Làm rõ vai trò của nông dân và giải pháp xây dựng người nông dân chuyên nghiệp
Dự và chủ trì Diễn đàn có bà Võ Thị Ánh Xuân - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; ông Lê Minh Hoan - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; ông Lương Quốc Đoàn - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam; Ông Nguyễn Duy Hưng, Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.
Tham dự diễn đàn có đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành; đại diện một số địa phương, Hội Nông dân các tỉnh, các nhà khoa học, viện nghiên cứu, các doanh nghiệp và 300 nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2017-2022.
Diễn đàn “Nông dân Chuyên nghiệp” thu hút nhiều nhà quản lý, nhà khoa học tham gia
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cho biết: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định, nông dân nước ta phát huy tốt hơn vai trò là chủ thể, tích cực trong chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia hợp tác, liên kết, khôi phục và phát triển ngành nghề nông nghiệp; xây dựng nông thôn mới, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội ở nông thôn.
Nghị quyết 19 Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII một lần nữa khẳng định vai trò chủ thể của nông dân trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, bảo vệ quốc phòng, an ninh, nhấn mạnh vai trò chủ thể của nông dân có tính quyết định đến sự thành công trong tổ chức thực hiện Nghị quyết.
"Để xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, phát triển nền nông nghiệp sinh thái, vấn đề đặt ra ở đây là yếu tố con người. Nông dân làm nông nghiệp, ở nông thôn thì đương nhiên họ đóng vai trò chủ thể trong xây dựng, hưởng thụ, giữ gìn thành quả nông thôn mới trong một tư duy, trình độ nhận thức, vốn hiểu biết tương đương để đảm nhận vai trò chủ thể của mình.
Để tranh thủ cơ hội, đồng thời nhận diện bất cập, khắc phục khó khăn, hạn chế, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Diễn đàn Nông dân Việt Nam với chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp” nhằm tạo cầu nối trao đổi, nhận diện tình trạng, đối thoại cởi mở, thảo luận, đưa ra những đề xuất, kiến nghị xung quanh khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”", ông Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh.
Phát biểu tại diễn đàn, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đánh giá cao Diễn đàn năm nay chọn chủ đề “Người nông dân chuyên nghiệp”, đã thu hút sự tham gia của nhiều nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành và đặc biệt là 300 đại biểu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi trong 5 năm qua, được bình chọn từ các phong trào thi đua yêu nước do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động. Kết quả của diễn đàn hôm nay sẽ góp phần đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước sớm vào cuộc sống. Đồng thời, Phó Chủ tịch Nước biểu dương và chúc mừng những kết quả, thành tích và đóng góp to lớn của 10,2 triệu hộ hội viên nông dân, trong đó có 3,6 triệu hội viên là nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đặc biệt là các đại biểu về dự Diễn đàn.
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân gợi mở một số vấn đề để các đại biểu trao đổi, thảo luận: Một là, Diễn đàn cần tập trung bàn giải pháp để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu mà Nghị quyết số 19-NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20-NQ/TW về kinh tế tập thể. Cụ thể: Duy trì tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt bình quân khoảng 3%/năm; tăng năng suất lao động trong nông nghiệp bình quân từ 5,5 - 6%/năm. Thu nhập bình quân của người dân nông thôn năm 2030 tăng gấp 2,5 - 3 lần so với năm 2020...
Hai là, làm rõ nội hàm khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”? Tri thức hóa nông dân là gì và làm thế nào để mỗi người nông dân thay đổi tư duy, chuyển đổi thành những nông dân chuyên nghiệp? Việc xây dựng người nông dân văn minh, tri thức hóa nông dân đã được nhắc đến nhiều trong thời gian gần đây nhưng việc hiện thực hóa yêu cầu đó không dễ dàng, trước hết cần sự thôi thúc của bản thân người nông dân, cùng với sự chung tay, góp sức của các cơ quan, tổ chức liên quan và toàn xã hội.
Ba là, chúng ta cùng thảo luận, phân tích những vấn đề thực tiễn đang đặt ra đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta; những rào cản làm cho kinh tế nông nghiệp chưa đạt hiệu quả cao, nông dân chưa phát huy hết vai trò chủ thể, chưa quyết định được giá trị của hàng hóa do mình làm ra, nông nghiệp đóng vai trò trụ đỡ nhưng chưa thể trở thành động lực để phát triển kinh tế đất nước.
Đề nghị nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà quản lý hãy thẳng thắn đặt vấn đề và bàn giải pháp tháo gỡ những bất cập đang tồn tại; đồng thời đề xuất với Đảng, Nhà nước cơ chế, chính sách cụ thể, phù hợp hơn với thực tiễn.
Bốn là, để thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 19, Nghị quyết 20 của Trung ương, phát huy vai trò, vị thế của người nông dân trong tiến trình phát triển đất nước, một nhiệm vụ rất quan trọng là vận động, tập hợp, liên kết người nông dân trong việc tiếp cận tri thức, trong đổi mới tư duy, đổi mới cách thức sản xuất, kinh doanh, trong tổ chức cuộc sống, trong ứng xử với môi trường và cộng đồng… Do đó, tại Diễn đàn cần bàn giải pháp để đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Nông dân, của Liên minh Hợp tác xã và các tổ chức liên quan để đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.
Xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp
Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 16/6/2022, Hội nghị lần thứ V Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã nêu rõ quan điểm về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là: "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh", trong đó mục tiêu xây dựng nông dân và dân cư nông thôn có trình độ được coi là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, nhấn mạnh vai trò "làm chủ quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn" của nông dân và dân cư nông thôn.
Bộ NNPTNT cũng đang xây dựng một dự thảo đề án về tri thức hóa nông dân; Hội Nông dân Việt Nam đã và đang triển khai nhiều chương trình hỗ trợ để nâng cao trình độ sản xuất, tiếp cận thị trường của nông dân. Do vậy, theo Ban tổ chức, việc chọn khái niệm "Người nông dân chuyên nghiệp" làm chủ đề của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII sẽ phù hợp với mục tiêu xây dựng nông dân văn minh cũng như tri thức hóa nông dân mà Nghị quyết 19 của Đảng, các ngành chức năng đặt ra.
Thực tế, để đạt được mục tiêu xây dựng người nông dân chuyên nghiệp còn nhiều thách thức, khi nông dân còn gặp những khó khăn về vốn, nguồn lực đất đai trong phát triển sản xuất; thiếu kiến thức kỹ thuật, kỹ năng tiếp cận thị trường để nâng cao chất lượng sản phẩm cũng như tiếp thị nông sản. Mục đích của Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ VII là tiếp tục nhìn nhận, đánh giá những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc của nông dân trên con đường xây dựng hình ảnh người nông dân chuyên nghiệp gắn với phát triển một nền nông nghiệp sinh thái hiện đại.
Để tìm câu trả lời thế nào là người nông dân chuyên nghiệp; người nông dân cần phải làm gì để trở thành nông dân chuyên nghiệp? Những vấn đề đặt ra đối với nông dân trong giai đoạn mới như: Cơ cấu lại sản xuất ngành Nông nghiệp; giải quyết những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản... Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp - phát triển nông nghiệp sinh thái, nông dân văn minh, nông thôn hiện đại.
Tại Diễn đàn các đại biểu được nghe 3 tham luận: Vai trò của người nông dân chuyên nghiệp trong phong trào sản xuất kinh doanh giỏi; Vấn đề tri thức hoa nông dân, thực tiễn và giải pháp; Xây dựng nông nghiệp xanh.
Trong khuôn khổ của Diễn đàn có 2 phần thảo luận – đối thoại: Thúc đẩy liên kết nông dân, doanh nghiệp, phát triển nông thôn hiện đại; Tri thức hóa nông dân: nhìn từ thực tiễn và giải pháp. Ở phần thảo luận – đối thoại đã có một số câu hỏi được các đại biểu đưa ra những vướng mắc, hạn chế trong vấn đề về vốn, chính sách thúc đẩy ứng dụng khoa học công nghệ, đào tạo nghề cho nông dân, thay đổi quy trình sản xuất đảm bảo đầu ra cho nông sản...; Các chính sách hỗ trợ nông dân, nông nghiệp, nông thôn để xây dựng người nông dân chuyên nghiệp.
Các câu hỏi đưa ra trong Diễn đàn đều được các nhà quản lý của các bộ, ban, ngành trả lời thẳng thắn.
Bà Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc HTX Tân Thành, tỉnh Bắc Kạn – chuyên nuôi trồng, chế biến thủy sản, kết hợp du lịch sinh thái cho hay, vấn đề đầu ra của HTX không lo, cái lo của HTX hiện nay là thu mua sản phẩm của người nông dân đang rất cần nhiều vốn lưu động. Rất mong Nhà nước có nguồn vốn ưu đãi nào để cho HTX được tiếp cận.
Trả lời cho câu hỏi về tiếp cận vay vốn của các HTX, người nông dân, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Xuân Bắc cho hay, Phát triển nông nghiệp, nông thôn là một trong những chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Nhận thức được vai trò, vị trí của phát triển nông nghiệp, nông thôn, Ngân hàng Nhà nước đã xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên và có nhiều cơ chế, chính sách để đẩy mạnh tín dụng vào lĩnh vực này.
Thứ nhất, Ngân hàng Nhà nước đã tham mưu chính phủ ban hành Nghị định 55/2015/NĐ-CP, Nghị định 116/2018/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đây là một chính sách trụ cột, có rất nhiều cơ chế, chính sách chi tiết để khuyến khích cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Thứ hai, Ngân hàng Nhà nước quy định trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VNĐ với các lĩnh vực ưu tiên nông thôn, giới hạn lãi suất cho vay thấp hơn thông thường.
Thứ ba, thời gian qua ngành ngân hàng triển khai nhiều chính sách tín dụng đặc thù như cho vay giảm tổn thất nông nghiệp, cho vay khuyến khích phát triển nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch, cho vay phát triển sản xuất nông nghiệp tại các huyện nghèo theo Nghị quyết 30A…
Đặc biệt trong 2 năm (2022-2023), Ngân hàng Nhà nước đang triển khai Nghị định 31/2022/NĐ-CP về hỗ trợ 2% lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh.
Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay vốn, niêm yết công khai tại Chi nhánh, Phòng giao dịch; nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng để tăng cường cho vay không có tài sản bảo đảm.
Với việc triển khai quyết liệt các chính sách như vậy, đến cuối tháng 7/2022, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đạt hơn 2,83 triệu tỷ đồng, chiếm 1,4% dư nợ đối với toàn bộ nền kinh tế.
Về kiến nghị của đại biểu, đây là kiến nghị hết sức chính đáng về vấn đề vốn. Trong thời gian vừa qua, Chính phủ và các bộ, ngành cũng đã quan tâm và tiếp tục nghiên cứu, quan tâm trong thời gian tới.
Đặc biệt, trong tháng 6 vừa qua, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã ban hành hai Nghị quyết quan trọng là: Nghị quyết số 19/NQ/TW về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Nghị quyết số 20/NQ/TW về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới.
Đây là cơ sở chính trị quan trọng để các bộ ngành triển khai các chương trình đẻ thực hiện các Nghị quyết quan trọng này. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật HTX. Đây là cơ sở để các bộ, ngành triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển khu vực nông nghiệp, nông thôn trong thời gian tới.
Về phía Ngân hàng Nhà nước sẽ yêu cầu các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, trong đó có cho vay đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, cho vay vốn lưu động, phục vụ sản xuất – kinh doanh của HTX.
Ông Nguyễn Duy Hưng – Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương đánh giá cao Chủ đề của Diễn đàn là người nông dân chuyên nghiệp "nhưng thực ra người nông dân của chúng ta đã chuyên nghiệp từ lâu rồi. Tại Diễn đàn này, chúng ta đã được nghe đến có nông dân trồng cà rốt xuất khẩu đi Nhật Bản, Hàn Quốc; có nông dân là người dân tộc thiểu số với mô hình sản xuất cá giống lên đến 3 tỷ đồng/năm; có nông dân là anh Ngô Đức Thắng ở Hưng Yên mà tôi đã về thăm với mô hình chi hội nghề nghiệp doanh thu lên đến 100 tỷ đồng. Hay nữ nông dân trẻ ở Hà Nam với mô hình nuôi bò sữa với doanh thu 14 tỷ đồng/năm cũng rất ấn tượng. Còn rất nhiều, rất nhiều các nông dân sản xuất kinh doanh giỏi khác rất ấn tượng về thu nhập của họ.
Chúng ta đã nghe 6 ý kiến của đại biểu nông dân tập trung vào 2 nhóm vấn đề lớn, một là liên kết, hai là chính sách phát triển.
Nông nghiệp thiếu bền vững do nhiều yếu tố, trong đó rất quan trọng là thiếu sự liên kết. Liên kết ở đây giữa nông dân với nhau, đặc biệt là liên kết giữa nông dân với HTX, doanh nghiệp.
Tôi nói ví dụ mô hình chi hội nghề nghiệp nuôi vịt của nông dân Ngô Đức Thắng ở Hưng Yên, một năm với doanh thu 100 tỷ mang lại thu nhập, nâng cao đời sống cho hàng trăm người. Các nông dân đã liên kết, làm tốt khâu liên kết đã sản xuất bền vững.
Tôi đã đi thăm mô hình chăn nuôi ở Nhật Bản, ở đây người ta liên kết với nhau để giữ thương hiệu nông sản rất tốt. Nếu không có sự liên kết mà mạnh ai nấy làm, thì không thể giữ được thương hiệu và không thể tạo ra giá trị. Việc liên kết có thành công hay không phải đến từ 2 phía cả nông dân và doanh nghiệp.
Trung ương thông qua Nghị quyết 20 với hàng loạt các hỗ trợ khác từ Nhà nước. Hỗ trợ chính sách trong đó có vốn, đất đai, sản xuất nông nghiệp tuần hoàn, đây là xu hướng thế giới trong tương lai. Trong nghị quyết có phát triển nông nghiệp sinh thái theo hướng hữu cơ tuần hoàn" - ông Nguyễn Duy Hưng nói.
Phát biểu kết luận tại Diễn đàn, Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn khẳng định: "Sau một buổi sáng làm việc tập trung, trách nhiệm và hiệu quả, Diễn đàn Nông dân Quốc gia lần thứ 7 với chủ đề Người nông dân chuyên nghiệp đã thành công tốt đẹp.
Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin trân trọng cảm ơn đồng chí Võ Thị Ánh Xuân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã đến dự động viên và phát biểu chỉ đạo, thể hiện sự quan tâm sát sao, sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với tổ chức Hội Nông dân và giai cấp Nông dân Việt Nam. Thay mặt cán bộ, hội viên, nông dân cả nước, tôi xin trân trọng cảm ơn, tiếp thu đầy đủ ý kiến phát biểu chỉ đạo của đồng chí Phó Chủ tịch Nước; sớm cụ thể hóa vào các chương trình hành động để triển khai thực hiện.
Một số ý kiến chia sẻ, kiến nghị, đề xuất của các đại biểu nông dân đã trao đổi về các nội dung vấn đề cụ thể, khó khăn cụ thể, nhưng tựu trung và nhìn rộng ra vẫn là những vấn đề đang đặt ra trong phát triển nông nghiệp bền vững, yêu cầu về nhận thức mới, kỹ năng mới của người nông dân và mục tiêu lâu dài, xuyên suốt của công cuộc xây dựng nông thôn mới đã được thể hiện trong chủ trương, chính sách của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Diễn đàn đã làm rõ hơn thông qua góc nhìn của người nông dân về nội hàm của khái niệm “Người nông dân chuyên nghiệp”.
Thay mặt Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, tôi xin cảm ơn và ghi nhận những ý kiến đóng góp, trao đổi trách nhiệm, tâm huyết, sâu sắc của các đại biểu. Những ý kiến đóng góp của đại diện các cơ quan, đơn vị, của đại biểu nông dân, khách quý, Hội Nông dân Việt Nam sẽ nghiêm túc, tiếp thu, phối hợp với các ban, bộ, ngành tổng hợp gửi tới Đảng, Nhà nước, Chính phủ nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Các ý kiến đóng góp quý báu tại Diễn đàn ngày hôm nay cũng đã góp phần giúp Hội Nông dân Việt Nam hoàn thiện hơn các đề xuất, kiến nghị với Đảng, Chính phủ trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng và phát triển tổ chức Hội Nông dân Việt Nam và giai cấp Nông dân Việt Nam trong tình hình mới" - Chủ tịch Lương Quốc Đoàn khẳng định.
"Tại Diễn đàn Nông dân quốc gia lần thứ VII hôm nay, chúng ta đã nghe 3 báo cáo tham luận và 2 phiên thảo luận với tổng số 12 câu hỏi, 18 trao đổi của đại biểu nông dân, Hợp tác xã, giám đốc doanh nghiệp nông nghiệp, nông thôn. Nội dung các tham luận và các vấn đề thảo luận, trao đổi tại Diễn đàn đã góp phần phác hoạ bức tranh toàn cảnh, làm rõ hơn vai trò của nông dân, đặc biệt là người nông dân chuyên nghiệp trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam trong tình hình mới; đã nêu lên được các nhiệm vụ, giải pháp nhằm xây dựng được người nông dân chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu của thực tiễn một nền kinh tế năng động, hội nhập, một hình ảnh Việt Nam năng động, trách nhiệm ngày càng có vị thế, tiếng nói trên trường quốc tế", Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn nhấn mạnh |