương trình xây dựng NTM của TP. Cần Thơ đang gặp nhiều khó khăn có cả nguyên nhân chủ quan lẫn khách quan nên cần sự chung tay tháo gỡ mới có thể đạt được kết quả như kỳ vọng.
Ông Lê Văn Tính, Phó Chánh chuyên trách Văn phòng điều phối Xây dựng NTM TP. Cần Thơ cho biết: Nguồn lực phục vụ hoàn thành, nâng chất các tiêu chí NTM luôn là bài toán khó đối với thành phố. Ở khu vực nông thôn, người dân sinh sống dọc theo các tuyến giao thông, kênh, rạch nên việc đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng các dự án giao thông nông thôn đòi hỏi phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, có trường hợp phải bố trí tái định cư, tốn nhiều chi phí.
Nhiều địa phương phản ánh gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện Bộ tiêu chí NTM, NTM nâng cao giai đoạn 2021 -2025 bởi hầu hết các tiêu chí đều nâng chuẩn hơn gấp nhiều lần so với giai đoạn 2016-2020. Trong đó, Bộ tiêu chí NTM giai đoạn 2021-2025 tăng 8 chỉ tiêu; NTM nâng cao được bổ sung 34 tiêu chí mới và điều chỉnh 6 chỉ tiêu. Về tiêu chí huyện NTM, bổ sung tăng 22 chỉ tiêu và tiêu chí huyện NTM nâng cao tăng 12 chỉ tiêu.
Với sự bổ sung, điều chỉnh như trên, có nhiều tiêu chí, chỉ tiêu nhỏ cần phải có lộ trình, thời gian để thực hiện. Đơn cử, nhóm tiêu chí về hạ tầng kinh tế xã hội (giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa...) cần phải điều chỉnh kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn; nhóm tiêu chí về kinh tế và tổ chức sản xuất, tiêu chí hành chính công… phải có lộ trình, thời gian dài mới mang lại kết quả.
Cùng với việc nâng chất lượng các bộ tiêu chí, hiện văn bản quy định, hướng dẫn thực hiện một số bộ ngành còn chậm ban hành, chưa đồng bộ, chưa phù hợp thực tế của từng địa phương, vùng miền. Điều này dẫn đến việc phân công đơn vị phụ trách hướng dẫn thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu trong bộ tiêu chí huyện NTM, NTM nâng cao đôi khi chưa phù hợp, làm ảnh hưởng đến tính chủ động trong xây dựng kế hoạch, chỉ đạo và kết quả thực hiện chương trình.
Ngoài ra, tình hình vệ sinh môi trường ở một số xã chưa đảm bảo; cảnh quan môi trường nông thôn từng bước được cải thiện thông qua việc trồng cây xanh, lắp đặt hệ thống chiếu sáng nhưng việc thu gom, xử lý rác thải, nhất là việc phân loại rác tại nguồn vẫn tồn tại nhiều bất cập. Sự quan tâm thực hiện chương trình ở một số xã, huyện đôi lúc chưa sâu sát, thường xuyên và chặt chẽ; các chính sách thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn khó tiếp cận.
Trước những khó khăn đặt ra, TP. Cần Thơ xác định tiếp tục phát huy nội lực, đồng thời chỉ đạo các địa phương tận dụng tối đa tiềm năng để hoàn thành mục tiêu đề ra trong năm 2024.
Ông Lê Văn Tính cho biết thêm: Trong thời gian tới, TP. Cần Thơ sẽ tập trung mọi nguồn lực hỗ trợ các xã, huyện về đích đúng hẹn. Đơn cử, đối với mục tiêu huyện NTM nâng cao Phong Điền, Văn phòng điều phối đã kiến nghị thành phố hỗ trợ huyện sớm khởi công xây dựng nâng cấp mở rộng Trường THPT Phan Văn Trị và Trường THPT Giai Xuân trong quý IV-2024; đồng thời, xem xét bổ sung nguồn vốn để huyện xây dựng Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên đạt chuẩn theo quy định. Đa số các huyện, xã xây dựng NTM của thành phố sản xuất nông nghiệp đóng vai trò chủ đạo trong phát triển kinh tế. Do đó, TP. Cần Thơ luôn quan tâm đến vấn đề phát triển nông nghiệp bền vững góp phần nâng cao thu nhập làm tiền đề huy động nguồn lực trong dân phục vụ xây dựng NTM. Đơn cử như tái cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất; khuyến khích, hỗ trợ hình thành những vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị.
Ban chỉ đạo Xây dựng NTM cấp thành phố, huyện, xã cũng sẽ tập trung kiện toàn Ban chỉ đạo NTM các cấp phù hợp với tình hình mới, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên thực hiện từng tiêu chí, chỉ tiêu. Các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động về xây dựng NTM, phát huy vai trò chủ thể của người dân nông thôn trong xây dựng NTM theo phương châm “Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”. Cùng với đó, các địa phương tích cực huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, nhất là nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp…