Nông thôn mới

Cà Mau: Toàn lực xây dựng NTM để phục vụ người dân

Vân Nguyễn- Ngọc Đại - 10:09 07/09/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) – Tỉnh Cà Mau đang đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới (NTM) bằng nhiều giải pháp, phương án và thu về được hiều kết quả đáng kỳ vọng. Trong đó, tỉnh Cà Mau xác định lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, xây dựng NTM mục tiêu cuối cùng là phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Với 77% dân số sống ở các vùng nông thôn và kinh tế ngư - nông - lâm nghiệp chiếm hơn 32% trong cơ cấu kinh tế toàn tỉnh. Mục tiêu của tỉnh Cà Mau là phấn đấu trong năm 2025, toàn tỉnh 80% xã đạt chuẩn NTM và có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao.

Ðể đạt được mục tiêu đề ra theo kế hoạch năm 2025 là không hề đơn giản. Đến nay, toàn tỉnh có 60/82 xã đạt chuẩn NTM và có 3 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (Tân Dân, Tắc Vân và Lý Văn Lâm); có 1 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn NTM (TP. Cà Mau). Do đó, việc phát triển kinh tế nông nghiệp, cải thiện đời sống người dân được tỉnh Cà Mau xác định là yếu tố cốt lõi trong xây dựng NTM, NTM nâng cao.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh Cà Mau có 58 cơ sở trồng trọt được chứng nhận VietGAP và tương đương. Cụ thể, có 20 cơ sở được chứng nhận VietGap, 18 cơ sở được chứng nhận hữu cơ, 12 cơ sở được chứng nhận lúa an toàn và 8 cơ sở được chứng nhận lúa sinh thái. Toàn tỉnh có 187 hơp tác xã (HTX) nông nghiệp đang hoạt động với hơn 3.749 thành viên; có 939 tổ hợp tác (THT) và 28 trang trại đáp ứng các tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Các phong trào của HND tỉnh Cà Mau được các hội viên, người dân tích cực tham gia. Ảnh: ĐVCC

Việc chú trọng sản xuất, phát triển kinh tế, tỉnh Cà Mau đặc biệt quan tâm đến vấn đề nghề nghiệp, lao động nông thôn. Tính từ đầu năm đến nay, tỉnh Cà Mau đã giải quyết việc làm cho hơn 36.000 người. Trong đó, việc làm trong tỉnh hơn 12.000 người, ngoài tỉnh gần 24.000 người, đưa 338 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Lực lượng lao động ngoài tỉnh, làm việc ở nước ngoài, đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân, góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển nông thôn.

Trong quá trình xây dựng NTM, công tác dân vận được quan tâm, chỉ đạo sát sao từ các cấp ủy đảng, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở. Kết quả, đã huy động được hàng trăm ngàn ngày công, hiến hàng ngàn mét vuông đất làm đường, tự tháo dỡ tường rào, cổng ngõ để mở rộng, nâng cấp đường giao thông nông thôn.

Đồng thời, hỗ trợ tiền và hiện vật có giá trị hàng trăm tỷ đồng thực hiện chính sách an sinh xã hội, như: Thăm tặng quà, cất mới, sửa chữa nhà, tặng học bổng, mua bảo hiểm y tế...; xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như: Sửa chữa, xây mới cầu giao thông, làm đường bê tông nông thôn; kiên cố hóa kênh mương nội đồng; thắp sáng đường giao thông nông thôn; trồng hoa ven đường...

Phát triển kinh tế tập thể, nghề nghiệp giúp người dân thoát nghèo được tỉnh Cà Mau chú trong. Ảnh: ĐVCC

Trong đó, có thể kể đến như các mô hình ở lĩnh vực kinh tế có mô hình: Đưa màu xuống ruộng; Tiết kiệm giúp nhau xóa đói, giảm nghèo; Trồng cây ăn trái kết hợp với nuôi cá đồng; Vận động nhân dân xây dựng tổ hợp tác trồng màu; Trồng và bán hoa Tết gây quỹ chia sẻ yêu thương… Lĩnh vực văn hóa - xã hội có mô hình: 5 không, 3 sạch; Xây dựng tuyến dân cư NTM kiểu mẫu… Lĩnh vực quốc phòng- an ninh có mô hình: Kết hợp huấn luyện dã ngoại làm công tác vận động quần chúng; Ánh sáng an ninh; Thắp sáng ước mơ hoàn lương.

Để hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp sản xuất, phát triển kinh tế Sở Công Thương tỉnh Cà Mau hỗ trợ, tạo điều kiện cho chủ thể tiếp cận nguồn vốn khuyến công qua các đề án khuyến công để hỗ trợ máy móc, thiết bị hiện đại. Ngoài ra, các sở, ngành triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại thúc đẩy liên kết, quảng bá, giới thiệu sản phẩm bằng nhiều hình thức đến các thị trường tiềm năng.

Trong công tác chuyển đổi số tỉnh Cà Mau đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, làm chủ thể trong chuyển đổi số, mục tiêu cuối cùng là phục vụ cho người dân, doanh nghiệp. Trong lĩnh vực tài nguyên và môi trường, thực hiện chuyển đổi toàn bộ dữ liệu địa chính của 06 huyện, thành phố từ phần mềm quản lý đất đai Vilis sang Hệ thống thông tin quản lý đất đai VNPT iLIS, hỗ trợ giải quyết các thủ tục hành chính và tra cứu thông tin về đất đai cho người dân, doanh nghiệp.

Cổng thông tin Du lịch Cà Mau đã cập nhập dữ liệu thông tin 49 cơ sở lưu trú; 15 nhà hàng; giới thiệu 126 món ẩm thực đặc sản Cà Mau, 13 tour du lịch được đăng bán và 117 điểm đến du lịch trong tỉnh. Từ đầu năm đến nay đã có hơn 35.500 lượt truy cập, tìm hiểu và mua dịch vụ thông qua Cổng thông tin Du lịch Cà Mau.

Triển khai xây dựng “Phần mềm Cơ sở dữ liệu chuyên ngành phục vụ sản xuất nông nghiệp tỉnh Cà Mau”, ứng dụng “Nông nghiệp Cà Mau” sử dụng trên thiết bị di động cung cấp thông tin, dữ liệu trên tất cả các lĩnh vực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong quá trình nuôi trồng, sản xuất, kinh doanh. 100% doanh nghiệp, tổ chức kinh tế và gần 1.000 hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; dịch vụ Mobile Money của VNPT và Viettel hiện nay có trên 21.000 tài khoản của người dân đăng ký sử dụng để thanh toán không dùng tiền mặt; có gần 20.000 chữ ký số cá nhân đã triển khai trong các đơn vị hành chính sự nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 142 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP; trong đó 29 sản phẩm 4 sao, 113 sản phẩm 3 sao. Tuy nhiên, hiện chưa có sản phẩm OCOP nào của địa phương đạt 5 sao. Dự tính đến cuối năm nay, địa phương sẽ phát triển mới và tiêu chuẩn hóa ít nhất 40 sản phẩm, công nhận mới ít nhất 30 sản phẩm đạt từ 3-4 sao (có ít nhất 1 sản phẩm dịch vụ du lịch cộng đồng/du lịch sinh thái/điểm du lịch được công nhận sản phẩm OCOP), dự kiến nâng tổng số sản phẩm được công nhận trên địa bàn tỉnh đạt 168 sản phẩm; có ít nhất 50% chủ thể OCOP tham gia vào các kênh bán hàng hiện đại, như: hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, sàn giao dịch thương mại điện tử...

Điểm nhấn trong triển khai thực hiện Chương trình OCOP của tỉnh Cà Mau là chú trọng kết hợp chuyển đổi số và tiêu thụ sản phẩm để tạo cầu nối bền vững, hiệu quả giữa nông dân và người tiêu dùng. Hiện nay, tỉnh Cà Mau có 140 sản phẩm đã được kết nối trên sàn giao dịch thương mại điện tử madeincamau.com; 57 sản phẩm trên sàn Buudien.vn; 35 sản phẩm của 24 chủ thể thực hiện truy xuất nguồn gốc trên Cổng truy xuất nguồn gốc của tỉnh; 46 sản phẩm của 17 chủ thể được đưa vào các hệ thống phân phối uy tín trong và ngoài tỉnh.

Hội Nông dân (HND) tỉnh Cà Mau tổ chức tốt và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào nông dân, nhất là Phong trào “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”; phong trào thi đua “Cán bộ, hội viên nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể”; phát huy vai trò nòng cốt của HND tỉnh trong phát triển nông nghiệp và xây dụng NTM.

Đến nay có 9/9 huyện trong tỉnh Cà Mau có các hoạt động trưng bày, giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng của địa phương và các sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP do hội viên, nông dân sản xuất; vận động xây dựng 17 căn nhà “Mái ấm nông dân” cho hội viên nghèo; 02 cầu giao thông nông thôn; gần 50 mô hình về hoạt động ra quân trồng cây xanh, đường hoa, tổ an ninh trật tự, ấp - khóm xanh - sạch đẹp.

Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh Cà Mau đã giúp cho 2.951 lượt hộ nông dân vay vốn phát triển kinh tế, mở rộng quy mô sản xuất, vươn lên thoát nghèo và nhiều hộ đã vươn lên khá, giàu, nhiều hộ trở thành hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động ở nông thôn; thu nhập bình quân của hộ vay vốn từ Quỹ Hỗ trợ nông dân tỉnh tăng thêm 10% - 20% so với trước khi chưa tham gia dự án vay vốn.

Ðảm bảo thực thi hiệu quả trong thực tiễn đời sống khi việc phân loại rác tại nguồn được bắt buộc thực hiện đồng bộ trên cả nước từ ngày 1/1/2025, vừa qua, HND tỉnh Cà Mau đã tiến hành lên kế hoạch, phương án, phối hợp với các cấp chính quyền tiến hành xây dựng các mô hình phân loại rác thải trên địa bàn.

Ngoài ra, tỉnh Cà Mau thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, tuyên truyền, hội nghị tập huấn cho cán bộ, người dân. Cử các đoàn công tác đến tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại các địa phường trên cả nước. Vào tháng 6/2024, Đoàn công tác của tỉnh Cà Mau do đồng chí Nguyễn Văn Quân, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh làm Trưởng đoàn, cùng đại diện lãnh đạo một số sở, ngành, phòng ban của huyện, lãnh đạo các xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau đã đến tham quan, học tập kinh nghiệm xây dựng NTM tại Đắk Lắk.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác