“Để người dân tin và làm theo, mình phải đi đầu...”
Làm trước để dân theo
Gắn bó với mảnh đất Mỏ Vàng - một trong những xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái - từ khi sinh ra, ông Minh thấu hiểu những khó khăn, vất vả mà người dân nơi đây đã trải qua.
Ông Minh chia sẻ: Ngày trước thôn Trung Tâm và xã Mỏ Vàng nghèo lắm, tỉ lệ mù chữ cao. Ông chỉ học hết lớp 4 phổ thông và học tiếp bổ túc, gọi là hết lớp 8 đã không có lớp nữa. Thời bấy giờ, ông Minh được coi như người học cao nhất thôn Trung Tâm. Thế là ông được mời đi dạy lớp vỡ lòng, khi ấy chỉ mới 17 tuổi.
Vì biết tính toán nên chỉ dạy hơn 1 năm, ông được cử đi học lớp đào tạo kế toán trưởng hợp tác xã (HTX) Mỏ Vàng. Ông làm 1 khóa kế toán, sau đó được tín nhiệm bầu làm Phó Chủ nhiệm và Chủ nhiệm HTX 2 khóa.
Khi ấy, đời sống bà con vô cùng khó khăn, cái ăn cái mặc còn túng thiếu. Với vai trò là Chủ nhiệm HTX, ông đã chỉ đạo mở hai mương dẫn nước tại thôn Khe Hóp và thôn Trung Tâm, mỗi mương dài hơn một cây số, đi qua núi đá để dẫn nước về ruộng.
Nhờ đó, thay vì chỉ trồng được một vụ lúa mà vẫn thiếu nước, người dân đã trồng được 2 vụ lúa và trồng hoa mầu vào vụ Đông. Từ đó, đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt. Sau hơn 11 năm làm việc ở xã, vì yêu cầu công việc phải có bằng cấp, tổ chức cử ông đi học. Tuy nhiên, ông nhận thấy tuổi đã cao nên xin nghỉ công tác.
Về thôn, ông được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ, Người có uy tín thôn Trung Tâm từ năm 2013 cho đến nay. Khi hỏi được dân bản tín nhiệm bầu là người có uy tín có khó hay không? Ông Minh bộc bạch: “Trước lúc được bầu, tôi vẫn luôn nói là làm và làm trước, đi trước. Tôi chẳng bao giờ nghĩ rằng làm thế để được bầu là Người có uy tín vì đâu biết trước chuyện đó. Nhưng cũng lại rất khó vì đã được dân bầu rồi thì mình phải cố gắng làm cho tốt hơn”.
Nghĩ là làm, ông tích cực vận động đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo; tuyên truyền tới bà con những cách làm ăn mới, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phù hợp với điều kiện vùng cao. Đặc biệt là phát huy thế mạnh của cây quế, loại cây truyền thống gắn bó lâu đời với người dân địa phương. Bản thân ông gương mẫu, tích cực làm trước để động viên mọi người; có khó khăn gì ông cùng bàn cách tháo gỡ, khắc phục.
Ông Minh chia sẻ, để cho người dân tin và làm theo, trước tiên mình phải tiên phong trong phát triển kinh tế. Ông là những người trồng quế đầu tiên ở thôn Trung Tâm, từ những năm 1967. Thời điểm ấy, người dân còn du canh, du cư, cuộc sống không ổn định, nhận thấy trồng quế có hiệu quả, ông đã vận động người dân cùng trồng, tuy nhiên bà con sợ không được giá, trồng không ai mua nên còn dè dặt. Đến những năm 80, khi ông đã thu hoạch quế rất hiệu quả, thì người dân mới học tập trồng theo.
Đến nay, cả thôn Trung Tâm hiện có 701ha quế, nhiều nhất xã Mỏ Vàng. Nhờ cây quế mà mặc dù là thôn thuộc xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, 98% là đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng đến nay đời sống người dân không ngừng được cải thiện; số hộ khá giàu, có nhà xây kiên cố ngày càng tăng. Năm 2020, thu nhập bình quân của người dân thôn Trung Tâm đạt 36 triệu đồng/người/năm, cao thứ 2 trong xã.
Riêng gia đình ông Minh có thu nhập ổn định trên 200 triệu đồng mỗi năm từ bóc tỉa quế, trong đó có 19ha quế từ 5 - 10 năm tuổi, gần 2ha quế 20 - 30 năm tuổi. Các con của ông đều ngoan ngoãn, chăm chỉ làm ăn, sau khi dựng vợ gả chồng đều có cuộc sống và thu nhập ổn định.
Nỗ lực xóa bỏ hủ tục, giữ gìn bản sắc dân tộc
Trông nhà mình mà ra, ông Minh thấy có kinh tế ổn định thì người dân sẽ có sức, đủ sức, bền sức đóng góp xây dựng các công trình, xây dựng nông thôn mới.
Rõ là thế, nhớ khi có chủ trương xây dựng Trạm Y tế xã mới, ông Minh chỉ nói thế này: “Người đông dần, muốn nơi chăm sóc sức khỏe rộng hơn, tốt hơn thì bà con có thích hơn không?”. “Có lý đấy” - dân bản nghe, gật, góp 11,6 triệu đồng san tạo mặt bằng xây trạm xá. Công trình này xong, công trình khác tới, ông vận động đồng bào hiến đất, xây dựng tuyến đường Tổng Lự, tuyến đường nối cuối làng đi Khe Ngõa trị giá hàng trăm triệu đồng.
Tuyến đường Tổng Lự dẫn vào khu trồng quế vô cùng khó đi ngày nào đã trở nên to rộng, thuận tiện nhờ sức người, sức của, hiến đất mở đường của các gia đình. Ông Minh cũng vận động bà con đóng góp 11 triệu đồng tiền mặt xây dựng đường điện thắp sáng đường quê với tổng chiều dài 0,6km.
Riêng gia đình ông trong những năm qua đã hiến trên 2.000m2 đất để làm đường giao thông, góp phần thuận tiện cho nhân dân đi lại.
Ông còn tích cực tham gia tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chính sách pháp luật của Nhà nước; vận động nhân dân phối hợp với các đơn vị, nhà thầu để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình xây dựng các nhà máy thủy điện trên địa bàn xã.
Là người con dân tộc Dao, ông Minh còn là người tâm huyết với công tác gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Điều ông tự hào nhất là, người Dao đã không còn phân biệt về giới.
Đặc biệt, vấn đề ma chay, cưới hỏi đã có nhiều thay đổi để phù hợp với cuộc sống. Ngày xưa, để cưới vợ phải mất nhiều tiền bạc, nhiều người không lấy được vợ, có những trường hợp nhà nghèo quá, đi ở rể suốt đời không trả được hết nợ; bây giờ nghèo cũng lấy được, không dùng đồng bạc trắng mà chỉ cần một đến hai triệu đồng là xong. Về ma chay, trước kia thường xem ngày đẹp để ra đồng, bây giờ thì người chết không để quá 48 tiếng thì mang chôn...
Hiện nay, ở Mỏ Vàng, đồng bào Dao vẫn giao tiếp bằng tiếng Dao, trẻ em vẫn biết nói tiếng Dao và đặc biệt, người dân vẫn mặc những bộ trang phục Dao truyền thống.... Đây là nét đẹp trong văn hóa đang được họ tiếp tục gìn giữ thực hiện.
“Sự tin tưởng và yêu mến của người dân đối với tôi còn ý nghĩa hơn bội phần những bằng khen, giấy khen”.
Ông Phùng Văn Minh.