Thảo luận

Đổi mới và đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp bền vững, hội nhập quốc tế

(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn bền vững là một trong những mục tiêu, định hướng lớn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng. Để hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó huy động nguồn lực ngoài nước thông qua mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là rất quan trọng.

Phát triển nông nghiệp bền vững và phát triển nông thôn bền vững là một trong những mục tiêu, định hướng lớn của Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 - 2030) đã được thông qua tại Đại hội XIII của Đảng. Việt Nam bước vào thời kỳ Chiến lược mới trong bối cảnh biến đổi khí hậu, đại dịch SARS-CoV-2, xung đột quân sự Nga - Ukraina… đang đẩy thế giới vào suy thoái và khủng hoàng trầm trọng, ảnh hưởng nặng nề, nhiều mặt đến quá trình phục hồi tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của nền nông nghiệp Việt Nam nói riêng, phát triển bền vững kinh tế Việt Nam nói chung. Trong bối cảnh đó và để hoàn thành sớm các mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trong Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững, đòi hỏi phải huy động mọi nguồn lực trong và ngoài nước, trong đó huy động nguồn lực ngoài nước thông qua mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế là rất quan trọng. Đây vừa là yêu cầu khách quan, vừa là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự nỗ lực tham gia chung sức và phối hợp của các nhóm chủ thể, các cấp, các ngành và cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng. 

Đóng gói sản phẩm cà phê tại Công ty TNHH Vĩnh Hiệp. Ảnh: Hà Duy

Hợp tác quốc tế nhằm huy động nguồn lực từ nước ngoài cho phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam
Ở Việt Nam, chủ trương “Xây dựng nền nông nghiệp sinh thái phát triển toàn diện cả về nông, lâm, ngư nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững” đã được xác định tại Nghị quyết Đại hội XII và Nghị quyết số 19-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII của Đảng. Trong thời kỳ vừa qua, hoạt động vận động hỗ trợ quốc tế, nhất là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vốn vay ưu đãi và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài là những hình thức hoạt động hợp tác quốc tế quan trọng nhất của Việt Nam và đã thu được nhiều thành quả quan trọng. Theo nguồn số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xét chung toàn nền kinh tế, trong giai đoạn 2004 - 2014, tổng nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi được ký kết nhân danh Nhà nước, Chính phủ vào khoảng 45 tỉ USD; trong giai đoạn 2016 - 2020, việc tiếp cận các nguồn vốn ODA và vay ưu đãi ngày càng hạn chế, tổng vốn ODA và vay ưu đãi thực hiện cả giai đoạn chỉ đạt 306.900 tỉ đồng (tính theo giá so sánh 2010), tương đương khoảng 14 tỉ USD. Tỷ lệ vốn ODA và vay ưu đãi phân bổ vào lĩnh vực nông nghiệp (gồm nông, lâm, thủy sản và thủy lợi) chiếm khoảng 9,5% tổng vốn ODA và vốn vay ưu đãi thực hiện của toàn nền kinh tế trong giai đoạn 2011 - 2015, chỉ số tương ứng của giai đoạn 2016 - 2020 là khoảng 10,7%. Trong giai đoạn 2016 - 2020, tổng vốn ODA và vay ưu đãi từ các nhà tài trợ nước ngoài đã thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp đạt khoảng 32 nghìn tỉ đồng (tính theo giá so sánh 2010), chưa bao gồm lương và chuyển tiếp từ giai đoạn trước; trong đó, phân bổ cho các phân ngành, lĩnh vực: nông nghiệp chiếm 21,5%, lâm nghiệp chiếm 9,5%, thủy sản chiếm 2,5%, thủy lợi và thích ứng biến đổi khí hậu (BĐKH) chiếm 66,5%.

Theo nguồn số liệu từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong giai đoạn 2011 - 2020, Bộ này đã thực hiện vai trò đầu mối chủ trì vận động được tổng số trên 50 nhà tài trợ song phương và đa phương, quản lý thực hiện trên 50 chương trình, dự án vốn vay và trên 80 dự án viện trợ không hoàn lại, tổng vốn ODA vay được khoảng 96,76 nghìn tỉ đồng; trong đó, phân bổ cho phân ngành Nông nghiệp trên 18,17 nghìn tỉ đồng (chiếm 19%), lâm nghiệp gần 8,2 nghìn tỉ đồng (chiếm 8%), thủy sản là 2,1 nghìn tỉ đồng (chiếm 2%), lĩnh vực thủy lợi, phòng chống thiên tai và thích ứng BĐKH gần 56 nghìn tỉ đồng (chiếm 58%), phát triển nông thôn lĩnh vực khác của ngành Nông nghiệp gần 12,48 nghìn tỉ đồng (chiếm 13%). Trong số trên 50 nhà tài trợ ODA, có 6 nhà tài trợ chủ chốt, chiếm hơn 99% tổng vốn vay ODA đầu tư cho lĩnh vực nông nghiệp, gồm: Ngân hàng thế giới (WB), Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), Cơ quan hợp tác Nhật Bản (JICA), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng Xuất nhập khẩu Hàn Quốc (KEXIM) và CHLB Đức.  Đối với Hội Nông dân Việt Nam, giai đoạn 2014 - 2022, các cấp Hội đã vận động được trên 600 tỉ đồng nguồn vốn viện trợ và vốn ODA không hoàn lại từ nước ngoài thông qua 68 chương trình, dự án quốc tế được triển khai thực hiện ở hầu hết các tỉnh, thành phố trong cả nước; riêng Trung ương Hội vận động được hơn 450 tỉ đồng để triển khai 23 chương trình, dự án.

Kết quả hoạt động hợp tác quốc tế đã trực tiếp và gián tiếp tác động thúc đẩy nông nghiệp Việt Nam phát triển theo hướng bền vững trong thời kỳ vừa qua, tạo tiền đề cho cơ cấu lại ngành Nông nghiệp để phát triển nhanh và bền vững hơn trong thời kỳ tới. Trong phân ngành Nông nghiệp, các dự án như: “Cạnh tranh nông nghiệp”, “Phát triển cao su tiểu điền”, “Nâng cao chất lượng an toàn thực phẩm nông nghiệp và khí sinh học”, “Cac-bon thấp”… đã góp phần tăng năng suất, sản lượng và chất lượng sản phẩm của một số cây trồng, vật nuôi quan trọng như chè, rau quả, cao su… Các dự án ODA trong phân ngành lâm nghiệp (Dự án FLICH, KFW 6, 7, 8, Dự án JICAZ - Lâm nghiệp) đã góp phần trồng mới và bảo vệ các khu rừng phòng hộ, đưa diện tích che phủ rừng lên 41%. Các dự án trong phân ngành thủy sản (như Dự án MOVIMAR-AFD, Dự án nguồn lợi ven biển và sự phát triển bền vững do WB tài trợ…) đã và đang hỗ trợ năng lực phát triển bền vững các ngành Thủy sản như: Hỗ trợ nâng cấp hạ tầng các cảng cá, cảng tránh trú bão; hỗ trợ phát triển mô hình quản lý đánh bắt ven bờ bền vững; tăng cường khả năng nghiên cứu, nhân giống và ứng dụng các mô hình tôm thâm canh và tôm sinh thái trong rừng ngập mặn; quản lý môi trường và nguồn nước qua đó giảm thiểu rủi ro dịch bệnh… giúp đánh bắt và nuôi trồng thủy sản hiệu quả. Các dự án ODA tập trung vào lĩnh vực thủy lợi và thích ứng với BĐKH của ngành Nông nghiệp như các dự án ADB3, ADB4, ADB5, WB7, JICA2… đã hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thủy lợi cho cả vùng Đồng bằng sông Hồng, Bắc miền Trung. Các dự án ODA như WB4, WB5, WB8 đã đầu tư xây dựng, kiên cố hóa đê sông, đê biển, cảng tránh trú bão, an toàn hồ chứa…, đã góp phần giảm thiểu rủi ro thiên tai cho khu vực miền Trung; các dự án ODA như WB9, JICA3… đã góp phần xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển nông nghiệp thích ứng với BĐKH ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài ra, nguồn vốn các chương trình, dự án quốc tế đã hỗ trợ thành lập và phát triển 2.500 tổ hợp tác, hợp tác xã; tổ chức hơn 500 khóa đào tạo tập huấn cho trên 30 nghìn lượt hội viên nông dân; tổ chức trên 50 chuyến nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm ở nước ngoài; tổ chức hàng chục hội nghị, hội thảo quốc tế về chủ đề phát triển nông nghiệp bền vững…

Bên cạnh những thành quả đã đạt được, hoạt động hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam còn một số hạn chế. Công tác thông tin đối ngoại và các nguồn lực trong nước dành cho hoạt đông hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững còn hạn chế, nhất là thiếu đội ngũ cán bộ, chuyên gia có năng lực hoạt động hội nhập và hợp tác quốc tế, được đào tạo bài bản về công tác đối ngoại, vừa có kinh nghiệm hoạt động hợp tác quốc tế, vừa có trình độ chuyên môn và trình độ ngoại ngữ đáp ứng nhu cầu trao đổi trực tiếp bằng ngoại ngữ trong công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế. Sự phối hợp giữa các bộ, ngành và chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị - xã hội, nhất là Hội Nông dân các cấp trong hoạt động hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững chưa chặt chẽ và thường xuyên. Tuy đã có một số văn bản của Đảng và Nhà nước đề cập vấn đề phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan Trung ương tổ chức chính trị - xã hội như Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình (Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức Chính phủ 2015, Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư, Quyết định số 17/1998/QĐ-TTg, Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011, nhưng chưa có văn bản nào có nội dung quy định cụ thể sự phối hợp giữa Chính phủ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững.

Một số chương trình phối hợp, thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam với các bộ, ngành, tổ chức, chính quyền địa phương, doanh nghiệp (thời gian vừa qua đã có 27 văn bản thỏa thuận hợp tác giữa Hội Nông dân Việt Nam với gần 40 bộ, ngành, tổ chức, doanh nghiệp…) đã được ký kết thực hiện với các cơ chế và nội dung phối hợp cụ thể, nhưng chưa có nội dung phối hợp liên quan đến vấn đề hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững. Công tác vận động tài trợ và hỗ trợ kỹ thuật quốc tế phục vụ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là từ đầu năm 2020 đến nay, thế giới đang bị tác động “kép” của đại dịch SARS-CoV-2 và xung đột quân sự Nga - Ukraina đã làm cho việc vận động các nguồn tài trợ quốc tế của phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam bị hạn chế. Trong 3 năm vừa qua, do ảnh hưởng của đại dịch SARS-CoV-2, việc triển khai hoạt động của các chương trình, dự án hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững thường bị chậm so với tiến độ kế hoạch, nguồn viện trợ cho một số chương trình, dự án bị cắt giảm…

Về thể chế, đến nay Chính phủ chưa ban hành một chính sách riêng, cụ thể về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững để tổ chức thực hiện thống nhất  trên toàn quốc, thống nhất giữa các cấp, các ngành. Mặc dù Hiến pháp năm 2013 đã quy định chung về vấn đề phối hợp này (Khoản 8, Điều 96, Hiến pháp năm 2013) và từ năm 2019 đến nay, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã có nhiều kiến nghị Ban Bí thư Trung ương Đảng về vấn đề này, nhưng đến nay, chưa có Nghị quyết, Chỉ thị nào của Trung ương Đảng đề cập và giải quyết kiến nghị này của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam. Do chưa có chủ trương của Đảng nên Chính phủ cũng chưa ban hành các văn bản quy định cụ thể về cơ chế, chính sách đối với sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp, nông thôn nói chung, hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam nói riêng.

Sầu riêng của Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và được người tiêu dùng ưa chuộng.

Đề xuất một số giải pháp đổi mới và tăng cường sự phối hợp 

Trong thời gian tới, để đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong phát triển nông nghiệp bền vững cần thực hiện đổi mới và tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với bối cảnh đại dịch SARS-CoV-2 trong đó tập trung chủ yếu vào các nội dung sau:

Thứ nhất, tiếp tục đổi mới chủ trương của Đảng và hoàn thiện cơ sở pháp lý của Nhà nước cho sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam.

Thứ hai, đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức về vai trò và sự cần thiết của sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững ở Việt Nam, nhất là trong bối cảnh đại dịch SARS-CoV-2.

Thứ ba, xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững. Trong đó, các cơ chế, chính sách về sự phối hợp đó tập trung vào các nội dung phối hợp chủ yếu: (1) Phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ trong quá trình xây dựng chủ trương, chính sách pháp luật liên quan đến hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững; và trong thực hiện chức năng của Hội Nông dân Việt Nam về giám sát và phản biện xã hội việc thực hiện các chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước liên quan đến hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững; (2) Phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các bộ, cơ quan thuộc Chính phủ để thực hiện các chương trình, đề án, dự án hợp tác quốc tế liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững; (3) Phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức các hội nghị, hội thảo quốc tế; tổ chức các khóa tập huấn, đào tạo; tổ chức các hoạt động nghiên cứu, khảo sát, học tập và trao đổi kinh nghiệm trong và ngoài nước liên quan đến phát triển nông nghiệp bền vững…

Để tăng cường sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với bối cảnh đại dịch SARS-CoV-2 trong thời kỳ tới, cần thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: 

Thứ nhất, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững. 

Thứ hai, phát huy vai trò chủ động, tích cực của Hội Nông dân Việt Nam trong thúc đẩy đổi mới tư duy, đề xuất xây dựng và hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật liên quan đến sự phối hợp giữa Trung ương Hội với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững. 

Thứ ba, nâng cao vai trò, trách nhiệm của Chính phủ trong xây dựng, ban hành cơ chế, chính sách và tạo điều kiện thuận lợi để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trực tiếp phối hợp chặt chẽ, thường xuyên với các bộ trong hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững.

Nhằm góp phần thực hiện các nhiệm vụ và giải pháp chung nêu trên, trong giai đoạn trước mắt đề nghị Trung ương Đảng, Chính phủ và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần triển khai một số biện pháp cụ thể sau:

(1) Ban hành Nghị quyết của Đảng về hợp tác quốc tế. Vấn đề mở rộng, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế của Việt Nam để phát triển nhanh và bền vững trong bối cảnh thế giới đang có những thay đổi mau lẹ, khó lường sau đại dịch SARS-CoV-2 và tác động của xung đột quân sự Nga - Ukraina… là một vấn đề lớn, phức tạp và nhạy cảm cao, cần có chủ trương, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng về giải quyết vấn đề lớn này. Trong thời kỳ vừa qua đã có một số nghị quyết của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế như Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 và Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 05/11/2016…). Vì thế, trong giai đoạn tới, cần ban hành một nghị quyết của Bộ Chính trị về hợp tác quốc tế Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ra Nghị quyết về hợp tác quốc tế. Trong nội dung các Nghị quyết này của Đảng, cần có chủ trương, chỉ đạo của Đảng về sự phối hợp giữa Chính phủ, chính quyền địa phương với các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức xã hội - nghề nghiệp trong hoạt động hợp tác quốc tế; trong đó, bao hàm cả chủ trương, chỉ đạo cụ thể của Đảng về sự phối hợp giữa Chính phủ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững.

Phát triển hợp tác xã nông nghiệp ở Việt Nam là phù hợp với xu thế chung của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa lớn, hiện đại. (Ảnh minh họa: vapa.org.vn)

(2) Xây dựng, phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và xây dựng giai cấp Nông dân Việt Nam giai đoạn 2023 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045” (thay thế Đề án “Nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020”, ban hành tại Kết luận số 61-KL/TW ngày 03/12/2009 của Ban Bí thư). Trong nội dung Đề án mới và Kết luận mới của Ban Bí thư về Đề án này, cần mở rộng phạm vi lĩnh vực phối hợp bao gồm cả sự phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với Chính phủ về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững. Đồng thời, Ban Bí thư giao Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo việc xây dựng cơ chế, chính sách cụ thể để Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương trong phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó bao gồm cơ chế chính sách để Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững. 

(3) Tiếp tục giải quyết tốt mối quan hệ giữa chính trị và kinh tế nhằm vừa đảm bảo sự quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại của Đảng, vừa bảo đảm hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động huy động, phân bổ, sử dụng các nguồn viện trợ và hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) từ các tổ chức phi chính phủ và các nhà tài trợ nước ngoài thông qua mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó có hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam. Trên cơ sở đó, Bộ Chính trị xem xét sửa đổi, bổ sung “Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại” ban hành tại Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI, được sửa đổi bổ sung theo Kết luận số 33-KL/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII. Trong các nội dung sửa đổi, bổ sung của Quy chế mới này, cần có các quy định để giải quyết các vấn đề liên quan đến sự phối hợp giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động hợp tác quốc tế nói chung, sự phối hợp giữa Chính phủ với Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững nói riêng; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị - xã hội trong triển khai thực hiện các hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế nhằm phát triển nông nghiệp bền vững. 

(4) Tiếp tục thể chế hoá, cụ thể hoá và hoàn thiện các quy định pháp luật để thực hiện đầy đủ các quy định tại Khoản 8 Điều 96 Hiến pháp năm 2013 và thực hiện đầy đủ các quy định tại các Khoản 1, 2, 3, 4, 5, Điều 26 Luật Tổ chức Chính phủ hiện hành (Luật số 76/2015/QH13, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 47/2019/QH14) về mối quan hệ và sự phối hợp giữa Chính phủ với Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội. Trước mắt, Chính phủ cần xây dựng và ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa các cơ quan này (thực hiện Khoản 2, Điều 26, Luật Tổ chức Chính phủ). Đồng thời, Chính phủ cần sớm xây dựng, ban hành khung cơ chế, chính sách phối hợp giữa Chính phủ, cụ thể là từng bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong thu hút, quản lý sử dụng vốn viện trợ không hoàn lại không thuộc hỗ trợ phát triển chính thức, vốn ODA và vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, như sửa đổi, bổ sung Nghị định số 114/2021/NĐ-CP, Nghị định số 80/2020/NĐ-CP. Trong đó, bổ sung một số điều khoản về khung cơ chế, chính sách phối hợp giữa các bộ, ngành với các cơ quan Trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động hợp tác vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài. Trên cơ sở khung cơ chế, chính sách đã được quy định trong các Nghị định của Chính phủ nêu trên, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam sẽ cùng với các bộ, ngành xây dựng và ký kết các văn bản thỏa thuận phối hợp cụ thể, trong đó có nội dung phối hợp về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững với từng bên đối tác là các bộ, ngành, cơ quan.

(5) Trung ương Hội Nông dân Việt Nam cần sớm hoàn thành xây dựng và ban hành “Chương trình tổng thể mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế của Hội Nông dân Việt Nam thời kỳ 2023 - 2030”. Trên cơ sở đó, xây dựng và ban hành “Kế hoạch xúc tiến vận động viện trợ nước ngoài giai đoạn 2023 - 2026 của Hội Nông dân Việt Nam” và “Kế hoạch tăng cường phối hợp giữa Trung ương Hội Nông dân Việt Nam với các bộ, ngành, chính quyền địa phương về hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp bền vững giai đoạn 2023 - 2026”. Mặt khác, Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam sớm chỉ đạo Ban Thường vụ Trung ương Hội xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện “Chương trình nâng cao năng lực đối ngoại và hợp tác quốc tế phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững cho cán bộ Hội Nông dân Việt Nam”. Chương trình này sử dụng một phần ngân sách nhà nước và phần còn lại là nguồn viện trợ nước ngoài do Hội vận động được; Trung ương Hội phối hợp với một số bộ, ngành triển khai thực hiện Chương trình này. 

Tài liệu tham khảo
1. Ban Đối ngoại Trung ương (2019), Hướng dẫn số 05-HD/BĐNTW về thực hiện Quy chế quản lý thống nhất các hoạt động đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 272-QĐ/TW ngày 21/01/2015 của Bộ Chính trị khóa XI và Kết luận số 33-KL/TW ngày 25/7/2018 của Bộ Chính trị khóa XII
2. Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (2019), Báo cáo kết quả hoạt động đối ngoại Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2013 - 2018, phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2018 - 2023
3. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2016), Đề án Tăng cường huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển
4. Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2021), Đề án Định hướng thu hút, quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài giai đoạn 2021 - 2025, đã được phê duyệt tại Quyết định số 2109/QĐ-TTg ngày 15/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ
5. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (2017), Báo cáo về đánh giá tình hình huy động, quản lý, sử dụng vốn vay ODA giai đoạn 2011 - 2016, định hướng giai đoạn 2017 - 2020; nợ doanh nghiệp nhà nước; đánh giá tình hình thực hiện và đề xuất kiến nghị, sửa đổi Luật Quản lý nợ công
6. Chương trình quốc gia về tăng cường hợp tác quốc tế và vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài giai đoạn 2019 - 2025 (ban hành tại Quyết định số 1225/QĐ-TTg ngày 17/9/2019 của Thủ tướng Chính phủ)
7. Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam (2021), Báo cáo Tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 04-CT/TW ngày 06/7/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại nhân dân trong tình hình mới”
8. Đảng đoàn Hội Nông dân Việt Nam (2021), Báo cáo công tác phi chính phủ nước ngoài của Hội Nông dân Việt Nam giai đoạn 2019 - 2021

 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác