Định hướng lớn để phát triển kinh tế tập thể trong giai đoạn mới
Chiều 21/7, tiếp tục Hội nghị toàn quốc nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đã trình bày chuyên đề "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".
Tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương đã dành nhiều thời gian thảo luận và đã thống nhất cao ban hành Nghị quyết mới về "tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới" - Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 16/6/2022 về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới".
Thực hiện chương trình công tác của Trung ương, theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Lê Minh Khái trình bày về: Tính cấp thiết ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW về "Tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới"; nội dung cơ bản của Nghị quyết số 20-NQ/TW, đặc biệt những nội dung mới; các cấp, các ngành, các địa phương cần làm gì để thực hiện có kết quả Nghị quyết, sớm đưa Nghị quyết vào thực tiễn cuộc sống.
Đồng chí Lê Minh Khái đã phân tích sâu sắc về tính cấp thiết ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW; nêu rõ những kết quả đạt được; hạn chế, yếu kém và nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém; 5 quan điểm chỉ đạo nhằm tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; mục tiêu tổng quát, các mục tiêu cụ thể đến năm 2030, năm 2045.
Theo đó, về mục tiêu tổng quát, Trung ương xác định: Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Về mục tiêu cụ thể, Trung ương phấn đấu đến năm 2030, cả nước có khoảng 140.000 tổ hợp tác, với 2 triệu thành viên; 45.000 hợp tác xã với 8 triệu thành viên; 340 liên hiệp hợp tác xã với 1.700 hợp tác xã thành viên; Bảo đảm trên 60% tổ chức kinh tế tập thể đạt loại tốt, khá, trong đó có ít nhất 50% tham gia liên kết theo chuỗi giá trị. Có trên 5.000 hợp tác xã ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; phát triển các chuỗi giá trị nông sản hàng hóa gắn với liên kết sản xuất, cung cấp dịch vụ chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; đẩy mạnh tham gia vào các chuỗi cung ứng đưa sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu trực tiếp ra nước ngoài.
Đến năm 2045: Phấn đấu thu hút tối thiểu 20% dân số tham gia các tổ chức kinh tế tập thể. Mở rộng quy mô hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể, chất lượng hoạt động ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới. Bảo đảm trên 90% tổ chức kinh tế tập thể hoạt động hiệu quả, trong đó có ít nhất 75% tham gia các chuỗi liên kết. Phấn đấu có ít nhất 3 tổ chức kinh tế tập thể nằm trong bảng xếp hạng 300 hợp tác xã lớn nhất toàn cầu do Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA) công nhận. Các tổ chức kinh tế tập thể đều áp dụng công nghệ, nhất là chuyển đổi số vào hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ.
Đồng chí Lê Minh Khái nhấn mạnh, đây là nội dung mới so với Nghị quyết số 13-NQ/TW, trong đó đưa ra những định hướng lớn, mang tính chất dài hạn và những mục tiêu cụ thể, lượng hóa cho từng giai đoạn, làm cơ sở để chúng ta xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện và kiểm tra, giám sát.
Đồng chí Lê Minh Khái cho biết, để thực hiện các mục tiêu trên, Nghị quyết nêu 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp:
Thứ nhất, phải nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - Đây là nội dung quan trọng, cốt lõi khắc phục cho được tồn tại kéo dài và chậm được khắc phục trong thời gian vừa qua và xác định đây là nhiệm vụ trước tiên.
Thứ hai, tiếp tục đổi mới, hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể. Để khuyến khích, phát triển kinh tế tập thể, Trung ương đề ra 8 nhóm chính sách: phát triển nguồn nhân lực; chính sách đất đai; chính sách tài chính; chính sách tín dụng; chính sách khoa học – công nghệ; Chính sách hỗ trợ về thông tin kinh tế, kỹ năng tiếp thị và nghiên cứu thị trường; Chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng và Chính sách bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các tổ chức kinh tế tập thể.
Thứ tư, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với kinh tế tập thể.
Thứ năm, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp và Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đối với phát triển kinh tế tập thể.
Bên cạnh đó Nghị quyết số 20-NQ/TW cũng giao nhiệm vụ cho các cấp, các ngành, địa phương thực hiện để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống.
Đồng chí Lê Minh Khái cho biết, phát biểu tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 5 vừa qua, Tổng Bí thư Ban chấp hành Trung ương Đảng Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Yêu cầu trong thời gian tới phải tiếp tục quán triệt, nhận thức sâu sắc, đầy đủ, thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Trung ương lần này về phát triển kinh tế tập thể phù hợp với yêu cầu và tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của nước ta. Đồng thời, Tổng Bí thư khẳng định sự phát triển kinh tế thị trường là xu thế tất yếu khách quan và phải xuất phát từ nhu cầu thiết thực của các thành viên; tôn trọng các giá trị, nguyên tắc hoạt động của hợp tác xã phù hợp với đặc điểm kinh tế xã hội của từng địa phương, từng vùng và của cả nước. Kinh tế tập thể có nhiều hình thức đa dạng phát triển từ thấp đến cao, trong đó hợp tác xã là nòng cốt.
Theo Báo Chính Phủ