Nét đẹp trong văn hóa hiếu học của sĩ tử xứ Đông
Nói đến văn hóa xứ Đông là nói đến Văn miếu Mao Điền nơi đào tạo ra hàng ngàn cử nhân, tú tài cũng như trên 600 tiến sĩ Nho học, nơi tôn vinh đạo học và vinh danh nhiều vị đại khoa Nho học nổi tiếng của đất nước như Tư nghiệp Quốc Tử Giám - Nhà giáo Chu Văn An, Lưỡng quốc Trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi, Danh nhân Văn hóa thế giới, Anh hùng Dân tộc Nguyễn Trãi, Trình Quốc công trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm; Đại danh y Thiền sư Tuệ Tĩnh; Nhập nội hành khiển Tiến sỹ Phạm Sư Mạnh; Thần toán Vũ Hữu; Nghi ái quan tiến sỹ Nguyễn Thị Duệ...
Đền thờ thầy Chu Văn An tọa lạc trên núi Phượng Hoàng, thuộc địa phận phường Văn An, thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Nơi đây với phong cảnh tuyệt đẹp, cũng là nơi nhiều người dân, sĩ tử đến xin chữ mỗi khi dịp Tết đến Xuân về hoặc sát các kỳ thi lớn để tri ân, noi gương các bậc tiền nhân học hành thi cử đỗ đạt.
Theo Ban Quản lý di tích Chí Linh, từ ngày 20-28/5, có khoảng 2.500 học sinh đến tham quan, chiêm bái tại đền thờ Chu Văn An, tại Văn miếu Mao Điền (Cẩm Giàng), trong thời gian này cũng có khoảng 1.500 học sinh đến tham quan.
Con số thông kê trên được nhận định tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái và tăng nhiều lần so với những tháng khác trong năm. Điều này được lý giải bởi đây là khoảng thời gian quan trọng đối với học sinh, nhất là những học sinh lớp 12 chuẩn bị tham gia vào kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông quốc gia.
Không những vậy, tinh thần hiếu học của các sỹ tử xứ Đông còn được thể hiện ở các bạn học sinh chuẩn bị thi vào lớp 6, thi vào lớp 10.... Các em đến thăm, dâng hương tại Đền thờ Chu Văn An, Văn miếu Mao Điền không chỉ để hiểu hơn về các danh nhân, biểu tượng của xứ Đông mà còn để cầu may trong thi cử, học tập.
Để đón tiếp các đoàn học sinh, Ban Quản lý các di tích đã chuẩn bị chu đáo về cơ sở vật chất, cải tạo cảnh quan môi trường, nhân viên hướng dẫn du khách trình tự làm lễ, thuyết minh tìm hiểu về lịch sử, văn hóa tại di tích…