Đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở trong giai đoạn mới
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở chính là tạo nền tảng vững chắc, góp phần xây dựng Hội NDVN phát triển vững mạnh
Tư tưởng Hồ Chí Minh về cán bộ, công tác cán bộ nói chung, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng, đã trở thành tài sản tinh thần, tư tưởng vô giá, những bài học, những nguyên tắc trong công tác cán bộ của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”; “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém. Đó là một chân lý”; đồng thời Người cũng rất coi trọng vai trò của người cán bộ: “Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, của Chính phủ giải thích cho dân chúng hiểu rõ và thi hành. Đồng thời đem tình hình của dân chúng báo cáo cho Đảng, cho Chính phủ hiểu rõ, để đặt chính sách cho đúng”.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, khi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, trước hết, cần bảo đảm nguyên tắc “thực tiễn sâu sắc”. Chính vì thể, cần đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở để nâng cao trình độ và năng lực làm việc là công việc thường xuyên, liên tục. Chất lượng đội ngũ cán bộ cơ sở Hội là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định đến sự thành công của hoạt động Hội nói riêng và của công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nói chung.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2018 - 2023 đã chỉ rõ: “Cần phải xây dựng đội ngũ cán bộ Hội có bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức tốt, có tư duy sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác Hội; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng vận động nông dân đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới” .
Văn kiện Đại hội VII, Hội Nông dân Việt Nam đã khẳng định: Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam có phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực, luôn dựa vào nông dân và vì nông dân... Xây dựng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, đạt chuẩn theo quy định; “Đổi mới nội dung, phương pháp, chương trình, giáo trình, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam. Tập trung đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, phương pháp luận khoa học và kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội, bổ sung, cập nhật kiến thức mới; chú trọng tập huấn, đào tạo, bồi dưỡng công tác đối ngoại, kỹ năng mềm cho cán bộ cơ sở Hội”
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp từ trung ương đến địa phương là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Hội. Đặc biệt chú trọng đến cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở, tuy là cấp cuối theo tổ chức hành chính bốn cấp gồm cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, phường, thị trấn (hay còn gọi là cấp cơ sở), nhưng có địa bàn rộng, lại là nơi gần dân, cùng dân xây dựng và phát triển phong trào Hội và chăm lo đời sống vật chất, tinh thần trực tiếp cho hội viên, nông dân.
Hội Nông dân ở cơ sở là cấp tiếp xúc trực tiếp với nhân dân. Tuy là cấp thấp nhất trong hệ thống tổ chức Hội Nông dân Việt Nam, nhưng lại là nền tảng, là nơi diễn ra cuộc sống của dân, đồng thời là cấp cụ thể hóa mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Hội Nông dân Việt Nam.
Hệ thống Hội Nông dân ở cơ sở đóng vai trò rất quan trọng trong tổ chức thực hiện các chủ trương, chính sách, đây cũng là cầu nối giữa Hội với hội viên, nông dân. Hội Nông dân cấp cơ sở là nơi rèn luyện cán bộ Hội và hội viên, nơi nắm bắt và phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên và nông dân.
“Giai cấp Nông dân là lực lượng đông đảo trong xã hội, với hơn 10,2 triệu hội viên, rất cần một lực lượng cũng đông đảo cán bộ Hội ở cơ sở để “3 cùng - cùng ăn, cùng ở, cùng làm”, xây dựng đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày càng cao và xây dựng Hội Nông dân Việt Nam vững mạnh, thực sự là tổ chức đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nông dân; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho nông dân”.
Tình hình kết quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở giai đoạn 2016 - 2022
Nghị quyết Đại hội lần thứ VII Hội Nông dân Việt Nam đã chỉ ra các mục tiêu cụ thể: Có 100% cán bộ chuyên trách công tác Hội được tập huấn, bồi dưỡng cập nhật kiến thức canh tác nông nghiệp và kỹ năng công tác nông vận; phấn đấu ít nhất từ 40% chuyên trách Hội Nông dân cấp trung ương và cấp tỉnh biết sử dụng 1 ngoại ngữ trong giao tiếp và trên 80% chủ tịch Hội Nông dân cấp xã ở vùng biên giới biết sử dụng ngôn ngữ nước láng giềng; 100% chủ tịch Hội Nông dân cấp xã được đào tạo có trình độ Trung cấp lý luận chính trị; Trung cấp chuyên môn nghiệp vụ trở lên; 100% cán bộ chi Hội, tổ Hội được bồi dưỡng, tập huấn về kỹ năng, phương pháp công tác Hội.
Trong 5 năm (2016 - 2020), Trung ương Hội đã tổ chức đào tạo 16 lớp Trung cấp ngành Công tác xã hội chuyên ngành Công tác Hội Nông dân cho 867 học viên là cán bộ chủ chốt và dự nguồn chủ chốt Hội Nông dân cấp cơ sở. Quá trình tổ chức đào tạo, Trường Cán bộ Hội đã phối hợp với Trường Chính trị, Trường Cao đẳng Cộng đồng và các tỉnh, thành Hội quản lý chặt chẽ theo đúng các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao đông, Thương binh và Xã hội; Bố trí lực lượng giáo viên giảng dạy có trình độ, đúng chuyên ngành, có kỹ năng, kinh nghiệm sư phạm. Do đó, số học viên tốt nghiệp ra trường đạt 82,6% so với số tuyển sinh đầu vào; kết quả tốt nghiệp xếp loại giỏi 12,2%, xếp loại khá 75,5%, xếp loại trung bình 12,3%. Một số tỉnh Hội đã chủ động đề xuất với Tỉnh ủy, UBND tỉnh chủ trương phối hợp giữa Trường Chính trị tỉnh chủ trì mở lớp Trung cấp lý luận chính trị lồng ghép với lớp Trung cấp Công tác xã hội chuyên ngành Công tác Hội Nông dân do Trường Cán bộ Hội tổ chức. Một số tỉnh, thành Hội đã chủ động phối hợp với các cơ sở giáo dục địa phương tổ chức đào tạo trung cấp, cao đẳng, đại học cho cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở.
Do được đào tạo và học tập, rèn luyện tốt, nên sau khi tốt nghiệp trở về địa phương công tác đa số học viên vận dụng tốt kiến thức, kỹ năng đã học vào thực tiễn công tác, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá cao.
5 năm (2016 - 2020), Trung ương Hội đã mở 89 lớp bồi dưỡng với 7.037 học viên; trong đó có 34 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ chủ chốt Hội Nông dân cấp xã (thời gian 7 ngày/lớp) với 2.966 học viên.
Thực hiện kế hoạch bồi dưỡng cán bộ cơ sở Hội năm 2022, đến 30/9/2022 Trường Cán bộ Hội đã trực tiếp và phối hợp mở 13 lớp bồi dưỡng cập nhật nghiệp vụ Công tác Hội (thời gian 1 tuần) cho 715 học viên là cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Hội.
Tại các địa phương, 5 năm (2016 - 2022), Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã trực tiếp và phối hợp mở 800 lớp bồi dưỡng với 82.853 học viên; trong đó có 286 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội cho cán bộ Hội Nông dân cấp cơ sở (thời gian 7 ngày/lớp) với 22.880 lượt học viên; 509 lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ cho cán bộ chi, tổ Hội (thời gian từ 3-5 ngày/lớp) với 59.711 học viên.
Qua thực tiễn triển khai các lớp bồi dưỡng, tập huấn cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở; mức độ tiếp thu kiến thức lý thuyết, kỹ năng thực hành của các học viên tương đối tốt, thông qua kiểm tra, đánh giá học viên đạt kết quả khá trở lên chiếm 83,5%. Kết quả của việc phát huy, vận dụng kiến thức, kỹ năng của học viên vào thực tiễn công tác được cấp ủy, chính quyền cùng cấp và Hội cấp trên đánh giá cao. Theo báo cáo của các tỉnh, thành Hội số cán bộ đã qua bồi dưỡng tại các địa phương có năng lực công tác tốt bình quân hằng năm chiếm tỷ lệ 35,3%, loại khá 54%, loại trung bình 10,7%. Những con số nêu trên đã phần nào nói lên hiệu quả công tác bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở của Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội.
Thông qua đào tạo, bồi dưỡng trình độ, bản lĩnh, năng lực của đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở đã được nâng lên rõ rệt, góp phần nâng cao chất lượng tổ chức Hội và phong trào nông dân, khẳng định vai trò, vị trí của Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới từ mỗi cơ sở đến các huyện, tỉnh và trên phạm vi toàn quốc.
Thực tiễn chứng minh rằng ở đâu, nơi nào làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở đó công tác Hội Nông dân được triển khai có bài bản, hiệu quả công tác cao, tình hình chính trị, xã hội nông thôn ổn định.
Tuy nhiên, kết quả đạt được về công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở trong thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu và yêu cầu về nâng cao năng lực, trình độ của cán bộ Hội nông dân ở cơ sở trong tình hình mới. Vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ cơ sở Hội chưa được đào tạo bài bản, có hệ thống về công tác vận động quần chúng, nắm bắt phương pháp luận và kỹ năng công tác chưa chắc; trình độ lý luận chính trị, trình độ tin học, ngoại ngữ và khả năng làm việc trong môi trường hội nhập quốc tế còn nhiều hạn chế; năng lực chuyên môn, kiến thức thực tiễn của một số cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Hội nhất là về kiến thức và kỹ năng sản xuất nông nghiệp; một số cán bộ làm công tác xây dựng Hội còn thiếu thực tiễn và chưa ngang tầm nhiệm vụ. Một số nơi chưa thực sự quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở là người dân tộc thiểu số, cán bộ nữ; chưa chú trọng gắn kết giữa quy hoạch với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở. Mặt khác, đội ngũ cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở luôn có sự biến động sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, bầu cử Hội đồng Nhân dân và Đại hội nhiệm kỳ của Hội Nông dân; nhiều cán bộ mới được bổ nhiệm lần đầu hoặc được điều động từ ban, ngành khác sang nên công tác Hội Nông dân còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, chưa được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản, chuyên sâu kiến thức, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Hội Nông dân.
Một số tỉnh, thành Hội chưa chấp hành nghiêm túc chỉ tiêu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ do Trung ương Hội phân bổ hàng năm; Một số địa phương, cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội, chưa bố trí đủ kinh phí cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội.
Hội Nông dân một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn gặp khó khăn trong việc xây dựng chương trình, tài liệu bồi dưỡng, tập huấn phù hợp với thực tiễn công tác Hội ở địa phương. Giảng viên kiêm chức của Hội Nông dân một số tỉnh, thành Hội còn thiếu về số lượng, một số giảng viên kiêm chức chưa được bồi dưỡng về nghiệp vụ sư phạm, nên khi bố trí tham gia giảng dạy các khóa đào tạo, bồi dưỡng còn hạn chế về năng lực chuyên môn và phương pháp sư phạm. Nội dung chương trình bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ, kỹ năng công tác Hội do các địa phương tổ chức còn thiếu tính chuyên sâu, thời gian thực hành kỹ năng ít, chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa sát với đối tượng và đòi hỏi của thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân hiện nay.
Một số giải pháp góp phần đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở, giai đoạn 2023 - 2028
Để phát huy những kết quả, khắc phục các hạn chế trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hôi ở cơ sở. Giai đoạn 2023- 2028, cần tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp chủ yếu sau đây:
Một là, tăng cường, phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam
Để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội trong thời điểm hiện nay; Ban Thường vụ Trung ương Hội cần chỉ đạo có hiệu quả các hoạt động:
Kiện toàn Ban Chỉ đạo Trung ương Hội, đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và Chi hội trưởng Nông dân giai đoạn 2023 - 2029” nhằm tạo cơ chế, thu hút các nguồn lực hợp pháp thúc đẩy, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và cán bộ cơ sở Hội (trong nội dung bồi dưỡng của đề án có 6/12 chương trình bồi dưỡng trực tiếp dành cho cán bộ cấp cơ sở và Chi hội trưởng nông dân).
Chỉ đạo Ban Tổ chức Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với Trường Cán bộ Hội xây dựng, trình Ban Thường vụ thông qua báo cáo kết quả 5 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/HNDTW, ngày 27/7/2017 của Ban Thường vụ Trung ương Hội (khóa VI) về “Tăng cường công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2017 - 2022”. Trên cơ sở đó tham mưu Ban Thường vụ Trung ương Hội ban hành Nghị quyết “Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng, đào tạo cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028”.
Chỉ đạo đổi mới chương trình, tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội; sớm ban hành các Quyết định về chương trình, tài liệu và quy chế bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội giai đoạn 2023 - 2028; nhằm tạo sự thống nhất về chương trình, tài liệu và cơ chế quản lý công tác bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội trong toàn bộ hệ thống Hội Nông dân và trên phạm vi toàn quốc.
Hai là, thực hiện đa dạng hóa các chương trình, nội dung đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở.
Ngày 25/4/2022, Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam ban hành Quyết định số 5319 -QĐ/HNDTW về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam, Quyết định đã giao cho Trường Cán bộ Hội nhiệm vụ “Liên kết với các học viện, trường đại học và cơ sở giáo dục trong nước và ngoài nước đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và một số chuyên ngành liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn và yêu cầu nâng cao năng lực công tác của cán bộ Hội các cấp”.
Ngày 16/01/2020, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã ban hành công văn số 71- CV/HVCTQG gửi Ban Thường vụ Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, công văn ghi rõ: “Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đề nghị Trung ương Hội chỉ đạo các cơ sở đào tạo bồi dưỡng Trung ương Hội tăng cường kết nối, phối hợp với trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gắn việc bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ công tác Hội với các lớp đào tạo Trung cấp lý luận chính trị - hành chính mở riêng cho Hội Nông dân Việt Nam của các tỉnh, thành phố”.
Như vậy, bên cạnh các chương trình, nội dung bồi dưỡng theo Nghị định số 101/2017/NĐ-CP, ngày 01/9/2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Nghi định số 89/2021/NĐ-CP, ngày 18/10/2021 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức; Đề án “Bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp và Chi hội trưởng Nông dân giai đoạn 2023 - 2029”. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân các cấp về trình độ Trung cấp lý luận chính trị và trình độ đại học, cao đẳng cần được Trường Cán bộ Hội chủ động chuẩn bị và phối hợp, liên kết triển khai tại các cơ sở thuộc Trường Cán bộ và tại các tỉnh, thành Hội trên phạm vị toàn quốc, hướng ưu tiên cho đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bội chủ chốt cấp cơ sở và cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Ba là, xây dựng đội ngũ giảng viên đủ về số lượng với chất lượng ngày càng được nâng cao.
Trường Cán bộ Hội cần có giải pháp tập trung xây dựng đội ngũ giảng viên cơ hữu; phấn đấu đến năm 2028, 100% giảng viên cơ hữu có trình độ trung cấp lý luận chính trị trở lên, trong đó 80% có trình độ cử nhân chính trị; 80% giảng viên cơ hữu có trình độ chuyên môn thạc sỹ, trong đó có 20% là tiến sỹ. Duy trì thường xuyên việc bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm và phương pháp giảng dạy tích cực, tiên tiến cho đội ngũ giảng viên. Tổ chức tốt nhiệm vụ đưa giảng viên đi tham quan, nghiên cứu thực tiễn ở cơ sở và thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học để phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Ban Tổ chức Trung ương Hội chủ trì, phối hợp với Trường Cán bộ Hội tham mưu Ban Thường vụ Trung ương Hội xây dựng, phát triển, phát huy đội ngũ giảng viên kiêm chức Hội Nông dân Việt Nam; đây là đội ngũ cán bộ được chọn lọc từ lãnh đạo chủ chốt, chuyên viên cao cấp các ban, đơn vị trực thuộc Trung ương Hội và lãnh đạo các tỉnh, thành Hội nhằm mở rộng phạm vi và nâng cao khả năng khai thác kinh nghiệm thực tiễn của đội ngũ giảng viên kiêm chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội.
Trường Cán bộ Hội cần đề xuất Thường trực Trung ương Hội xây dựng đội ngũ giảng viên thỉnh giảng trong hệ thống Hội và mời các chuyên gia, các nhà khoa học hàng đầu trong nước về nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam tham gia vào công tác biên soạn giáo trình, tài liệu và thực hành giảng dạy các chuyên đề mới, trọng tâm.
Bốn là, xây dựng Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam xứng đáng là cơ sở đào tạo, bồi dưỡng duy nhất của Hội NDVN có chất lượng cao.
Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam được thành lập ngày 03/12/1997; trải qua 25 năm xây dựng, Nhà trường đã có những bước phát triển nhất định góp phần quan trọng vào những thành tựu trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội. Trong giai đoạn 2023 - 2028, là một cơ sở sự nghiệp giáo dục, Nhà trường cần được Đảng đoàn, Thường trực, Ban Thường vụ Trung ương Hội tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện; đồng thời có Quyết định giao phân cấp công tác quản lý cán bộ, từng bước tự chủ về tài chính và chủ động trong quản lý, khai thác tài sản công.
Ban Giám hiệu Nhà trường cần chủ động xây dựng Đề án: “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ của Trường Cán bộ Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2023 -2028” trình Ban Thường vụ Trung ương Hội tạo cơ sở để triển khai các hoạt động xây dựng tổ chức bộ máy, cán bộ, giáo viên; Đa dạng hóa các loại hình, hình thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; xây dựng hệ thống cơ sở vật chất đáp ứng yêu cầu, nhu cầu học tập của đội ngũ cán bộ Hội Nông dân các cấp, nhất là đội ngũ cán bộ Hội ở cơ sở trong giai đoạn mới.
Năm là, phát huy tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân các tỉnh, thành phố trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội Nông dân ở cơ sở.
Trên cơ sở chỉ tiêu Đề án, chỉ tiêu kế hoạch hàng năm của Ban Thường vụ Trung ương Hội; Thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân các tỉnh, thành phố cần chủ động xây dựng Đề án, kế hoạch đào tạo cán bộ Hội phù hợp với thực tiễn của địa phương trình Tỉnh ủy, Thành ủy, Hội đồng nhân dân và UBND tỉnh, thành phố phê chuẩn để triển khai thực hiện. Chủ động phối hợp với trường cán bộ Hội, trường chính trị tỉnh, thành phố trong triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Chú trọng quan tâm, đầu tư xây dựng, phát huy đội ngũ giảng viên kiêm chức trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Đối với các địa phương vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Thường trực, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh cần nghiên cứu, đề xuất lãnh đạo địa phương ban hành cơ chế, chính sách cụ thể để hỗ trợ, động viên cán bộ Hội ở cơ sở tích cực tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ đồng thời tạo nguồn xây dựng đội ngũ cán bộ chủ chốt cấp cơ sở Hội.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ Hội ở cơ sở là xây dựng nền móng vững chắc cho quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động, phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam văn minh.
(1) Hội Nông dân Việt Nam (2019): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội; tr. 11
(2) Hội Nông dân Việt Nam (2019): Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII, Nxb: Hồng Đức, Hà Nội; tr. 59