Doanh nghiệp thủy sản lại “kêu cứu”
Theo phản ánh của các DN thủy sản từ năm 2015 đến nay, các nhà máy chế biến thủy sản đang gặp 4 nội dung vướng mắc, bất cập lớn trong việc thực thi 2 văn bản liên quan đến lĩnh vực xử lý nước thải.
Mới đây, đại diện các DN thủy sản, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã kiến nghị Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về những bất cập này.
Theo phản ánh của các DN, tại quy định về quy chuẩn việt Nam (QCVN) QCVN11-MT:2015/BTNMT về nước thải chế biến thủy sản, DN thủy sản có vướng mắc ở 3 nội dung, gồm: Vướng mắc vượt ngưỡng của chỉ tiêu phốt pho; vượt ngưỡng của chỉ tiêu Nitơ – Amoni và bất cập trong việc áp dụng QCVN giữa nhà máy thủy sản trong khu công nghiệp (KCN) và ngoài KCN.
Những bất cập trên khiến hàng năm, có đến 90% số các nhà máy chế biến thủy sản sau thanh, kiểm tra đều bị “vi phạm” và phạt nặng bởi không thể đáp ứng các chỉ tiêu quy định, đặc biệt là chỉ tiêu phospho.
“Vấn đề vi phạm môi trường là vô cùng nhạy cảm đối với các DN xuất khẩu thủy sản hiện nay do liên quan đến các cam kết tuân thủ và trách nhiệm với môi trường trong xuất khẩu thủy sản”- Đại diện VASEP nhấn mạnh.
Vướng mắc thứ 4 là tại khâu liên quan đến nước thải ao nuôi cá Tra, phía ngành Tài nguyên môi trường không đồng ý áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT (của Bộ NN&PTNT) – “Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc gia về cơ sở nuôi cá tra trong ao, điều kiện bảo đảm vệ sinh thú y, bảo vệ môi trường và ATTP” mà yêu cầu nước thải của hoạt động nuôi cá tra phải đạt các chỉ tiêu gây ô nhiễm theo giới hạn quy định tại QCVN 40:2011/BTNMT – “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp” được ban hành theo Thông tư số 47/2011/TT- BTNMT ngày 28/12/2011 của Bộ tài nguyên và Môi trường.
Trong khi đó, thực tế điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra toàn bộ được áp dụng phương án xử lý lắng lọc sinh học trong ao lắng thải. Điều kiện xử lý nước thải trong quá trình nuôi cá tra không phù hợp và khả thi cho phương án đầu tư hệ thống xử lý nước thải theo quy trình xử lý với thiết bị công nghiệp như ở các nhà máy chế biến thủy sản. Do đó, chất lượng nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài yêu cầu có các chỉ tiêu gây ô nhiễm theo giới hạn của QCVN 40:2011/BTNMT là rất khắt khe khó đạt được trong khi điều kiện xử lý chỉ ở phương án áp dụng biện pháp xử lý sinh học trong ao lắng thải.
Trước các tác động không nhỏ của vấn đề đối với công tác xuất khẩu thủy sản, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo các bộ có liên quan sớm xem xét hỗ trợ giải quyết các kiến nghị DN thủy sản để đảm bảo sự hài hòa giữa quản lý nhà nước và các điều kiện của thực tế trên cơ sở khoa học và thông lệ quốc tế.
Theo đó, bỏ chỉ tiêu phospho ra khỏi Dự thảo QCVN 11:2017; Giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và N như trong QCVN 11:2015; Bổ sung khung pháp lý trong Dự thảo QCVN để tạo cơ chế thỏa thuận hợp lý giữa nhà máy thủy sản trong khu công nghiệp với ban quản lý KCN các tỉnh nhằm đảm bảo sự công bằng và hài hòa trong áp dụng QCVN nước thải chế biến thủy sản; Thống nhất áp dụng quy chuẩn QCVN 02-20:2014/BNNPTNT cho nước thải từ ao nuôi cá tra trước khi thải ra môi trường bên ngoài.
Lệ Thu
- Hà Tĩnh: Chàng trai trẻ khát vọng đưa cây dược liệu về làm giàu trên đất đồi
- Đồng Nai: Xây dựng hệ sinh thái nông nghiệp hữu cơ bền vững
- Chỉ thị của Thủ tướng tập trung triển khai các giải pháp phòng, chống dịch tả lợn châu Phi
- Sầu riêng ở Krông Pắc trở thành cây trồng mũi nhọn, tạo thu nhập cao cho bà con nông dân