Nông thôn mới

Huyện Phước Long: Đa dạng kế hoạch trên mọi chỉ tiêu để hoàn thành xây dựng huyện NTM trong 2025

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 07:52 08/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đang nỗ lực, đẩy nhanh tiến độ kế hoạch đề án đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) nâng cao vào năm 2025 bằng những kế hoạch, giải pháp cụ thể trên mọi chỉ tiêu.

Với quyết tâm thực hiện thắng lợi đề án đạt chuẩn huyện NTM nâng cao vào năm 2025, huyện Phước Long xác định công tác giảm nghèo là mục tiêu quan trọng. Để hoàn thành chỉ tiêu này huyện Phước Long đã thực hiện hiệu quả phong trào đỡ đầu hộ nghèo.

Phong trào đỡ đầu hộ nghèo được thực hiện từ nhiều năm trước với sự tham gia của các cơ quan, ban, ngành, doanh nghiệp từ tỉnh đến cơ sở. Theo kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo cuối năm 2023, huyện Phước Long đã giảm được 422 hộ nghèo, tỷ lệ giảm là 1,37% (giảm 422/362 hộ, đạt tỷ lệ 116,5% chỉ tiêu giao) và đã thoát được gần 1.000 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm là 3,22% (giảm 990/855 hộ, đạt tỷ lệ 115,8% chỉ tiêu giao).

Huyện Phước Long đã huy động mọi nguồn lực đầu tư, kêu gọi, vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện tập trung hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo về các chỉ tiêu thiếu hụt như nhà ở, thông tin. Thực hiện các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, cận nghèo như: Hỗ trợ bảo hiểm y tế; hỗ trợ giáo dục; ưu đãi cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất…

Phong trào đỡ đầu hộ nghèo tại huyện Phước Long giúp đỡ được nhiều hộ dân vượt nghèo. Ảnh: ĐVCC

Tính đến tháng 8/2024, các cơ quan, ban, ngành tỉnh, huyện và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phước Long đã trao vốn cho 238/243 hộ nghèo với tổng số tiền hơn 2,6 tỷ đồng, trong đó hỗ trợ nhà ở cho 32 hộ; hỗ trợ vốn cho 206 hộ. Cùng với chủ trương giảm nghèo bền vững, hướng đến mục tiêu xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu, huyện Phước Long xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần thực hiện là nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động địa phương.

Ngoài việc đào tạo nghề từ các cơ sở tư nhân nhỏ ở các địa phương, UBND huyện tích cực chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) thông qua việc tranh thủ các nguồn vốn từ nguồn ngân sách, từ Chương trình mục tiêu quốc gia về dạy nghề và nguồn huy động từ các tổ chức kinh tế, cũng như lồng ghép với các chương trình, đề án: Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM; Đề án khôi phục, phát triển các ngành nghề truyền thống…

Huyện Phước Long quyết tâm đạt huyện NTM nâng cao 2025. Ảnh: ĐVCC

Đồng thời, huyện tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu học nghề, từ đó xây dựng các chính sách phát triển đào tạo nghề cho LĐNT đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của huyện, cũng như đáp ứng nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề phù hợp với điều kiện sản xuất - kinh doanh của các doanh nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh, dịch vụ tham gia dạy nghề cho LĐNT.

Từ đầu năm đến nay, huyện Phước Long đã đào tạo nghề cho hơn 5.000 lao động và giải quyết việc làm cho gần 5.500 lao động, góp phần giải bài toán việc làm cho 4.000 lao động địa phương đạt 105% kế hoạch đề ra. Ngoài ra, huyện còn phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được 56/50 lao động, đạt tỷ lệ 112%. Bên cạnh đó, số lao động của huyện đã trúng tuyển, chờ xuất cảnh đến nay là 18 lao động.

Sau hơn 5 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay toàn huyện có 28 sản phẩm OCOP, trong đó có 14 sản phẩm đạt 4 sao và 14 sản phẩm đạt 3 sao. Xây dựng 4 điểm trưng bày, giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm OCOP trên địa bàn nhằm tạo “thương hiệu” cho các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ; xây dựng một số sản phẩm góp phần nâng cao giá trị sản phẩm và tăng thu nhập cho người dân.

Đoàn công tác của huyện Phước Long đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Ảnh: ĐVCC

Tổ chức, hướng dẫn các bước thực hiện quy trình về OCOP cho các xã, thị trấn trên địa bàn và một số chủ thể OCOP có sản phẩm tiềm năng; liên hệ tư vấn, hỗ trợ, hướng dẫn các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP tiến hành đầu tư máy móc, trang thiết bị tiên tiến hiện đại phục vụ sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, bảo quản, chế biến sản phẩm; thiết kế nhãn hiệu, mẫu mã, bao bì sản phẩm và đăng ký nhãn hiệu sản phẩm OCOP; xây dựng phương án sản xuất - kinh doanh, tiếp cận nguồn vốn; mời chuyên gia tư vấn nâng cấp sản phẩm OCOP để đánh giá và xếp hạng sản phẩm cấp huyện.

Song song với việc phát triển kinh tế, tình hình xây dựng cơ bản (XDCB) của huyện Phước Long không ngừng phát triển. Đi cùng với các công trình XDCB của địa phương thì đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng. Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Phước Long đã phối hợp với UBND thị trấn và các xã kiểm tra tình hình trật tự xây dựng (TTXD) các công trình nhà ở riêng lẻ theo kế hoạch.

Theo đó, huyện Phước Long đang lập hồ sơ mời thầu thực hiện đồ án Quy hoạch xây dựng vùng huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050; Lập hồ sơ mời thầu đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thị trấn Phước Long, huyện Phước Long, tỉnh Bạc Liêu đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050; Xây dựng phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Dự án nhà ở thương mại và chợ trung tâm huyện Phước Long. Đồng thời, tiếp tục vận động hộ dân nhận tiền bồi thường giải phóng mặt bằng.

Ðảng bộ, chính quyền các xã, thị trấn của huyện Phước Long đã thực hiện tốt công tác dân vận, nêu cao vai trò chủ thể của người dân. Qua đó, thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thực hiện với các công trình, phần việc cụ thể như: thực hiện có hiệu quả Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống gia đình Việt Nam.

Để hoạt động đạt hiệu quả và đi vào chiều sâu, huyện đã thành lập 7 tổ tư vấn, 8 đường dây nóng và 18 câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình, từ đó không có xảy ra vụ việc bạo lực gia đình đến mức phải đưa ra xử lý theo quy định pháp luật. Nhờ đó, đến nay toàn huyện có 30.294 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm tỷ lệ 98,90%; giữ vững 7/7 xã đạt chuẩn văn hóa NTM và thị trấn đạt chuẩn đô thị văn minh.

Các phong trào văn hóa, thể dục, thể thao phát triển, tạo sân chơi bổ ích, lành mạnh cho các tầng lớp nhân dân. Huyện Phước Long thường xuyên tổ chức sự kiện, chương trình, giải thể thao cấp xã, cấp huyện chào mừng các ngày lễ, tết. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng NTM, đô thị văn minh trên địa bàn ngày càng phát triển, được người dân đồng lòng tích cực tham gia. Công tác giữ gìn an ninh trật tự cũng được phát huy tối đa nhờ những tổ tự quản, tự phòng, cổng an ninh trật tự liên xóm, ấp… đã phát huy hiệu quả, tạo sự yên bình.

Ngoài ra, huyện Phước Long đã thường xuyên có đoàn tham quan, học tập trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại các tỉnh trên cả nước. Vừa qua, trong 2 ngày 31/8 và 1/9, Đoàn công tác của huyện Phước Long do ông Nguyễn Chí Thiện, Bí thư Huyện ủy làm Trưởng đoàn, đã đến tham quan, học tập, trao đổi kinh nghiệm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững tại huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác