'Sẽ đề nghị Chính phủ có Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ phục hồi sản xuất sau bão số 3'
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bão số 3 và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề về sản xuất nông nghiệp ở các địa phương khu vực Bắc bộ, nhất là lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản.
Thống kê ban đầu cho thấy, thiên tai đã làm hơn 3.700 lồng bè nuôi trồng thuỷ sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 3 triệu con gia súc, gia cầm bị chết. Thiệt hại ước tính hơn 4.000 tỷ đồng.
Bộ sẽ chỉ đạo doanh nghiệp, Hiệp hội hỗ trợ người dân
Phóng viên: Thưa Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, bão số 3 và mưa, lũ sau bão đã gây thiệt hại như thế nào đối với ngành Nông nghiệp, và ngành đã có những giải pháp nào để nhanh chóng khôi phục sản xuất nông nghiệp sau thiên tai?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản là 2 lĩnh vực tăng trưởng cao nhất trong các lĩnh vực của ngành nông nghiệp. Tính toán sơ bộ bước đầu, thủy sản thiệt hại khoảng 2.500 tỷ đồng; chăn nuôi là gần 2.0000 tỷ đồng, với kinh nghiệm khắc phục hậu quả bão, lũ ở miền Trung vào cuối năm 2020 và dịch tả lợn châu Phi xảy ra năm 2019 chúng ta có thể áp dụng để sớm khôi phục sản xuất. Về cơ chế, chính sách, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ đề nghị Chính phủ có Nghị quyết chuyên đề về hỗ trợ để phục hồi sản xuất sau bão số 3. Đây là điều rất quan trọng để phục hồi sản xuất đối với các tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi lũ, lụt của cơn bão số 3.
Phóng viên: Thiệt hại trong chăn nuôi và thủy sản lớn như vậy có ảnh hưởng đến nguồn cung thực phẩm thời gian tới hay không, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta biết, riêng về nuôi biển, năm nay phải đạt 850 nghìn tấn, xuất khẩu 800 triệu đến 1 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, với ảnh hưởng rất lớn như thế này cũng như chăn nuôi là phải đạt trên 8 triệu tấn tấn thịt và trên 20 tỷ quả trứng, đây cũng là sự ảnh hưởng đáng kể đối với tốc độ tăng trưởng của 2 lĩnh vực này. Để giải quyết và đảm bảo nguồn cung thực phẩm từ nay đến cuối năm, nhất là dịp trước trong và sau Tết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chỉ đạo các doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng cùng vào cuộc để hỗ trợ con giống, thức ăn, vật tư đầu vào để sớm phục hồi sản xuất, đáp ứng tối đa nhu cầu thực phẩm trước, trong và sau Tết để hạn chế ảnh hưởng đến chỉ số giá tiêu dùng CPI, giá trị xuất khẩu và tăng trưởng của ngành ở mức thấp nhất.
Không điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp
Phóng viên: Nhiều hộ gia đình trong lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản vay vốn rất lớn của ngân hàng khi tổ chức sản xuất, vậy Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những đề xuất nào với Chính phủ trong việc khoanh nợ, giãn nợ hay thực hiện các quyền lợi bảo hiểm cho các chủ trang trại, chủ các lồng bè nuôi trồng thủy sản, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản hiện nay ở quy mô hàng hóa lớn nên nhiều hộ gia đình vay vốn với quy mô lớn nuôi với phương thức hiện đại, nhất là nuôi biển. Như chúng ta biết, có những hộ gia đình mất cả trăm tỷ đồng, vài chục tỷ đồng, để giải quyết trước hết cần có Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ. Thứ hai là tổ chức thực hiện, Bộ sẽ giao cho các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực của ngành họp với các địa phương, doanh nghiệp, Hiệp hội ngành hàng để hỗ trợ các giải pháp kỹ thuật về con giống, vật tư và thức ăn chăn nuôi. Tiếp nữa là đề nghị Chính phủ đình, hoãn, giãn nợ và có những hỗ trợ những doanh nghiệp, hộ gia đình. Đặc biệt là tiếp giải quyết vấn đề bảo hiểm, tái bảo hiểm để phát triển thủy sản, chăn nuôi một cách bền vững hơn. Bộ sẽ có văn bản kiến nghị với Chính phủ chỉ đạo các ngân hàng thương mại trên cơ sở xác nhận của các địa phương về thiệt hại để: đình, hoãn giãn và khoanh nợ; giảm lãi suất thậm chí có những hỗ trợ để sớm phục hồi được sản xuất chăn nuôi và thủy sản trong thời gian ngắn nhất.
Phóng viên: Với những thiệt hại trong cơn bão số 3 vừa qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã có những tính toán điều chỉnh kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng nông nghiệp từ nay đến cuối năm như thế nào, thưa ông?
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến: Như chúng ta biết, sau thiên tai, phục hồi sản xuất là yếu tố quan trọng nhất đối với sản xuất nông nghiệp hiện nay. Về xuất khẩu, tốc độ tăng trưởng cũng như nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng với các địa phương quyết tâm phấn đấu đạt được chỉ tiêu, sẽ không điều chỉnh mà Thủ tướng Chính phủ giao về xuất khẩu nông sản.
Phóng viên: Xin cảm ơn Thứ trưởng.