Điểm mới trong Dự thảo đào tạo nghề cho lao động nông thôn
Gần 10 triệu lao động nông thôn được học nghề
Bộ LĐTBXH cho biết trong 11 năm (2009-2020) thực hiện Đề án 1956 - Đào tạo nghề cho LĐNT, đã có gần 10 triệu LĐNT được học nghề. Bình quân hằng nằm có gần 1 triệu LĐNT được học nghề. Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ lao động có việc làm sau đào tạo đạt 89,3%, vượt 9,3% so với giai đoạn 2020- 2035.
Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, có gần 1,2 triệu người đã được các doanh nghiệp tuyển dụng sau học nghề. Trên 400.000 người được doanh nghiệp nhận bao tiêu sản phẩm, trên 61.000 người sau đào tạo đã thành lập các tổ, nhóm sản xuất, doanh nghiệp và tạo việc làm cho nhiều LĐNT khác tại địa phương. Trên 2,3 triệu người tiếp tục làm nghề cũ, nhưng năng suất lao động tăng, tiết kiệm chi phí sản xuất (10-20%), tăng thêm thu nhập, ổn định và bước đầu nâng cao chất lượng cuộc sống; 134.845 lượt hộ nghèo có người tham gia học nghề, có việc làm đã thoát nghèo; 261.361 hộ có người tham gia học nghèo, có việc làm, có thu nhập cao hơn mức bình quân tại địa phương.
Với những kết quả trên Đề án đã góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu lao động, tỷ trọng lao động nông, lâm nghiệp, thủy sản trong tổng số lao động cả nước giảm từ 49,5% năm 2010 xuống còn 33,5% năm 2020. Đến năm 2020 có khoảng 15 ngàn hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả và gần 12 nghìn doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Quá trình cơ cấu lại nông nghiệp đã gắn kết chặt chẽ với xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển hạ tầng, phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân khu vực nông thôn, đảm bảo an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo nghề cho LĐNT trong những năm qua còn tồn tại những bất cập, hạn chế như: Hiệu quả đào tạo nghề còn chưa bền vững, đặc biệt là ở những vùng khó khăn như Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ. Việc đào tạo mới tập trung chủ yếu vào đào tạo sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng, việc đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng cho LĐNT theo hình thức đặt hàng mới thực hiện thí điểm.
Chất lượng lao động trong khu vực kinh tế nông nghiệp được cải thiện rất chậm. Chưa đáp ứng được nhu cầu cung cấp nhân lực cung ứng, ứng dụng công nghệ 4.0, kết nối thị trường và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu... nhằm công nghiệp hóa nông nghiệp. Nguồn lực dành cho công tác đào tạo nghề còn thấp, việc đầu tư chưa đồng bộ, chủ yếu được hỗ trợ trong giai đoạn đầu thực hiện đề án. Từ năm 2016, các Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên không được đầu tư cơ sở vật chất, trong khi đây là lực lượng chính tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Trong bối cảnh thế giới bước vào cách mạng 4.0 và đối mặt với nhiều thách thức từ dịch bệnh thì việc dạy nghề cho LĐNT là nhiệm vụ cấp bách nhằm nâng cao kỹ năng, chất lượng lao động.
Trước thực trạng đó, Bộ LĐTBXH đã xây dựng chương trình đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT. Dự thảo Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2030 nêu rõ tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề, xem đây là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành và xã hội nhằm nâng cao chất lượng LĐNT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, hỗ trợ xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện liên kết doanh nghiệp trong đào tạo là trọng tâm
Dự thảo đề án Đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT được chia làm 2 giai đoạn cụ thể. Theo đó, giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1-1,2 triệu LĐNT được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%.
Giai đoạn 2026-2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt LĐNT. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.
Thực hiện mục tiêu này, dự thảo đưa ra nhiều điểm đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT. Trọng tâm là nâng cao chất lượng đào tạo thông qua việc tổ chức liên kết với các doanh nghiệp xây dựng chương trình, giáo án, đào tạo, tạo việc làm. Đồng thời thực hiện việc thí điểm đào tạo nghề trung cấp, cao đẳng cho LĐNT.
Dự thảo đề án cũng nhấn mạnh mục tiêu của việc đổi mới là nhằm đa dạng hóa các hình thức đào tạo theo hướng mở, linh hoạt, liên thông, hiện đại đáp ứng nhu cầu học nghề đa dạng và ngày một nâng cao của LĐNT. Đồng thời gắn đào tạo với chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, từng bước xây dựng giai cấp Nông dân tiên tiến, hiện đại.
Việc đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT phải được chú trọng cả quy mô lẫn chất lượng đào tạo. Cùng với đó phải gắn với giải quyết việc làm bền vững, tăng thu nhập và phát triển bao trùm. Gắn đào tạo với thế mạnh của từng vùng, địa phương.
Bên cạnh đó, tạo điều kiện bồi dưỡng nhà giáo nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ. Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề, phương tiện vận chuyển lưu động cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để đào tạo nghề cho LĐNT. Trong đó, ưu tiên các cơ sở giáo dục nghề nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trường nội trú và trường chất lượng cao.
Dự thảo nêu rõ kinh phí thực hiện đề án được bố trí từ ngân sách Nhà nước cho các bộ, ngành, địa phương hằng năm và bố trí từ các hoạt động đào tạo nghề trong các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 và giai đoạn 2026-2030. Ngoài ra huy động thêm kinh phí từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động khác cho các hoạt động đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
“Dự thảo đề án Đổi mới đào tạo nghề cho LĐNT được chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn 2021-2025, trung bình mỗi năm có khoảng từ 1-1,2 triệu LĐNT được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp, đào tạo lại, đào tạo chuyển đổi và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác. Trong đó, đào tạo phi nông nghiệp chiếm khoảng 70%, đào tạo nghề nông nghiệp chiếm khoảng 30%.
Giai đoạn 2026 - 2030 tăng quy mô đào tạo, trung bình một năm đào tạo cho khoảng 1,2 - 1,5 triệu lượt LĐNT. Trong đó, đào tạo nghề phi nông nghiệp chiếm khoảng 75%, đào tạo nghề nông nghiệp cho khoảng 25%.
Dự thảo đã được Bộ LĐTBXH trình Thủ tướng Chính phủ lấy ý kiến. Dự kiến đề án sẽ được phê duyệt trong tháng 12/2021.”,
Ông Đào Trọng Độ - Vụ trưởng Vụ Đào tạo Thường xuyên (Tổng cục GDNN)
- Phấn đấu đến năm 2030 đào tạo 50.000 nhân lực có trình độ đại học trở lên phục vụ ngành công nghiệp bán dẫn
- Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị miễn giảm học phí, hỗ trợ sinh viên bị thiệt hại do bão số 3
- Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam xây dựng chương trình đào tạo mới gắn với lợi ích của nông dân
- Hào hứng chào đón năm học mới tại ngôi trường mang tên người anh hùng áo vải Lương Văn Nắm