Di sản Văn hóa Sa Huỳnh - Dấu tích ngàn xưa
Nhà trưng bày Văn hóa Sa Huỳnh nằm cạnh đầm An Khê, thuộc tổ dân phố Long Thạnh 2, phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi.
Tại đây, hàng trăm hiện vật, tư liệu, hình ảnh được trưng bày, giúp du khách có cái nhìn sơ lược về nền Văn hoá Sa Huỳnh. Ấn tượng nhất là khu trưng bày những mộ chum Sa Huỳnh cùng nhiều đồ tuỳ táng của người Sa Huỳnh xưa. Ông Nguyễn Hữu Hoàng, du khách từ Đăk Lăk đến đây tham quan rất ngạc nhiên khi tận mắt nhìn thấy những vật dụng, đồ trang sức, công cụ lao động, sản xuất từ xa xưa:
“Những hiện vật trưng bày tại nhà trưng bày văn hoá Sa Huỳnh cho chúng ta cảm nhận những nét độc đáo, những giá trị văn hoá vô giá của người Sa Huỳnh xưa cách đây hàng ngàn năm. Việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Văn hoá Sa Huỳnh rất cần thiết để du khách hiểu rõ hơn về vùng đất Sa Huỳnh, Đức Phổ, Quảng Ngãi”, ông Hoàng cảm nhận.
Nằm trong vùng lõi của nền Văn hoá Sa Huỳnh là gò Ma Vương ở thôn Long Thạnh 2, xã Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ. Gò Ma Vương là di tích khảo cổ có giá trị được người Pháp phát hiện và khai quật vào năm 1909 với nhiều mộ chum và đồ dùng của người xưa. Qua nhiều lần khảo sát, nghiên cứu, các nhà khảo cổ tìm ra rất nhiều di vật của nền Văn hoá Sa Huỳnh.
Qua nhiều cứ liệu minh chứng, tỉnh Quảng Ngãi được xem là cái nôi của nền Văn hóa Sa Huỳnh. Trong số hơn 80 địa điểm được phát hiện và nghiên cứu, hiện đã có 26 di tích được khai quật. Vùng lõi văn hoá Sa Huỳnh cần được bảo vệ đặc biệt rộng hơn 1.600 ha gồm: Di tích Long Thạnh (còn gọi là Gò Ma Vương), Di tích Thạnh Đức, Di tích Phú Khương, Quần thể di tích Chămpa trong không gian Sa Huỳnh, đầm An Khê, lạch An Khê - sông Cửa Lỗ.
Theo Tiến sĩ Đoàn Ngọc Khôi, Phó Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp tỉnh Quảng Ngãi, Văn hóa Sa Huỳnh có cách đây khoảng 3.000 năm, kéo dài đến giai đoạn đồ sắt. Cư dân Sa Huỳnh chính là chủ thể tạo ra văn hóa này. Đây là nền văn hóa bản địa chứ không du nhập từ nơi khác đến.
Tiến sĩ Khôi nhận định: “Đây là địa điểm khá đặc biệt vì là điểm đầu tiên phát hiện văn hoá Sa Huỳnh, khu mộ chum Sa Huỳnh. Trong quần thể này, cả các di tích Thạnh Đức, Gò Ma Vương, Phú Khương…, nằm trong quần thể các di tích văn hoá Sa Huỳnh và được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt”.
Ở vị trí trung tâm của không gian Văn hóa Sa Huỳnh, Gò Cỏ là một ngôi làng cổ ven biển còn lưu giữ nét mộc mạc, những gành đá cổ, giếng cổ, dấu tích của người Chăm Pa xưa. Gò Cỏ, điểm du lịch cộng đồng đang hấp dẫn du khách thập phương.
Bà Bùi Thị Vân ở phường Phổ Thạnh, thị xã Đức Phổ cho rằng, người dân nơi đây đã biết gắn việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản từ xa xưa để làm du lịch, mang lại cho du khách những cảm giác thú vị, thoả mái từ các làn điệu dân ca: “Tâm tư, nguyện vọng, mơ ước, những gì trước đây gì đưa vào trong bài hát. Lao động cực khổ, cuộc sống vất vả như vậy nhưng nhờ lời ca, tiếng hát tạo động lực, đem lại tinh thần cho người lao động sảng khoái, không thấy mệt mỏi.”
Để phát huy giá trị Di tích Quốc gia đặc biệt Văn hóa Sa Huỳnh, tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục tăng cường công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể. Qua đó, xây dựng Sa Huỳnh, thị xã Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi trở thành điểm đến hấp dẫn với nhiều giá trị văn hoá, lịch sử, biển, đảo độc đáo.
Ông Trần Hoàng Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: “Tỉnh hỗ trợ thị xã Đức Phổ phát triển, phục dựng các làng nghề, các hoạt động văn hoá, truyền thống của người dân Sa Huỳnh để hình thành nên các điểm du lịch xanh, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn… Đồng thời, xây dựng, phát triển huyện đảo Lý Sơn thành Trung tâm du lịch biển đảo Quốc gia theo Nghị quyết 26 của Bộ Chính trị và kết nối các khu điểm du lịch hiện có của tỉnh, sẽ tạo nên Quảng Ngãi, một điểm đến hấp dẫn, nhiều tiềm năng.”./.
Theo VOV